MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCBS: Dấu hiệu thoát đáy đã trở nên rõ ràng hơn

Các doanh nghiệp xuất khẩu (may mặc, giày da, linh kiện điện tử, xuất khẩu phần mềm) và xây dựng cơ sở hạ tầng (vật liệu xây dựng, logistic) sẽ trở thành tâm điểm trong năm 2014

Những ngày đầu năm 2014, hàng loạt CTCK công bố báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô và nhận định thị trường chứng khoán trong năm 2014. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố báo cáo triển vọng 2014 đánh giá dù chưa bứt phá mạnh nhưng dấu hiệu thoát đáy của nền kinh tế đã trở nên rõ ràng hơn.

VCBS kỳ vọng nền kinh tế năm 2014 sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm 2013 và GDP sẽ đạt khoảng 5,6%-5,7%. Trong năm 2014 xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng mạnh, khối doanh nghiệp FDI được kỳ vọng sẽ có những bước tiến tốt hơn nữa từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực sang khối doanh nghiệp trong nước nói riêng cũng như sự tăng trưởng của cả nền kinh tế nói chung.

Theo VCBS lạm phát theo năm (yOy) tháng 2/2014 sẽ chỉ tăng khoảng 5% và tỷ lệ lạm phát cả năm 2014 được kỳ vọng vào khoảng 5,5%-6%. Điều này dựa trên các cơ sở như Chính phủ và NHNN vẫn duy trì chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, cung tiền được điều tiết tốt với mức tăng trưởng cung tiền năm 2013 đạt 18,51%, việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu được điều chỉnh nhiều khả năng sẽ tạo áp lực lên lạm phát nhưng vẫn sẽ trong tầm kiểm soát, sức cầu trong nước vẫn yếu.

Tỷ giá trong năm 2014 được kỳ vọng sẽ điều chỉnh tăng dần với mức tăng cả năm khoảng 2%. Lãi suất ổn định và duy trì quanh mức của cuối năm 2013 (lãi suất huy động từ 7%-8,5%, lãi suất cho vay từ 7%-10,5% cho các kỳ hạn ngắn và 11-13% cho các kỳ hạn dài).

Mức tăng trưởng tín dụng theo VCBS dự báo sẽ cao hơn năm 2013 và có thể đạt mức 13%-15% khi nợ xấu được kỳ vọng giảm và cầu đầu tư phần nà dudược cải thiện.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 51% doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên quy mô, 42% dự kiến sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh và chỉ có khoảng 7% có thể sẽ thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh trong năm 2014. Do đó theo VCBS từ nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN đặc biệt là các DN lớn, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hay rộng hơn là cầu đầu tư sẽ được cải thiện.

Đánh giá về TTCK năm 2014,nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt và theo một kịch bản tích cực VCBS kỳ vọng mức tăng chung của thị trường có thể đạt 15% trong năm 2014.

Trong năm 2013 theo thống kê của VCBS cổ phiếu dầu khí là ngành tăng cao nhất với mức tăng 63,51%, tiếp theo là nhóm thực phẩm tiêu dùng (xấp xỉ 60%), ngành bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản tăng khoảng 15-20%, ngành ngân hàng đi ngang còn ngành khoáng sản giảm hơn 10% trong năm 2013.

Giống như đánh giá của SSI, VCBS cũng cho rằng cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu (may mặc, giày da, linh kiện điện tử, xuất khẩu phần mềm) và xây dựng cơ sở hạ tầng (vật liệu xây dựng, logistic) sẽ trở thành tâm điểm trong năm 2014 nhờ kỳ vọng thu hút dòng vốn đầu tư khi nền kinh tế hồi phục và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm 2014.

Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào TTCK Việt Nam trong năm 2014 và quý 1 sẽ là khoảng thời gian các quỹ mua ròng mạnh do thời điểm đầu năm thường là thời điểm bắt đầu chu kỳ giải ngân mới. Theo VCBS, kịch bản tương tự đầu năm 2013 sẽ lặp lại trong quý 1/2014 (thị trường tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn).

Đánh giá về triển vọng ngành, theo VCBS một số cổ phiếu đáng chú ý và được khuyến nghị mua như FCN (ngành xây dựng công trình), mua dài hạn như PGS (ngành khí), HPG (ngành thép), DRC, CM (ngành săm lốp), các ngành khác như BCI, DXG, DHG (ngành bất động sản), HSG (ngành thép) được đánh giá theo dõi, VNM, KDC (ngành thực phẩm) và VCB, MBB (ngành ngân hàng) được đánh giá nắm giữ.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên