Trước giờ giao dịch 25/08: DB ETF chuẩn bị hủy niêm yết ở 2/10 sàn giao dịch thực chất là tin khá tốt
Thanh khoản của quỹ FTC đã trong tình trạng khá thấp một thời gian dài và chênh lệch giữa giá chào mua và chào bán là rất lớn trên một số sàn giao dịch do cùng lúc niêm yết trên quá nhiều sàn. Bằng cách giảm niêm yết tại môt số sàn nhất định, thanh khoản tại các sàn còn lại sẽ được đẩy mạnh.
- 25-08-2015Điều gì khiến thị trường phiên 24/8 giảm mạnh như vậy?
- 25-08-2015Phiên giao dịch lịch sử 24/8: Tay to đã vào cuộc chơi?
- 24-08-2015Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 25/8
Thị trường tiếp tục trải qua một phiên giao dịch kinh hoàng. VNIndex giảm 29,37 điểm còn 526,93 điểm tương đương mất 5,28% trong khi HNIndex giảm 4,51 điểm còn 73,09 điểm tương đương giảm 5,81%. Thanh khoản hai sàn tiếp tục tăng mạnh với 172,4 triệu cổ giao dịch trên HSX và 70 triệu cổ trên HNX, giá trị giao dịch tương đương 3.750 tỷ đồng.
Việc giải chấp diễn ra trong hôm thứ 6 tuần trước là chưa đủ, và điều này tiếp tục diễn ra trong phiên hôm qua. Theo môi giới tại một số công ty chứng khoán, tình hình margin đã nhẹ đi rất nhiều so với thời gian trước đó.
Trong ngày hôm qua, thông tin về việc “DB ETF chuẩn bị hủy niêm yết ở 2/10 sàn giao dịch” được lan truyền rộng rãi. Và dù chưa hiểu rõ bản chất của thông tin thì rất nhiều nhà đầu tư và cả các nhân viên môi giới tại các Công ty chứng khoán cũng đã đánh giá đó là tin xấu, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đến cuối ngày, các công ty chứng khoán đã đưa ra nhận xét về động thái này của DB ETF, theo đó, đây thực chất là tin khá tốt đối với thị trường CCQ Việt Nam và TTCK Việt Nam bởi với động thái này, quỹ này trở nên hấp dẫn hơn. Sau những đánh giá này, kỳ vọng nhà đầu tư sẽ bình tĩnh và có cái nhìn sáng suốt trước các thông tin công bố.
Trong khi la liệt các cổ phiếu dư bán sàn thì EIB gây bất ngờ với lệnh mua giá trần mạnh được đẩy vào ở phiên ATC giúp cổ phiếu này đóng cửa với mức giá 12.300 đồng, chỉ cách giá trần 1 line. VIC cũng nỗ lực khi đóng cửa ở mức giá tham chiếu.
Sự chú ý của nhà đầu tư trong phiên này đều dành cho khối ngoại, và điểm sáng là họ đã quay trở lại mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX sau 7 phiên bán ròng liên tục. Được mua ròng nhiều nhất là HPG (49,2 tỷ đồng), BID (20,4 tỷ đồng), HQC (14,2 tỷ) VCB (12,7 tỷ) CTD (11,7 tỷ). Một loạt các mã được mua ròng trên 5 tỷ là IDI (9,1 tỷ), CTG (gần 9 tỷ) NCT (8,7 tỷ) BIC (6,6 tỷ) và HHS (6 tỷ).
Ngược lại, MSN đứng đầu danh sách bán ròng với 23,3 tỷ, SBT (12,9 tỷ), VIC (7,2 tỷ). VNM cũng bị bán ròng 3,9 tỷ. Hai mã chứng khoán "hot" là HCM bị bán ròng 4,1 tỷ và SSI bị bán ròng 3,3 tỷ.
Cổ phiếu đáng chú ý
NT2: Theo công bố từ Dragon Capital, ngày 19/8, nhóm các quỹ liên quan đến công ty quản lý quỹ này đã mua thêm 265 nghìn cổ phiếu NT2 , qua đó trở thành cổ đông lớn sở hữu 5,09% cổ phần của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2.
Tổng lượng nắm giữ sau giao dịch là 13,93 triệu cổ phiếu, trong đó, Amersham Industries sở hữu 3,83 triệu cổ phiếu, VEIL sở hữu 4,46 triệu cổ phiếu, Norges Bank sở hữu 4,42 triệu cổ phiếu…
MWG: Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động ( MWG ) công bố báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2015.
Theo đó, doanh thu lũy kế 7 tháng của MWG ước đạt 12.920 tỷ đồng, tương đương 55% kế hoạch doanh thu cả năm 2015 và tăng trưởng 158% so với cùng kỳ 2014. LNST 7 tháng của công ty ước đạt 548 tỷ đồng, tương đương 62% kế hoạch năm 2015, tăng trưởng mạnh 150% so với cùng kỳ 2014.
PVS: Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ Thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS - HNX ) đã công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (Hợp nhất) đã được soát xét. Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng của công ty đạt hơn 12.505,6 tỷ đồng, giảm 6,65% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 của PVS đạt hơn 882,59 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng giảm 3,88 tỷ đồng so với báo cáo tài chính công ty tự lập.
HAG: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ( HAG ) công bố thông tin bất thường về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ngày 17/8/2015, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị 850 tỷ đồng (850 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu). Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo căn cứ vào lãi suất tham chiếu của các ngân hàng khác cộng biên độ 4%/năm. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.
PDR: Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Địa ốc Phát Đạt - PDR ) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua phương án xử lý cổ phiếu không được chào bán hết.
Trong đợt phát hành ra công chúng PDR "ế" 21,6 triệu cổ phiếu. HĐQT Địa ốc Phát Đạt đã thông qua việc phân phối 21,6 triệu cổ phiếu nói trên cho 22 nhà đầu tư, thu về số tiền tương đương 216 tỷ đồng (giá phát hành bằng mệnh giá). 2 trong 22 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu PDR có 2 nhân vật quen thuộc là ông chủ PDR - ông Nguyễn Văn Đạt và cha ruột là ông Nguyễn Tấn Danh. Đây cũng là 2 cá nhân mua vào số lượng cổ phiếu đáng kể nhất. Tổng cộng ông Đạt cùng người nhà đã bỏ ra 144,2 tỷ đồng để mua vào 14,4 triệu cổ phiếu PDR.
Tin kinh tế đáng chú ý
Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2015. Theo đó, CPI tháng 8 đã giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,61% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân tám tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,83%.