Phiên 10/07: "Tay to rung lắc hay đánh xuống - chỉ là tin đồn để lý giải thị trường"
Việc có nhóm NĐT lớn nào đó rung lắc hay đánh xuống chỉ là tin đồn mà nhà đầu tư tìm cách để lý giải thị trường thôi. Khó có nhóm NĐT nào có thể tác động làm thị trường quay ngược xu thế.
Sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp từ ngày 02/07 đến 09/07, ngày hôm nay – 10/07, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đã giảm đáng kể. Việc điều chỉnh sau đợt tăng liên tục có vẻ là điều bình thường nhưng các nhà đầu tư cũng không tránh khỏi sự nhấp nhổm lo lắng khi sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc – chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS) sau phiên hôm nay.
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về thị trường ngày 10/07 này?
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Hôm nay là một phiên điều chỉnh khá rõ. Trong suốt thời gian qua, VN-Index đã tăng điểm từ 508 lên sát ngưỡng cao nhất là 595 điểm vào những ngày 07, 08, 09 tháng 07. HNX-Index cũng đã đi từ mức thấp nhất là 69 điểm lên 79 điểm. Nhìn chung 2 chỉ số đều tăng trưởng khá tốt với nguyên nhân chủ yếu là KQKD quý II của đa số cổ phiếu lớn trên sàn đều tương đối tốt.
Sau khi chạm vào những ngưỡng cản về mặt kỹ thuật này, hiện tượng bán chốt lời là tương đối phổ biến. Đặc biệt, các bluechips đã tăng 20 -25%, thậm chí có mã tăng 30%. Mức lợi nhuận này đã khuyến khích các nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn tại vùng kháng cự mạnh của thị trường hiện nay. Và phiên hôm nay thể hiện rõ xu hướng rút ra của dòng tiền lớn.
Ông cho rằng dòng tiền lớn bị rút ra, nhưng với mức thanh khoản lên tới 3.248 tỷ trên cả 2 sàn, trong đó sàn Hà Nội đạt 1.071 tỷ thì cũng tương ứng một dòng tiền lớn đổ vào thị trường. Ông nhận định thế nào về mức thanh khoản này?
Trong giai đoạn thị trường đang side way tại vùng điểm khá cao này thì lực cầu chặn mua ở dưới tương đối tốt nhưng lực mua đẩy giá lên cao thì rất hạn chế. Khi lực cầu chặn mua giá thấp ở dưới tương đối dày thì người bán cũng chủ động hạ giá bán để chốt lời. Việc này sẽ làm thanh khoản thị trường tăng lên rất mạnh.
Thanh khoản tốt nhưng số cổ phiếu giảm giá rất nhiều, các chỉ số cũng thoái lui khá rõ. VN-Index giảm 6,7 điểm, HNX-Index giảm 0,5 điểm còn thanh khoản tăng vọt. Đó là hiện tượng hết sức bình thường khi đang giao dịch ở khung điểm này.
Quan sát 1 tuần nay, các cổ phiếu nhỏ và trung bình tăng giá tốt, sự tăng giá này đến sau khi bluechips đã tăng rồi. Sau khi bluechips tăng thì dòng tiền cũng chạy sang dòng nhỏ và trung bình. Hôm nay, chỉ có những cổ phiếu có thông tin cổ tức và KQKD tốt thì giữ được sắc xanh. Những cổ phiếu giảm là những cổ phiếu đã tăng khá cao rồi. Tôi nghĩ thị trường có tăng có giảm, dòng tiền xoay chuyển là bình thường.
Như vậy, thanh khoản cao không phải là dấu hiệu lạc quan gì?
Chính xác là như vậy. Sau chu kỳ tăng điểm nhiều như trên, hành động chốt lời cũng là điều bình thường. Thông thường trong các phiên chốt lời ở vùng đỉnh, thanh khoản sẽ rất cao. Nếu đi kèm đó là việc giá cổ phiếu giảm mạnh thì rõ ràng là lực bán đang thắng thế. Tín hiệu này không tích cực lắm.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng phiên hôm nay có thể có những NĐT lớn hay thường được gọi là “tay to” thực hiện rung lắc để tái cơ cấu danh mục, hoặc để kiểm định sức cầu. Ông nghĩ thế nào về việc này?
Điều này không đúng lắm. Nói đến dòng tiền lớn là thường nói đến số đông nhà đầu tư. Khó mà chỉ ra được đâu là dòng tiền lớn, đâu là dòng tiền nhỏ mà thông thường khi thị trường lên đến mức điểm cao, phần lớn nhà đầu tư sẽ nghĩ đến chuyện chốt lời. Khi thấy thị trường giảm điểm, nhiều cổ phiếu giảm điểm thì tâm lý bán ra để hạn chế rủi ro càng phổ biến. Tại thời điểm mà phần lớn nhà đầu tư thực hiện hành động này thì sẽ tạo nên tình trạng là số đông thắng thế và xảy ra hiện tượng điều chỉnh.
Còn việc có nhóm NĐT lớn nào đó rung lắc hay đánh xuống chỉ là tin đồn mà nhà đầu tư tìm cách để lý giải thị trường thôi, tôi cho là không phù hợp lắm. Khó có nhóm NĐT nào có thể tác động làm thị trường quay ngược xu thế.
Vậy nhận định của ông về xu hướng thị trường sắp tới như thế nào?
Với việc các chỉ số chạm ngưỡng kháng cự mạnh thì điều chỉnh là bình thường. Trước mắt, HNX-Index có một ngưỡng hỗ trợ là 78 điểm, có thể giảm đến vùng 77 – 78 điểm tương ứng với đường trung bình động 20 ngày. Còn VN-Index có thể quay về vùng 575 – 580 điểm, cũng tương ứng với đường trung bình động 20 ngày. Xu hướng ngắn hạn 1, 2 phiên tới thị trường có thể tiếp tục giảm về ngưỡng hỗ trợ vậy.
Mặc dù chơi thì phải xét trong điều kiện thị trường chung nhưng nhà đầu tư cũng có thể chơi những game riêng. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc tăng vốn điều lệ và nhà đầu tư rất hào hứng với game tăng vốn. Ông thấy chơi game này trong thời gian này thì sao?
Hoạt động tăng vốn xuất phát từ nhu cầu cơ bản của Doanh nghiệp (DN) là để phục vụ cho hoạt động SXKD chính của họ, thường là thông tin tốt. NĐT cũng rất quan tâm đến hoạt động kinh doanh chính và mục đích phát hành cổ phiếu của DN. Một DN nào đó, ví dụ thị giá đang là 15.000 -16 .000 đồng mà phát hành với giá 10.000 đồng thì là cơ hội. Khi người ta quan sát thấy hoạt động kinh doanh của DN tốt thì nó vẫn thu hút được dòng tiền.
Nhưng có nhiều DN công bố tin phát hành giá 10.000 đồng trong khi thị giá trên sàn chỉ có 7.000, 8.000 đồng. Hoạt động kinh doanh của họ không có gì tốt cả. Trào lưu trong 6 tháng đầu năm, nhiều DN phát hành thành công và giá cổ phiếu được đẩy lên nhưng thời gian này thì không còn hợp nữa. Nhiều DN đã công bố tin đó nhưng không còn thu hút được NĐT mà thậm chí còn rất rủi ro.
Các game như thế theo tôi trong thời gian này không còn nhiều cơ hội, nhất là khi thị trường đang ở mức điểm cao thế này, đa số NĐT đều thận trọng.
Tuy nhiên vẫn có những NĐT rất ham mê trò chơi này. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân của mình?
Việc tăng giảm giá cổ phiếu cũng phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường và nhiều khi do có dòng tiền điều tiết ở đó. Nhưng bây giờ rủi ro rất cao, những nhà đầu tư kiếm lợi được từ game này giờ cũng hên xui thôi. Vào thời điểm dòng tiền tốt, xu thế thị trường ủng hộ cho việc tăng giá cổ phiếu thì có thể chơi được, vì khi thị trường tốt nhiều khi các cổ phiếu không tốt cũng tăng.
Nhưng khi thị trường đang rủi ro thì việc đẩy giá cổ phiếu rất khó. Doanh nghiệp tốt có tin tốt còn khó tăng nữa là những DN không tốt. Theo quan điểm cá nhân của tôi, NĐT không nên chơi những game mạo hiểm không dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp vì rõ ràng rủi ro rất lớn. Còn với những người chấp nhận mạo hiểm thì nên chú ý đến xu hướng ngắn hạn. Khi thanh khoản bắt đầu tích lũy tăng dần và các cổ phiếu liên tục nhích lên như cách đây 1 tháng chẳng hạn thì có thể xem xét. Trong điều kiện hiện nay xu thế điều chỉnh rất rõ ràng, tâm lý chung thận trọng, nên hạn chế tham gia các trò tạo game vì tỷ lệ rủi ro là cao.
Ông có nhận xét gì về động thái khối ngoại gần đây?
Khối ngoại mua ròng 1 tháng rưỡi và thị trường cũng có sự tăng trưởng nhất định. Nay khi thị trường đang thiếu động lực tăng trưởng thì khối ngoại bắt đầu bán ròng trong 2 phiên gần đây. Về ngắn hạn hoạt động chốt lời của họ đã được thể hiện, đó là tín hiệu cho thấy thị trường bắt đầu đuối.
Theo quan sát của tôi, khi khối ngoại bán ròng tầm 3- 5 phiên, tức kéo dài khoảng 1 tuần thì thị trường sẽ giảm tương đối mạnh.
Tôi cho rằng trong ngắn hạn họ tiếp tục bán ròng còn không nói được về dài hạn. Tôi nghĩ thị trường Việt Nam về trung và dài hạn thì vẫn tốt nên không loại trừ khả năng họ quay lại mua ròng sau 1 thời gian khi thị trường trở nên hấp dẫn với họ. Việc này cũng diễn ra theo chu kỳ mấy năm nay rồi.
Xin cảm ơn ông rất nhiều.
>>> BSC: Thị trường sẽ vượt qua mức 600 điểm trong 6 tháng cuối năm
Hải Minh