Tháng đầu nới room: Thị trường bất ổn, khối ngoại bán ròng kỷ lục từ đầu năm
Khối ngoại trong tháng 9 gom rất mạnh hai cổ phiếu là NT2 và BID, trong khi 'tháo chạy' khỏi MSN, BCI VIC, HAG và KDC.
- 09-09-2015Nới room công ty chứng khoán: Ưu thế cho ông lớn
- 04-09-2015SSI nói gì khi được nới room 100%?
- 02-09-2015Ngày nới room có hiệu lực, thị trường “có phần thất vọng”
Ngày 1/9/2015, Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định mới là nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, Nghị định 60 có hiệu lực đúng 1 tháng nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đã có sự phản ứng không quá tích cực với thông tin trên.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, chỉ số VN-Index đứng ở mức 562,64 điểm, giảm nhẹ 0,4% so với cuối tháng 8. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng chỉ có được mức tăng nhẹ 1,4% lên 77,97 điểm.
Thanh khoản thị trường trong tháng 9 sụt giảm mạnh so với tháng 8. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tháng 9 chỉ đạt hơn 1,97 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị là hơn 33.764 tỷ đồng, giảm 23% về lượng và 26,4% về giá trị so với tháng 8. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HNX cũng giảm 25,9% về lượng và 21,4% về giá trị, đạt lần lượt 741,6 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 8.421 tỷ đồng.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam không có được những diễn biến tích cực trong tháng 9 vừa qua được cho là chịu ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư cho đến nay vẫn chưa biết rõ về những ngành nghề đủ điều kiện nới room có thể sẽ làm giảm sức hứng thú của họ. Sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn cụ thể về các lĩnh vực được nới room có thể sẽ gây thất vọng cho những nhà đầu tư muốn khai thác tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Khối ngoại bán ròng kỷ lục từ đầu năm
Khối ngoại trong tháng 9 vừa qua đã giao dịch khá tiêu cực và cũng là một nhân tố quan trọng khiến thị trường giao dịch bất ổn. Mặc dù tháng 9 cũng là khoảng thời gian hai quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục, tuy nhiên giao dịch của khối ngoại trên cả hai sàn HOSE và HNX lại diễn ra có phần ảm đạm hơn các tháng trước đó.
Cụ thể, khối ngoại trên hai sàn này trong tháng 9 đã thực hiện mua vào tổng cộng hơn 180,4 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 4.922,7 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 210,7 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 5.912 tỷ đồng.Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 30,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng lên tới hon 989,4 tỷ đồng, đây cũng là tháng bán ròng mạnh mạnh kể từ đầu năm 2015.
Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 901 tỷ đồng (gấp 3,3 lần giá trị bán ròng trong tháng 8), tương ứng khối lượng bán ròng là hơn 24,89 triệu cổ phiếu. Như vậy, tính từ đầu năm tới giờ, khối ngoại trên HOSE đã bán ròng 3 tháng (3, 8 và 9), trong khi mua ròng 6 tháng còn lại, với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 3.457,7 tỷ đồng.
Trong tháng 9, khối ngoại trên HOSE thực hiện mua vào hơn 157,5 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra là hơn 182,4 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào đạt hơn 4.615 tỷ đồng, còn giá trị bán ra là hơn 5.516 tỷ đồng.
Trong khi đó, BID 'bất đắc dĩ' được khối ngoại mua vào 214,8 tỷ đồng (7,9 triệu cổ phiếu). Nói là 'bất đắc dĩ' vì khi công bố kỳ đảo danh mục, hai quỹ ETF là V.N.M và FTSE đã bất ngờ thêm BID vào danh mục đầu tư. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, cả hai quỹ này đều thông báo không thêm BID vào danh mục vì sự cố dữ liệu. Trước khi phát hiện ra sự cố này, cả hai quỹ trên được cho là đã gom một lượng lớn cổ phiếu BID.
Tiếp sau đó, hai mã TTF và PDR đã được thêm vào danh mục của quỹ FTSE nên được khối ngoại mua ròng lần lượt 79,3 tỷ đồng và 56,7 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, MSN dẫn đầu về giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE trong tháng 9, đạt hơn 491 tỷ đồng (6,6 triệu cổ phiếu).
Trong khi đó, mã BCI cũng bị bán ròng gần 383 tỷ đồng (17,9 triệu cổ phiếu). Đáng chú ý, đa phần giao dịch khối ngoại này là do nhóm Dragon Capital thựchiện thông qua phương thức thỏa thuận trong phiên ngày 23/9 và bên nhận mua là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã KDH - HoSE).
Bên cạnh đó, hai mã VIC và HAG cũng bị khối ngoại bán ròng rất mạnh trong tháng 9, đạt lần lượt 357,4 tỷ đồng và 282 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại giao dịch có phần ảm đạm hơn tháng 8, họ mua vào hơn 22,9 triệu cổ phiếu và bán ra hơn 28,3 triệu cổ phiếu, với giá trị mua vào đạt hơn 307,7 tỷ đồng, còn giá trị bán ra là hơn 395,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 5,38 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 88 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với tháng 8.
Tính từ đầu năm 2015, khối ngoại trên HNX vẫn mua ròng hơn 771,6 tỷ đồng.
Trong tháng 9, khối ngoại trên HNX tiếp tục mua ròng mạnh mã CEO, đạt hơn 31,3 tỷ đồng (1,8 triệu cổ phiếu). Trước đó, ở tháng 8, CEO cũng đã được mua ròng hơn 44 tỷ đồng (3,3 triệu cổ phiếu).
Tiếp đến, hai mã NDN và TIG được mua ròng lần lượt 19,8 tỷ đồng và 18,9 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, VCG dẫn đầu về giá trị bán ròng của khối ngoại trên HNX, đạt hơn 90 tỷ đồng. Được biết, trong kỳ tái cơ cấu danh mục lần này của quỹ V.N.M, VCG đã bị giảm tỷ trọng khá mạnh. Bên cạnh đó, PVS cũng bị bán ròng mạnh gần 41 tỷ đồng.
Người đồng hành