MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng vốn - Đũa thần cho bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp

Nhiều NĐT đã nhìn việc tăng vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu với suy nghĩ “in giấy lấy tiền”. Nhưng rõ ràng rất nhiều DN đã sử dụng hiệu quả số vốn huy động từ TTCK, mang lại trái ngọt cho cổ đông cũng như củng cố năng lực của doanh nghiệp trong dài hạn.

 

Thị trường chứng khoán ra đời với một trong những chức năng quan trọng là huy động vốn cho doanh nghiệp. Từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành, bên cạnh hình thức vay tín dụng, doanh nghiệp đã có kênh dẫn vốn mới năng động hơn, dồi dào hơn và nhiều đơn vị đã sử dụng rất hiệu quả dòng vốn này để tăng quy mô cũng như năng lực hoạt động của mình.

 

Chỉ tính riêng trong năm vừa qua, thị trường đã được chứng kiến không ít các “hiện tượng” tăng vốn như CTCP Đầu tư  F.I.T (mã: FIT), CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (mã: TSC), CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC), CTCP Liên doanh đầu tư Quốc tế KLF (mã: KLF).

Với những đợt tăng vốn rất lớn, năm 2014 các công ty này đều có mức tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận ít doanh nghiệp nào theo kịp. FIT tăng 6,6 lần về doanh thu so với năm 2013 và tăng 4,3 lần về lợi nhuận sau thuế. FLC tăng 24% về doanh thu và 200% về lợi nhuận. KLF cũng không kém cạnh khi đạt mức tăng trưởng gấp đôi về doanh thu và 165% về lợi nhuận.

Đáng nói nhất là TSC khi doanh nghiệp này được đánh giá là “hồi sinh từ cõi chết”  từ con số lỗ gần 57 tỷ năm 2012 đến mức lợi nhuận 62 tỷ trong năm 2014.

Trong các năm trước, cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng phương án huy động vốn từ thị trường chứng khoán và đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng khá cao sau đó.

Có thể kể đến CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất (mã: GTN). Năm 2013, công ty tăng vốn thêm 600 tỷ từ con số khiêm tốn 80 tỷ của năm 2012. Việc tăng vốn này đã đem lại cho GTN doanh thu 123 tỷ - tăng hơn 5 lần. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 23,5 tỷ - tăng 5,5 lần. EPS tăng nhẹ lên 855 đồng.

Cũng trong năm 2013, CTCP Sông Ba (mã: SBA) đã tăng vốn từ 500 tỷ lên 604 tỷ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5% và phát hành riêng lẻ 8 triệu cổ phiếu cho Tổng công ty điện lực miền Trung. Với hơn 104 tỷ thu về từ đợt tăng vốn này, doanh thu  năm 2013 của SBA nhanh chóng tăng 32%  và lợi nhuận sau thuế tăng 257%. EPS tăng 3,3 lần. Các chỉ tiêu này được giữ khá ổn định trong năm tiếp theo.

Một doanh nghiệp cũng đạt được mức tăng trưởng ấn tượng sau khi tăng vốn là CTCP Khoáng sản FECON (FCM). Năm 2013, FCM tăng vốn từ 150 tỷ lên 268 tỷ đồng. Ngay trong năm, doanh thu của công ty đã tăng 60 % và lợi nhuận thì tăng gấp đôi.

Một số doanh nghiệp khác đã thực hiện huy động vốn từ thị trường chứng khoán nhưng mức tăng trưởng khiêm tốn hơn. Ví dụ như CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon (mã: FCN) với 3 đợt tăng vốn được thực hiện trong 3 năm. Năm 2012, công ty tăng vốn điều lệ thêm 10 tỷ đồng và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh. Doanh thu năm 2012 của công ty tăng 10,2% so với năm 2011 và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên trong năm sau đó, khi FCN tăng vốn thêm 260 tỷ nhờ phát hành cho cổ đông hiện hữu, doanh thu của công ty đã tăng 19,5% và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 8,2%. Tiếp tục một đợt tăng vốn thêm 60 tỷ trong năm 2014, doanh thu của FCN tăng 12,4% và LNST tăng 27,3%.

Năm 2012, Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP (PVC) đã tiến hành tăng vốn từ 350 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng tức tăng thêm 150 tỷ. Tương ứng với đó, doanh thu công ty đã tăng thêm 47,3% và lợi nhuận tăng thêm 12,5%. Một công ty khác có thể kể đến là CTCP Traphaco (TRA). Công ty này đã tăng gấp đôi vốn điều lệ của mình từ 123,3 tỷ lên 246,7 tỷ đồng trong năm 2013. Kết quả doanh thu sau đó ghi nhận mức tăng nhẹ 20% nhưng lợi nhuận tăng 33,6%.

Trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán, đã có những doanh nghiệp tăng vốn nhưng không sử dụng lượng vốn huy động vào hoạt động kinh doanh chính. Việc đầu tư không hiệu quả đã dẫn đến những kết cục không hay. Con sâu làm rầu nồi canh, nhiều nhà đầu tư đã nhìn việc tăng vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu với suy nghĩ  “in giấy lấy tiền”. Nhưng rõ ràng rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả được số vốn huy động từ thị trường chứng khoán và mang lại trái ngọt cho cổ đông cũng như củng cố năng lực của doanh nghiệp trong dài hạn.

Mặc dù vậy, ngay trong số những doanh nghiệp nói trên, sau khi tăng vốn lợi nhuận đạt được cũng có một phần không nhỏ đến từ hoạt động tài chính. Bênh cạnh đó, mức tăng trưởng quá lớn trong một thời gian ngắn cũng chưa thể khẳng định rằng đồng vốn này sẽ giúp cho doanh nghiệp giữ được phong độ bền vững trong tương lai.

Trung Kiên

Minh Trang

Tài chính Plus

Trở lên trên