Quỹ mở không được đầu tư trực tiếp vào bất động sản, đá quý, kim loại quý hiếm
Quỹ mở có thể vay tiền mặt tối đa 3 tháng để đáp ứng lệnh bán của NĐT trong trường hợp tài sản của quỹ tạm thời mất thanh khoản; nhưng không quá 15% NAV tại thời điểm giao dịch.
UBCK Nhà nước đang lấy ý kiến của các thành viên thị trường về Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập và quản lý Quỹ mở (lần 2). Trong đó, phạm vi hoạt động đầu tư của quỹ mở có một số giới hạn nhất định.
Các loại tài sản quỹ mở được đầu tư
Theo Khoản 2 Điều 17 Dự thảo lần này, UBCK Nhà nước quy định các loại tài sản mà quỹ được đầu tư bao gồm:
a) Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
b) Công cụ thị trường tiền tệ, ngoại tệ, giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng;
c) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương;
d) Cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, trái phiếu niêm yết của các tổ chức phát hành thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
e) Cổ phiếu chuẩn bị niêm yết, đăng ký giao dịch, trái phiếu phát hành bởi các tổ chức phát hành thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
f) Chứng khoán phái sinh niêm yết và giao dịch tại các Sở Giao dịch Chứng khoán, bảo đảm phù hợp với mục tiêu và chính sách đầu tư của quỹ;
g) Các tài sản quy định tại điểm a, b, c, d, e khoản này giao dịch trên thị trường tiền tệ, Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc các thị trường giao dịch có quản lý tương đương theo quy định tại Điều lệ Quỹ tại các quốc gia là thành viên thuộc khối OECD (30 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển).
Giới hạn đầu tư của quỹ mở
Ngoại trừ quỹ chỉ số, quỹ trái phiếu và quỹ thị trường tiền tệ, quỹ mở phải bảo đảm:
- Không được đầu tư quá 40% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các loại tiền gửi và các giấy tờ có giá, ngoại tệ (các loại tài sản tại điểm a, b khoản 2 Điều 17).
- Không được đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản quy định tại điểm a và b khoản 2 điều 17 mà được phát hành bởi cùng một tổ chức;
- Không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản như các loại tiền gửi, giấy tờ có giá, ngoại tệ, cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết (quy định tại điểm a, b, d, e và f khoản 2 Điều 17), phát hành bởi một công ty hoặc một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau.
- Không được đầu tư vào quá 10% số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, không được đầu tư quá 10% số chứng khoán phát hành thêm trong một đợt chào bán của một tổ chức phát hành.
- Công ty quản lý quỹ không được đầu tư tài sản của các quỹ đóng, quỹ mở mà mình đang quản lý quá 25% số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, hoặc quá 25% số chứng khoán phát hành thêm trong một đợt chào bán của một tổ chức phát hành. Chứng khoán quy định tại điểm này bao gồm giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng, trái phiếu, cổ phiếu có quyền biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết;
- Danh mục đầu tư của quỹ phải bao gồm chứng khoán phát hành bởi tối thiểu 6 tổ chức phát hành;
Không được đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của các công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
Không được đầu tư trực tiếp vào bất động sản, đá quý, kim loại quý hiếm.
Về việc đầu tư trên thị trường tiền tệ ngân hàng (tiền gửi, giấy tờ có giá, ngoại tệ, trái phiếu), quỹ mở không được đầu tư vào các tài sản có thời gian đáo hạn vượt quá 360 ngày; Không được đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản có thời gian đáo hạn còn lại vượt quá 90 ngày; Không được đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản phát hành bởi cùng một tổ chức, Không được đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản phát hành ở nước ngoài…
Giới hạn vay, cho vay, giao dịch mua bán lại, giao dịch ký quỹ
Công ty quản lý quỹ không được phép vay dưới bất kỳ hình thức nào để tài trợ cho hoạt động của quỹ mở, ngoại trừ việc vay tối đa 30 ngày để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ. Giá trị khoản vay không được vượt quá 5% giá trị tài sản ròng của quỹ tại thời điểm phát sinh giao dịch;
Ngoài ra, quỹ có thể vay tiền mặt trong thời hạn tối đa là 3 tháng để đáp ứng lệnh bán của nhà đầu tư trong trường hợp một số tài sản trong danh mục của quỹ trong tình trạng tạm thời mất thanh khoản; hoặc vay trong thời hạn tối đa ba (03) ngày làm việc để thanh toán giao dịch chứng khoán.
Tổng giá trị các khoản vay trên không được vượt quá 15% giá trị tài sản ròng của quỹ tại thời điểm giao dịch.
Quỹ mở được cho vay chứng khoán nếu Pháp luật và Điều lệ quỹ cho phép
Trường hợp pháp luật và Điều lệ quỹ có quy định cho phép thực hiện thì quỹ mở được cho vay chứng khoán. Việc cho vay chứng khoán phải được thực hiện theo cơ chế cho vay chứng khoán của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (nếu được phép). Trong các trường hợp khác, bên đi vay phải có tài sản bảo đảm phải được lưu ký tại ngân hàng giám sát, hoặc phong tỏa trên tài khoản cầm cố theo hướng dẫn của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (trong trường hợp là chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán);...
Tài sản bảo đảm và chứng khoán cho vay phải được định giá hàng ngày trên cơ sở giá đóng cửa hoặc giá bình quân gia quyền, bảo đảm giá trị của tài sản bảo đảm tối thiểu phải bằng 90% tổng giá trị chứng khoán cho vay (bao gồm cả cổ tức, trái tức và các quyền lợi vật chất khác mà quỹ được hưởng với tư cách là chủ sở hữu).
Tổng giá trị chứng khoán cho vay, giá trị nhận thanh toán trong các giao dịch mua bán lại đối với một đối tác không được vượt quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ.
• Quỹ đóng: Có mô hình hơi giống như một công ty cổ phần, quỹ đóng phát hành chứng chỉ quỹ một lần khi tiến hành huy động vốn cho quỹ. Quỹ đóng có thể đăng ký phát hành huy động thêm nếu được sự chấp nhận thông qua tại Đại Hội Nhà Đầu Tư. Quỹ đóng không thực hiện việc mua lại chứng chỉ đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư khi họ có nhu cầu bán lại. Nhằm tạo tính thanh khoản cho nhà đầu tư, các quỹ đóng có thể niêm yết chứng chỉ quỹ trên một thị trường chứng khoán và các chứng chỉ quỹ sẽ được giao dịch như một cổ phiếu của một công ty niêm yết. Nhược điểm của quỹ đóng niêm yết là giá giao dịch trên thị trường chứng khoán thường thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản thật của quỹ. Ưu điểm là vì tổng vốn của quỹ sẽ được ổn định hơn, công ty quản lý quỹ sẽ không bị áp lực về tính thanh khoản nên có thể đầu tư vào các tài sản mang tính chiến lược dài hạn. • Quỹ mở: Điểm khác biệt chính của quỹ mở so với quỹ đóng là khả năng mua lại chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư với giá bằng giá trị thật của quỹ theo từng ngày, từng tuần hoặc từng tháng tùy theo quy định của quỹ. Vì vậy, quỹ mở tạo tính thanh khoản cao cho các nhà đầu tư và trở thành một trong những kênh đầu tư hữu hiệu trên thị trường. Để đáp ứng được việc mua lại này, công ty quản lý quỹ mở phải có kế hoạch và chiến lược về quản lý thanh khoản của quỹ rõ ràng và thận trọng. Các quỹ mở thường tập trung đầu tư nhiều vào các công ty niêm yết có thanh khoản giao dịch tốt trên thị trường chứng khoán. (Nguồn: Wikipedia) |
Phương Mai
Theo SSC