Tháng 1 khác lạ của thị trường chứng khoán Việt Nam
Không như những năm gần đây, tháng 1 năm 2016 đang ghi nhận sự sụt giảm của TTCK dù đã đón nhận không ít thông tin mang tính tích cực.
- 10-01-2016Thanh khoản thị trường sẽ tăng mạnh sau thông tư 203?
- 07-01-2016Chuyên gia chứng khoán nói gì về diễn biến phiên giao dịch 7/1?
- 07-01-2016Một năm buồn của "cổ phiếu Gia Lai"
Theo thống kê, tháng 1 thường là thời điểm tích cực đối với TTCK Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2010- 2015, có tới 5 năm VnIndex tăng điểm trong tháng 1 và chỉ có duy nhất năm 2010 ghi nhận sự sụt giảm của chỉ số. Thậm chí năm 2013, VnIndex đã có mức tăng khá mạnh, lên tới 16%.
Diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam trong tháng 1
Sự tăng trưởng có tính chu kỳ của TTCK trong tháng 1 thường đến từ sự kỳ vọng vào các số liệu kinh tế hay kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố. Bên cạnh đó, việc khối ngoại thường mua ròng mạnh trong giai đoạn này cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường.
Trên thực tế, sự kỳ vọng của nhà đầu tư về sự phục hồi của TTCK trong tháng 1 năm nay là có cơ sở khi tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam đạt 6,68%, cao hơn so với mục tiêu 6,2% và đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, đà bán ròng của khối ngoại cũng có dấu hiệu chững lại trong những phiên giao dịch cuối năm 2015 đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên bớt phần bi quan.
Trong phiên giao dịch đầu năm mới 2016, thị trường tiếp tục đón nhận những thông tin mang tính tích cực như chỉ số PMI đã tăng vượt ngưỡng 50 điểm; giá xăng trong nước giảm tiếp gần 400 đồng hay việc rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán xuống còn T+2 đã chính thức có hiệu lực.
Tưởng chừng hàng loạt yếu tố trên sẽ giúp TTCK mở màn năm mới một cách tích cực, tuy nhiên, diễn biến thực tế không như những gì nhà đầu tư mong đợi. Những yếu tố từ kinh tế Thế giới như giá dầu liên tục “phá đáy”, đặc biệt là việc Trung Quốc tiếp tục phá giá tiền tệ đã ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK toàn cầu và Việt Nam cũng không tránh khỏi.
Trong tuần giao dịch đầu năm mới, chỉ số VnIndex đã giảm 3,28%; trong khi Hnx-Index cũng mất tới 4,44%. Trong đó, phiên giao dịch 7/1, TTCK Việt Nam giảm khá mạnh sau khi TTCK Trung Quốc phải ngừng giao dịch bởi lo ngại những tác động từ việc phá giá Nhân dân tệ.
Diễn biến trên có phần tương đồng với những gì đã xảy ra vào tháng 8/2015 khi TTCK Việt Nam cũng “chao đảo” bởi những biến cố phá giá tiền tệ từ Trung Quốc và VnIndex rơi thẳng từ 640 điểm về 510 điểm.
Khối ngoại chưa sớm trở lại?
Tính tới hết ngày 8/1, tỷ giá trung tâm được ngân hàng nhà nước công bố đã lên tới 21.909 đồng đổi 1 USD, tăng 19 đồng so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng hồi cuối năm 2015. Trong những ngày “nóng” như 7/1, khi Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ, giá bán ra USD tại Vietcombank cũng tăng gần kịch biên độ 3%.
Ông Đỗ Bảo Ngọc- chuyên gia nghiên cứu cao cấp CTCK MBS cho biết “nếu như trước đây, việc điều chỉnh tỷ giá diễn ra khá nhanh chóng thì nay quá trình này có thể kéo dài cả tháng và điều này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động mua/bán của khối ngoại”.
Trong một trao đổi trước đó, ông Bùi Nguyên Khoa- trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK BSC cho rằng “Thông thường các quỹ ETF sẽ có đợt mua ròng khá mạnh trên TTCK Việt Nam tư tháng 1 đến tháng 3. Tuy vậy, việc FED nâng lãi suất mới đây có thể khiến đà mua ròng của khối ngoại có độ trễ hơn so với chu kỳ thường diễn ra”.
Diễn biến tuần giao dịch đâu tiên năm 2016, khối ngoại đã bán ròng gần 100 tỷ đồng trên toàn thị trường.
CTCK VPBS trong bản tin mới nhất đã có khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục. Việc mua bắt đáy nếu có tạm thời chỉ nên dừng ở mức thăm dò với một tỷ trọng giải ngân nhỏ, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng tốt hơn thị trường chung trong giai đoạn vừa qua.
Thời điểm này, các doanh nghiệp chuẩn bị bắt đầu công bố KQKD trong năm 2015 và đó sẽ là yếu tố được kỳ vọng giúp TTCK giao dịch ổn định hơn trong những phiên giao dịch tới đây.