TÔI ĐẦU TƯ: Con cái chúng ta chưa thể ngẩng cao đầu "Bố mẹ tôi làm nghề đầu tư chứng khoán"
"Anh em ta tham gia vào thị trường nếu không có kiến thức, không đào sâu nghiên cứu, và không chế ngự được lòng tham thì bất cứ khi nào cũng có thể khánh kiệt, và trở thành những người nghèo. Con cái chúng ta sẽ phải xấu hổ khi nhắc tới nghề nghiệp của chúng ta".
Nỗi niềm trăn trở của nhà đầu tư, tác giả Tạ Quang Hóa là: Ở Việt Nam, chưa nhiều người coi đầu tư chứng khoán là một nghề nghiêm túc. Thế hệ con cháu chưa thể ngẩng cao đầu tự hào rằng bố mẹ chúng làm nghề đầu tư chứng khoán.
Kính mời độc giả đọc bài dự thi TÔI ĐẦU TƯ của tác giả Tạ Quang Hóa và đừng quên gửi bài dự thi của bạn cho chúng tôi vào huongnguyenthithanh@vccorp.vn /hainguyenduc@vccorp.vn / http://cafef.vn/gui-tin-nhanh.chn
Tôi bước vào thế giới của những giao dịch cổ phiếu từ ngày 26/3/2009. Một ngày thật dễ nhớ và ngọt ngào khi chỉ số VnIndex tăng hơn 15 điểm. Một sự khởi đầu tuyệt vời. Sau này tôi mới nhận ra, thời điểm đó chính là một giai đoạn khởi động cho những đợt thăng hoa của tất cả các cổ phiếu trên hai sàn giao dịch chứng khoán: HNX, và HoSe của Việt Nam.
Ở Việt Nam, có bao nhiêu người chấp nhận đầu tư chứng khoán là một nghề nghiêm túc?
Sau hơn 2 năm Vn-index lao đầu đi xuống từ mốc 1.150 điểm xuống còn 234 điểm, giờ đây, để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những chính sách kinh tế chưa từng có tiền lệ được áp dụng trên toàn thế giới, những gói kích cầu không giới hạn tại Mỹ, EU và nhiều nước khác được tung ra. Việt Nam tung ra 02 gói kích cầu nhằm phục hồi kinh tế. Đây là lúc chứng khoán hưởng lợi, là lúc những đau khổ, và mất mát được đền đáp. Màu tím hoa cà, màu tím của những chiếc váy ngắn thiếu nữ 18 sành điệu tràn ngập bảng điện tử. Tất cả đều kiếm ra tiền một cách dễ dàng.
Thị trường hào phóng, và nhân ái mỉm cười với tất cả mọi nhà đầu cơ. Hạnh phúc lại hân hoan gõ cửa từng nhà. Hoà nhịp cùng sự thăng hoa của thị trường chung, tài khoản nhỏ bé của tôi trong năm đầu tiên 2009 đã tăng trưởng hơn 200%. Nhờ sự khởi đầu may mắn, tôi có thêm sự tự tin trong công việc đầu cơ. Nó cho phép tôi có chút ngạo mạn, khi quyết định tạm thời từ bỏ công việc chính, công việc mà tôi đã gắn bó từ khi tốt nghiệp đại học, để dốc toàn bộ thời gian, và tâm huyết tham gia cuộc chơi. Một canh bạc lớn.
Tôi đã đặt cược toàn bộ tương lai của mình vào những thay đổi màu sắc trên bảng giao dịch điện tử. Một chương mới đầy ngỡ ngàng của đời tôi. Một sự điên rồ lãng mạn. Tôi yêu, gắn bó với các giao dịch chứng khoán từ thủa đó. Một tình yêu với quá nhiều trắc trở. Theo thời gian, trong việc đầu tư, tôi có được có mất, tuy mọi thứ không còn lung linh như vẻ ban đầu nhưng chứng khoán vẫn luôn là một tình yêu kỳ lạ đối với tôi.
Thế nhưng, ở Việt Nam, có bao nhiêu người chấp nhận đầu tư chứng khoán là một nghề nghiêm túc? Được mất về tiền bạc là một chuyện, nhưng việc khó dãi bày với người thân về công việc của mình mới thực sự làm tôi khó chịu.
Cho dù các nhà đầu tư cũng phải bỏ tiền mô hôi, nước mắt ra để đầu tư, và tốn rất nhiều công sức, trí tuệ và thị trường chứng khoán đã có 15 năm hình thành và phát triển nhưng vẫn còn đó vô số những nhìn nhận lệch lạc về thị trường chứng khoán, về cách vận hành của thị trường, về con người đầu tư chứng khoán, về những thành công, những thất bại trên thị trường.
Mẹ tôi coi chứng khoán không gì hơn một trò đánh bạc
Khi biết tôi đầu tư trên thị trường chứng khoán, mẹ tôi đã ra sức can ngăn. Với bà chứng khoán không gì hơn một trò đánh bạc. Bà ân cần nêu những tấm gương trong gia đình để tôi rút ra bài học. Bà kể về cụ nội, và ông nội tôi xưa kia vì mê đánh tổ tôm mà bán sạch trâu bò, ruộng đất – May thay vì không còn ruộng đất nên khi cải cách nhà tôi không bị liệt vào hạng “địa chủ”, chỉ bị xếp vào hạng “trung nông lớp trên” và tồn tại cho tới ngày nay. Đúng là trong họa có phúc !!! Đó là nhìn nhận của một bà mẹ quê.
Cô giáo an ủi học sinh vì...bố mẹ làm nghề đầu tư chứng khoán
Còn ở thành phố thì sao? Một câu truyện khác cũng rất thú vị. Một người anh có thâm niên trên sàn. Một người đầu tư theo trường phái “đầu tư giá trị”. Người đã dựa vào chỉ số P/E thấp để dũng cảm chịu đựng và vượt qua những tháng ngày đầy gian khó của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007, năm 2008. Đến bây giờ anh vẫn giữ nguyên tắc đầu tư thủa trước. Chốt lãi ở mức lợi nhuận kỳ vọng khoảng 20% đến 25%. Cắt lỗ ở mức khoảng 10%. Một tay khá chuyên nghiệp.
Một ngày đẹp trời, khi thị trường tăng khoảng 16,5 điểm. Bên tách cafe cạnh sàn giao dịch, anh kể tôi nghe một câu chuyện vui: Vào đầu năm học, để giúp các học sinh dễ hòa nhập, cô giáo chủ nhiệm lớp 1A9 yêu cầu từng học sinh đứng lên tự giới thiệu về mình và gia đình. Học sinh thứ nhất: Xưng tên và nói bố mẹ em làm bác sĩ. Cả lớp ngưỡng mộ, tiếng vỗ tay chúc mừng nổ vang. Học sinh thứ hai: Tỏ ra hào hứng, bố mẹ em là kỹ tin học. Tiếng pháo tay lại vang khắp lớp. Học sinh thứ ba: Sau khi xưng tên xong, giọng nói bỗng nhiên chùng xuống….Bố mẹ em cùng chơi chứng khoán. Cả lớp ồ lên. Có em huýt sáo, nhiều em cười sặc sụa. Cô giáo vội ổn định lớp, an ủi cậu học sinh tội nghiệp và nhắc nhở cả lớp: “Các em không được miệt thị những người nghèo”!!!
Nghe nói ngôi trường đó nằm cách sàn giao dịch chứng khoán của Ngân hàng Công thương khoảng 200 m về phía đông.
Kể xong chuyện, anh kết luận: Anh em ta tham gia vào thị trường nếu không có kiến thức, không đào sâu nghiên cứu, và không chế ngự được lòng tham thì bất cứ khi nào cũng có thể khánh kiệt, và trở thành những người nghèo. Con cái chúng ta sẽ phải xấu hổ khi nhắc tới nghề nghiệp của chúng ta.
Tôi nghĩ, thị trường chứng khoán không nguy hiểm đến vậy
Tôi nhớ mãi lời khuyên bổ ích đó. Nhưng bản thân tôi không cho rằng thị trường chứng khoán nguy hiểm đến vậy.
Nó không bao giờ cướp hết tiền của những nhà đầu tư khôn ngoan. Nhưng để lấy được tiền từ nó ta phải có trí tuệ, và cần nhiều hơn lòng can đảm.
Theo như Warren Buffett thì chúng ta luôn phải đấu tranh với hai con quỷ ẩn chứa ngay trong chính bản thân mình: Lòng tham và Sự sợ hãi. Nhưng những rủi ro trong cuộc chiến nay cũng không nhiều hơn những rủi ro trong các lĩnh vực hoạt động hay kinh doanh khác. Tôi dám chắc số người “nhảy cầu” hay “treo cổ” vì chứng khoán trong một năm luôn ít hơn số người chết vì tai nạn khi tham gia giao thông, tai nạn lao động, hay ngộ độc thực phẩm. Số người phá sản bời chứng khoán chắc cũng không nhiều hơn những ngành nghề kinh doanh khác trong cuộc sống.
Để rõ hơn điều này ta hãy thử hình dung và đối chiếu những rủi ro trên thị trường chứng khoán với thảm hoạ do H5N1 gây ra cho những người chăn nuôi gia cầm trên toàn thế giới. Hay dịch tai xanh đối với lợn. Dịch nở mồm long móng đối đối với trâu bò. Nạn nhân của kiểu lừa đảo Ponzi qua các thế hệ. Một ví dụ khác về rủi ro nhưng có phần cay đắng hơn xảy ra ngay giữa Hà nội: hàng nghìn người với ước mơ về một mái ấm an cư nơi thủ đô, đã mang tiền mồ hôi nước mắt tích cóp cả đời để mua nhà trong các dự án bất động sản do công ty của một nữ đại biểu quốc hội làm chủ đầu tư. Rồi không nhận được nhà, tiền thì rơi vào nguy cơ mất trắng.
Rủi ro có trong muôn mặt của cuộc sống, trong những vỏ bọc ngọt ngào, thanh lịch, quý phái, hoàn hảo đến mức nhiều người sùng kính và ngưỡng mộ. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn phải đấu tranh và lựa chọn. Và dĩ nhiên chúng ta sẽ phải chấp nhận kết quả do các lựa chọn đó mang lại. Nếu sai chúng ta sẽ mất tiền. Thị trường chứng khoán cũng vậy thôi. Tại sao ta phải sợ hay tệ hơn là miệt thị nó. “Con người từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi, tự thân nó đã là một canh bạc lớn” Như tất cả những điều thường tình đó, tôi thấy thị trường chứng khoán không ngoại lệ. Nó có vô số cơ hội kiếm lời nhưng cũng mang trong mình vô số rủi ro. Vì vậy đừng bao giờ đánh mất lòng can đảm. Đừng bao giờ rời xa, hoặc trối bỏ thị trường. Với chứng khoán, cơ hội luôn mở rộng. Còn rất nhiều tiền cho những người đến sau. Ván bài luôn được chơi lại từ đầu với tinh thần mã thượng.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: TÔI ĐẦU TƯ
Xem tất cả >>- TÔI ĐẦU TƯ: Bí quyết lựa chọn doanh nghiệp có lợi thế bền vững
- Lễ trao giải cuộc thi viết TÔI ĐẦU TƯ
- TÔI ĐẦU TƯ: "Thiêu thân" lao vào tin đồn và con đường dẫn tôi đến đầu tư giá trị (Phần 1)
- TÔI ĐẦU TƯ: Tôi đã tìm thấy "mỏ vàng" chứng khoán như thế nào?
- TÔI ĐẦU TƯ: Các khoản tiền lớn luôn nằm trong những đợt sóng dài