“Thị trường bị ảnh hưởng bởi tin đồn, chỉ là do tâm lý nhà đầu tư đang khá mong manh”
Sự lạc quan kiểu “thị trường sẽ tiếp tục tăng, mỗi lần giảm là một cơ hội mua vào” đã yếu đi rất nhiều. Vì vậy mốc 600 điểm cũng không bền vững.
“Chơi trong thị trường chứng khoán lúc này quá khó” – nhiều nhà đầu tư bày tỏ như vậy, bởi vì có vẻ mọi thứ vẫn … ổn, ổn cả về thanh khoản, về cổ phiếu dẫn dắt, về những thông tin hỗ trợ nhưng không xác định được xu hướng thị trường ra sao, mua bán cổ phiếu nào...
Và lại một lần nữa VN-Index rời khỏi mốc 600 điểm, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/11 tại 597 điểm. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đắc An – Trưởng phòng Đầu tư của Công ty Chứng khoán Tân Việt vào ngày này.
Thưa ông, ông nhận định thế nào về thị trường hiện tại?
Ông Lê Đắc An: Thị trường hiện tại đã hồi phục sau đợt giảm vừa rồi nhưng sự hồi phục này khá mong manh, thể hiện ở chỗ sự tăng điểm có thể nhiều, nhưng nền tảng để tăng tạo cho nhà đầu tư cảm giác chưa chắc chắn lắm. Bởi vì điểm số tăng chủ yếu là nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà theo cái nhìn của những nhà đầu tư trung và dài hạn thì để có một nền tảng cơ bản, chúng ta cần một dòng tiền đầu tư bền bỉ và vững chắc hơn. Dòng tiền này tập trung vào những cổ phiếu bluechips nhưng ở diện rộng hơn chứ không phải chỉ tập trung vào GAS, VNM, MSN, VIC.
Ông có cho rằng thị trường đang chịu ảnh hưởng rất nhiều của các tin đồn không chính thống?
Tuần trước, thông tin về việc bắt giữ chủ tịch HĐQT của OGC không chỉ ảnh hưởng đến OGC mà còn ảnh hưởng đến các cổ phiếu khác. Hôm nay, trên thị trường cũng xuất hiện những tin đồn không tích cực khiến cho nhiều nhà đầu tư bán vội và thị trường có lúc giảm sâu.
Nhưng tin đồn là gì? Nó thể hiện sắc thái thị trường hiện tại là tâm lý nhà đầu tư khá mong manh nên mới bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Sự lạc quan kiểu “thị trường sẽ tiếp tục tăng, mỗi lần giảm là một cơ hội mua vào” đã yếu đi rất nhiều. Vì vậy mốc 600 điểm cũng không bền vững. Để giữ được mốc này, chúng ta không cần một dòng tiền đẩy giá cổ phiếu lên mà cần dòng tiền bền bỉ mua gom vào những cổ phiếu tốt khi giảm về mức giá hấp dẫn.
Trong khoảng 3 năm gần đây, thị trường thường có một đợt sóng lớn kéo dài từ cuối năm đến hết quý 1 năm sau. Theo ông, điều này có lặp lại trong năm nay?
Thông thường các năm trước, chúng ta cũng thấy giai đoạn từ lúc kết thúc quý 2 và kéo dài hết quý 3, thị trường thường trầm lắng. Đó là giai đoạn vĩ mô không có thông tin hỗ trợ, kết quả kinh doanh quý 3 không có gì đột biến. Tuy nhiên, các thông tin vĩ mô thường tập trung vào cuối năm Dương lịch và đầu năm tiếp theo nên ảnh hưởng đến thị trường có phần tích cực hơn.
Nhìn xuyên suốt trong khoảng 3 năm qua, thị trường có một đợt tăng tương đối mạnh vào cuối quý 4, đầu quý 1 sang năm vì các quyết sách lớn của Nhà nước hay các chỉ số vĩ mô năm được công bố rất tốt. Trong năm nay, thị trường đã có 2 đợt sóng và tạo ra mức tăng trưởng khá tốt cho thị trường. Chúng tôi không kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian này mà chỉ kỳ vọng sẽ ổn định từ giờ đến hết năm 2014, chờ đợi những thông tin tích cực hơn của năm 2015.
Tôi cũng cho rằng do sự lạc quan của nhà đầu tư đã diễn ra, tạo nên 2 đợt sóng nói trên, nên đến giai đoạn cuối năm thì sự lạc quan cũng như dòng tiền suy yếu dần. Nếu như không có sự tăng lên của dòng tiền đầu tư thì kịch bản tăng điểm sẽ khó xảy ra.
Dòng tiền đầu tư mà ông nói đến có phải là dòng tiền từ khối ngoại?
Không, tôi không nói đến dòng tiền từ khối ngoại hay khối nội mà chỉ nói về bản chất của dòng tiền. Tức là nếu dòng tiền nhắm đến đầu tư dài hạn thì sẽ bền vững hơn. Thị trường thường tăng điểm mạnh nhờ vào dòng vốn nóng, dòng vốn đầu cơ nhưng trước khi diễn ra những đợt tăng nóng đó, đã có một dòng vốn âm thầm mua vào ở mức giá thấp. Chỉ dòng tiền đầu tư trung và dài hạn mới dám mua vào khi thị trường chưa rõ xu hướng vì nó nhìn vào bản chất, vào nội tại của doanh nghiệp.
Có thể có điều gì phá vỡ sự ổn định mà ông kỳ vọng hay không, thưa ông?
Nếu có tác động mạnh đến thị trường, có lẽ chỉ là tác động bên ngoài. Xét các yếu tố nội tại của kinh tế Việt Nam thì triển vọng ngày càng sáng lên. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng ngày một tốt. Trước kia, kết quả tích cực trong kinh doanh chỉ thể hiện ở những nhóm đầu ngành nhưng hiện tại đã lan sang các doanh nghiệp tầm trung. Như vậy khả năng biến động bất thường chỉ có thể từ bên ngoài, chẳng hạn như đợt bán tháo của nước ngoài do biến động chính trị quốc tế.
Có ý kiến cho rằng kết quả kinh doanh quý 3 của Doanh nghiệp không tác động nhiều đến thị trường, ông đánh giá sao?
Sự tác động của một quý đến thị trường lại thể hiện ở sự vượt trội lên so với quý trước. Ví dụ doanh nghiệp quý 2 có sự tăng trưởng 20%, mà chúng ta vẫn kỳ vọng quý 3 tăng trưởng 20% nữa thì rất khó. Có thể kết quả kinh doanh quý 3 vẫn tốt như quý 2, nhưng thị trường sẽ không đón nhận một cách hào hứng nữa. Và giá cổ phiếu không thể tăng mạnh như trước.
Người ta nói kết quả kinh doanh không tác động nhiều đến thị trường là bởi vì nó không có sự đột biến so với quý 2 nhưng nếu so với cùng kỳ thì thực sự doanh nghiệp đã thay đổi tích cực hơn rất nhiều.
Vậy ông đánh giá như thế nào về dòng vốn của khối ngoại?
Từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10 thị trường có đợt giảm điểm mạnh mà nguyên nhân được cho là do khối ngoại bán ròng rất nhiều, cũng phần nào làm tăng áp lực lên dòng vốn nội. Tuy nhiên, dòng vốn nội đã hỗ trợ cho thị trường rất nhiều vì khi khối ngoại bán, khối nội đã mua vào.
Bên cạnh đó, đầu tháng 11 đến giờ, khối ngoại mua ròng tuy không nhiều nhưng đã mua ròng liên tục. Chúng tôi kỳ vọng là có thể có sự xuất hiện của xu hướng đầu tư mới, các quỹ mới tham gia vào thị trường. Nếu như đúng như vậy, thì đó là điểm rất tích cực. Dù sao, xét chung các nền kinh tế trong khu vực và có sự tương đồng với Việt Nam thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rẻ tương đối về giá cả và triển vọng phát triển của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Bảo Ngọc