MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] ĐHCĐ Chứng khoán Hải Phòng: Công ty liên quan thoái vốn, tại sao?

Công ty cũng đề ra phương án xử lý khoản công nợ với nhân viên cũ Trần Tuấn Ngọc, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Tp.HCM.

11:01-Thông qua toàn bộ các tờ trình

ĐHCĐ kết thúc với việc thông qua toàn bộ các tờ trình với tỷ lệ thống nhất cao 100%

10:43-Cổ đông hỏi, Doanh nghiệp trả lời

Tại phần trao đổi giữa cổ đông và HĐQT, cổ đông chất vấn xung quanh việc thoái vốn của Công ty TNHH MTV Xổ số và Đầu tư Tài chính Hải Phòng đăng ký thoái vốn. Điều này làm cổ đông hoài nghi về khả năng đầu tư vào cổ phiếu HPC. Giải thích điều này, HPC sẽ giải thích như thế nào?

Cổ đông cũng thẳng thắn đề nghị, hoặc đại diện Công ty xổ số từ nhiệm tại HPC, để việc thoái vốn của công ty này giảm mức ảnh hưởng tới diễn biến giao dịch HPC. Hoặc phải cam kết trong nhiệm kỳ sẽ không bán ra, chỉ có mua vào!

Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hương, Phó chủ tịch HĐQT đồng thời là đại diện Công ty xổ số tại HPC cho biết, việc thoái vốn khỏi HPC tuân theo chủ trương thoái vốn ngoài ngành, đặc biệt là ngành bất động sản và chứng khoán. Công ty xổ số là công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước, và không thể làm khác chủ trương của Chính phủ.

Hiện Công ty xổ số có 2 đại diện tại HPC, ở vị trí thành viên HĐQT và Thành viên BKS. Các vị trí này tuân thủ theo quy chế bầu cử của ĐHCĐ, và công ty sẵn sàng từ nhiệm, nếu ĐHCĐ đề nghị.

Cổ đông đề nghị Công ty xổ số phải công bố nguyên nhân thoái vốn để "đánh tan" những hoài nghi không đáng có.

Về phần công nợ phải thu khó đòi, đặc biệt với khoản nợ đối với ông Trần Tuấn Ngọc, chủ tịch HĐQT đề nghị sẽ trả lời bằng văn bản, vì vấn đề tương đối dài và nhiều số liệu.

09:30-Hợp nhất với CTCK khác với mục đích chia cổ tức năm 2014

Sáng Chủ nhật, ngày 13/4/2014, tại Hải Phòng, Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (Haseco - HPC) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2014.

Căn cứ vào các tờ trình cũng như tài liệu ĐHCĐ, có thể thấy một số nội dung đáng chú ý như sau:
 
- Phương án hợp nhất với một công ty chứng khoán khác. Như chúng tôi đã đưa tin, việc sáp nhập nằm trong các phương án khắc phục tình trạng lỗ lũy kế của công ty, hậu quả của tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa những năm trước đó. Tính đến cuối năm 2013, HPC có khoản lỗ chưa phân phối trên 200 tỷ đồng, mặc dù 2 năm gần đây công ty liên tục có lãi. Hiện HPC đang tìm kiếm và đàm phán với Công ty chứng khoán phù hợp.

Sau hợp nhất, cả 2 công ty sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ sang công ty mới, đồng thời chấm dứt sự hoạt động. Công ty chứng khoán mới sẽ lấy tên thương hiệu của Haseco, mã chứng khoán HPC.

Công ty chứng khoán khác sẽ được coi là "bị hợp nhất" vào Haseco.

Việc hợp nhất, nếu được tiến hành, năm 2014 công ty sẽ đủ điều kiện để chia cổ tức cho cổ đông. Theo tính toán, một mình HPC nếu mỗi năm lãi khoảng 20 tỷ đồng, phải đến...10 năm nữa mới xóa hết lỗ lũy kế, và chia cổ tức cho cổ đông!

Với điều kiện nói trên, công ty chứng khoán được Haseco lựa chọn sẽ là công ty bé hơn, thương hiệu "yếu" hơn.

- Về khoản công nợ với nhân viên cũ là ông Trần Tuấn Ngọc, nguyên phó giám đốc chi nhánh Tp.HCM với hơn 26 tỷ đồng (ngoài việc thu hồi nhà 9,6 tỷ đồng và nộp tiền mặt 70 triệu đồng). Đến quý 3/2013, ông Ngọc mới nộp được 3 triệu, số còn nợ gần 20 tỷ đồng. Khoản công nợ tạm ứng được xác nhận gần 27 tỷ đồng. HPC đồng ý nhận lại toàn bộ tiền và chứng khoán trên tài khoản này sau khi ông Ngọc thực hiện xong nghĩa vụ nợ đối với khoản nợ gần 20 tỷ đồng đã nói ở trên.

- Kế hoạch kinh doanh năm 2014: Doanh thu 47 tỷ đồng, LNST 18 tỷ đồng, đều tăng so với mức thực hiện 2013.

- Về khoản thưởng 178 triệu đồng vượt mức kế hoạch dành cho HĐQT và BKS, HĐQT và BKS công ty đã thống nhất thông qua việc dùng số tiền nói trên để mua lại cổ phiếu HPC thay vì nhận tiền mặt.

ĐHCĐ vẫn đang tiếp tục được tiến hành.

Minh Thư

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên