Sẽ có chế độ kế toán mới chặn công ty chứng khoán "lách luật"
Bên cạnh đó, quy định liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, đánh giá tải sản của CTCK cũng sẽ có nhiều thay đổi nhằm đảm bảo cung cấp con số sát thực trên báo cáo của DN.
Hiện nay, theo quy định của Luật Chứng khoán, các CTCK được kinh doanh, mua bán một thứ hàng hóa vô hình, chỉ là giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản nhưng lại có giá trị rất lớn. Trong khi đó, các công cụ tài chính, hàng hoá chứng khoán có giá cả thay đổi liên tục, thậm chí trong một ngày cũng có rất nhiều giá khác nhau, được mua đi bán lại thường xuyên cho nên các nghiệp vụ phát sinh rất phong phú, phức tạp. Ngoài ra, CTCK còn có những nghiệp vụ đặc trưng như: Bảo lãnh phát hành cổ phiếu, cầm cố cổ phiếu, cho vay, repo chứng khoán.
Đặc biệt trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam là sự gia tăng cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động của các CTCK, vì vậy cần phải nâng cao chất lượng kế toán trong các CTCK để đáp ứng được những yêu cầu và đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ kế toán quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh- Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, báo cáo tài chính có kiểm toán được xem là căn cứ quan trọng để nhà đầu tư xem xét thực trạng tài sản, hiệu quả kinh doanh các DN nhưng thực tế một số vấn đề liên quan đến tài chính phát sinh của CTCK không được phản ánh trong các báo cáo tài chính. Do vậy, mục đích của việc sửa đổi chế độ kế toán đối với CTCK lần này nhằm xây dựng một khung pháp lý mới phù hợp nhất với đặc điểm tài sản của các CTCK, đảm bảo phù hợp với thông lệ của thị trường và dựa vào kinh nghiệm của các CTCK đang hoạt động trong nước và quốc tế.
Cụ thể, trong Dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính đã xây dựng chế độ kế toán, hệ thống tài khoản, chế độ sổ và hệ thống báo cáo tài chính áp dụng với CTCK. Trong đó, CTCK phải hạch toán trên hệ thống tài khoản kế toán các thông tin về giá mua cổ phiếu chưa niêm yết, chênh lệch đánh giá lại cổ phiếu chưa niêm yết… CTCK phải hạch toán chi tiết tiền gửi của khách hàng, tiền gửi về thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tiền gửi về ủy thác và tiền gửi vãng lai của nhà đầu tư. Tiền của nhà đầu tư cũng sẽ được tách khỏi báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bảng cân đối của CTCK.
Bên cạnh đó, quy định liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, đánh giá tải sản của CTCK cũng sẽ có nhiều thay đổi nhằm đảm bảo cung cấp con số sát thực trên báo cáo của DN.
Đặc biệt, việc hạch toán các khoản đầu tư chứng khoán chưa niêm yết (OTC), hay tài sản, tiền của khách hàng tại CTCK sẽ được minh bạch thông qua các quy định cụ thể về việc hạch toán các nghĩa vụ tài chính của CTCK liên quan đến khoản phải thu, phải trả của CTCK, các khoản đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Theo Thu Hằng