MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Red River Holding ra đi, cổ phiếu Vicostone tăng giá gấp 5 sau khi "đổi chủ"

Kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu của Vicostone đều tăng trưởng mạnh sau khi kết thúc "đối đầu" giữa cổ đông lớn và ban lãnh đạo.

Tháng 6/2014, mối bất hòa kéo dài nhiều năm giữa ban điều hành Vicostone với nhóm cổ đông lớn nước ngoài với đại diện là Red River Holding đã được giải quyết khi các quỹ ngoại này đã chấp nhận “ra đi”. Nhóm cổ đông này đã nhiều lần phủ quyết các nội dung quan trọng tại Đại hội đồng cổ đông của Vicostone khiến cho nhiều quyết sách quan trọng không thể thực hiện được.

Ba cổ đông lớn Red River Holding, DWS Vietnam Fund và Wonderful Kitchens đã chuyển nhượng 46% cổ phần cho một nhóm cá nhân trong nước. Các giao dịch này được thực hiện qua Trung tâm lưu ký chứng khoán nên mức giá chuyển nhượng không được công bố. Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu VCS dao động quanh mức 14.000 đồng/cp.

Đến tháng 8/2014, đại hội cổ đông bất thường của CTCP Vicostone (VCS) đã thông qua việc tái cấu trúc công ty với nội dung quan trọng là chấp thuận Vicostone trở thành công ty con của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa).

Vicostone vốn là một doanh nghiệp lớn và kinh doanh có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất đá ốp lát nhân tạo. Theo tờ trình đại hội cổ đông do Hội đồng quản trị đưa ra, nguyên nhân dẫn đến quyết định tái cơ cấu trên là Vicostone đang bị đe dọa về thị phần, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng do nguy cơ về cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế khi xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh lớn, mạnh.

Điển hình là Công ty Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 06 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh. Việc Phenikaa ký kết hợp đồng độc quyền với Breton, đồng nghĩa với việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton.

Sau khi Vicostone mua lại 20% cổ phiếu quỹ, quyền biểu quyết của Phenikaa đã tăng lên thành 72,5%
Sau khi Vicostone mua lại 20% cổ phiếu quỹ, quyền biểu quyết của Phenikaa đã tăng lên thành 72,5%

 

Điều này khiến ban lãnh đạo Vicostone nhận định công ty sẽ không có khả năng tăng trưởng trong những năm tới nếu không có chiến lược tái cơ cấu phù hợp. ĐHCĐ của Vicostone đã chấp thuận việc công ty Phenikaa được mua từ 51-58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai.

Rất nhanh chóng, đến cuối tháng 8/2014, Phenikaa đã hoàn tất việc mua 58% cổ phần và trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát của Vicostone.

Đến cuối tháng 9/2014, Vicostone đã chi ra 370 tỷ đồng để mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5% - tức có toàn quyền quyết định đối với mọi quyết sách của Vicostone.

Chủ tịch Vicostone nắm cổ phần chi phối của công ty đi thâu tóm

Sau khi thương vụ đã an bài, Theo đề xuất của nhóm cổ đông Phenikaa đồng thời được sự đồng ý của hội đồng quản trị Vicostone, ông Hồ Xuân Năng – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone – đã mua lại phần vốn góp tại Phenikaa. Tại ngày 31/12/2014, ông Hồ Xuân Năng sở hữu 54 triệu cổ phần, tương đương 90% vốn điều lệ của Phenikaa.

Ông Hồ Xuân Năng là Giám đốc/Tổng giám đốc của Vicostone từ năm 2004 khi doanh nghiệp này còn là một nhà máy gặp nhiều khó khăn trực thuộc Tổng Công ty Vinaconex. Hiện Vinaconex đã thoái vốn khỏi Vicostone.

Như vậy, lãnh đạo của công ty bị thâu tóm đã “thâu tóm” lại công ty đi thâu tóm. Đây là tình huống khá hiếm thấy trong các thương vụ M&A tại Việt Nam. Với động thái trên, ông Năng đã trở thành người nắm quyền kiểm soát đối với cả Phenikaa lẫn Vicostone.

 

 

Cổ phiếu tăng gấp 5 lần sau một năm rưỡi

Sau khi thương vụ thâu tóm Vicostone đã “an bài” thì cổ phiếu VCS đã tăng gấp đôi từ 15.000 lên trên 30.000 đồng vào tháng 9/2015. Đến nay cổ phiếu này đang ở mức cao nhất trong lịch sử khi dao động quanh vùng 75.000 đồng – tức tăng gấp 5 lần trong vòng 18 tháng.

Không những thế, từ cuối tháng 12/2014 đến nay, Vicostone còn có 3 lần trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả mỗi lần là 20%. Với gần 31 triệu cổ phiếu đang nắm giữ thì Phenikaa đã nhận về gần 200 tỷ đồng cổ tức trong 1 năm qua.

Đà tăng giá phi mã của cổ phiếu cùng mức trả cổ tức lớn phần nào phản ánh kết quả kinh doanh của Vicostone đã có sự chuyển biến rất tích cực sau khi “đổi chủ”. Lợi nhuận của công ty đã tăng vọt từ quý 4/2014.

Tổng lợi nhuận 4 quý gần nhất của Vicostone đạt 380 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 55 tỷ của năm 2012 và 72 tỷ của năm 2013. Do lợi nhuận tăng mạnh nên dù cổ phiếu tăng gấp 5 thì hiện P/E của Vicostone cũng chỉ ở mức 8 lần – khá thấp so với P/E toàn thị trường.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên