MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 14/04: Khi Bluechips độc diễn

Giá trị khớp lệnh của VN30 trong phiên hôm qua chiếm 48% giá trị toàn thị trường cao hơn 5% so với trung bình tuần trước. Nếu loại trừ nhóm Bluechips, có lẽ, VNIndex sẽ đóng cửa ở mức đỏ.

Thị trường tăng điểm mạnh ngay từ đầu phiên và tiếp tục tăng mạnh hơn về cuối. Chốt phiên VNIndex tăng 5,51 điểm tương đương gần 1% lên mức 559,54 điểm. Trong khi ngược lại HNX lại giảm 0,33 điểm về mức 82,66 điểm.

Lý giải cho hiện tượng này là do trên HOSE, các mã trụ cột đều tăng khá kéo chỉ số lên, như GAS tăng 1.000 đồng, VNM tăng 2.000 đồng, MSN tăng 4.000 đồng, VIC tăng 1.100 đồng…Tuy nhiên nhìn chung số mã giảm điểm hôm qua lại nhiều hơn số mã tăng điểm trên cả hai sàn. Thanh khoản sụt giảm so với phiên trước đó. Giá trị khớp lệnh của VN30 trong phiên hôm qua chiếm 48% giá trị toàn thị trường cao hơn 5% so với trung bình tuần trước. Nếu loại trừ nhóm Bluechips, có lẽ, VNIndex sẽ đóng cửa ở mức đỏ.

Khối ngoại có phiên giao dịch mua ròng mạnh khi mua vào 108 tỷ đồng trên HSX trong đó các mã được mua nhiều là VIC 26,7 tỷ; PVD 13,3 tỷ; VCB 11,68 tỷ; CTG 11,5 tỷ; BID 11,5 tỷ…Ở chiều ngược lại thì NSC 8,6 tỷ; DXG 8 tỷ; GAS 7,2 tỷ; CSM 6,3 tỷ…đứng đầu các mã bị bán ra. Sàn HNX cũng được mua ròng 5,6 tỷ đồng tập trung ở VNR 4,3 tỷ; BCC 1,8 tỷ; SHB 1,6 tỷ…và bán ra LAS  2,12 tỷ; PGS 2 tỷ…

CTCK Rồng Việt nhận định: “Mặc dù vẫn nhìn thấy nhiều cổ phiếu đang giao dịch với mức định giá hấp dẫn, chúng tôi cho rằng thị trường khó có thể đi xa liên tục với thanh khoản hiện tại. Vì vậy, dòng tiền vẫn tiếp tục phải trông chờ vào thông tin từ mùa ĐHCĐ và chọn lọc cổ phiếu dựa trên từng câu chuyện riêng.”

Cổ phiếu đáng chú ý

MSN: Tăng 4.000đ (5,3%) lên 79.000đ

Mức tăng mạnh như vậy là điều ít diễn ra ở MSN và điều này đã góp công lớn vào việc VnIndex tăng hơn 5 điểm. Tuy vậy, một phiên tăng mạnh chưa thể hiện rõ xu hướng, nhất là khi thanh khoản của MSN chỉ đạt hơn 272 nghìn đơn vị, vẫn thấp hơn so với mức trung bình 20 phiên giao dịch gần nhất

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên 2015 vừa công bố, công ty dự kiến tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông năm 2015, Masan cho biết công ty lên kế hoạch phát hành khoảng 12 triệu cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (cổ phiếu ESOP), tương đương 1,63% số lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Nếu được ĐHCĐ thông qua, cổ phiếu ESOP sẽ được phát hành trong năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016. Ngoài ra, Masan cũng lên kế hoạch phát hành thêm 12,6 triệu cổ phiếu cho các đối tác Jade Dragon (Mauritius) Limited và MRG, Ltd. NVB: giao dịch thoả thuận 4,14 triệu cổ phiếu

NVB: Khá im hơi lặng tiếng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng nhưng hôm nay cổ phiếu NVB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân bất ngờ giao dịch thoả thuận 4,14 triệu cổ phiếu giá 7.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 30 tỷ đồng.

Đây là phiên thứ 2 trong 2 tuần giao dịch gần đây cổ phiếu này giao dịch thoả thuận lượng lớn như vậy. Ngày 31/3, NVB đã thoả thuận 4,53 triệu cổ phiếu tương đương giá trị 31,26 tỷ đồng. Tức, bình quân mỗi cổ phiếu 6.900 đồng.

KDH: Tại ĐHCĐ, chủ tọa đoàn KDH cho biết, ước lợi nhuận sau thuế quý 1/2015 đạt khoảng 51 tỷ đồng. Với kế hoạch kinh doanh 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, quý 1/2015 ước thực hiện được 25% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

GIL: Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2015 diễn ra ngày 12/4/2015, cổ tức 2014 của GIL lên tới 80%, tương đương mức chi 83,3 tỷ đồng. Trong khi đó, LNST năm 2014 của Gilimex đạt gần 52 tỷ đồng. Trong năm, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 cho các cổ đông với tỷ lệ 30%, tương đương mức chi 31,3 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2015 được đề ra ở mức 1.220 tỷ đồng doanh thu. LNST từ 55 - 60 tỷ đồng, cao hơn mức thực hiện năm 2014. Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2015 được đưa ra từ 25 - 50% bằng tiền mặt.

VNM: Tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT trình kế hoạch phát hành và niêm yết cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, Tỷ lệ phát hành 5:1, số lượng phát hành thêm tối đa là 200.128.280 cổ phần. Nguồn vốn thực hiện được trích từ lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển.

Kế hoạch kinh doanh của VNM có sự thay đổi so với trước. Năm 2015, VNM đặt kế hoạch tổng doanh thu 39.077 tỷ đồng – 9,4% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 6.830 tỷ - tăng 12,6%.

Như vậy, kế hoạch doanh thu năm 2015 của VNM đã giảm 6.683 tỷ đồng so với định hướng cho giai đoạn 2012 – 2016 đã được ĐHCĐ phê duyệt trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế kế hoạch lại tăng 650 tỷ so với định hướng.

Lịch sự kiện

DNM: Trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền, 1.500 đồng/CP

VGP:  Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền, 700 đồng/CP

DIC:  Niêm yết cổ phiếu bổ sung 8.000.000 CP

Tin kinh tế đáng chú ý

WB nâng dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2015

Tại buổi họp báo cập nhật về Tình hình kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra sáng nay (ngày 13/4/2015), WB nhận định đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy sự khởi sắc trong hoạt động kinh tế ở Việt Nam. Tăng trưởng GDP đạt 7% trong quý IV/2015, góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng cả năm lên mức 6% - tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2011.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng một lần nữa cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng, do những cải cách cơ cấu diễn ra ì ạch, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, 15h chiều nay (ngày 13/4/2015) Liên bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng như hiện hành.

Hải Long

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên