Vốn ngoại: Dồn dập, nhưng không chi phối
Thời gian qua, thị trường chứng kiến nhiều sự thay đổi trong cách mua bán của khối ngoại.
Theo thống kê, trong tháng 1/2014, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã mua vào gần 139 triệu chứng khoán, nhưng chỉ bán ra gần 75 triệu chứng khoán (mua ròng 64 triệu chứng khoán). Tính về giá trị, khối ngoại đã mua ròng khoảng 1.600 tỷ đồng trong tháng 1. Tiếp đó, tháng 2/2014, NĐT nước ngoài đã mua ròng hơn 27 triệu chứng khoán trên HOSE, mua ròng hơn 900 tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia tài chính, khối ngoại đổ vốn vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thời gian vừa qua một phần xuất phát từ những bất ổn của một số nền kinh tế trong khu vực.
Từ sau Tết đến nay, động thái của các ETF được theo dõi đặc biệt. Thời điểm mà thặng dư của các ETF lên đến gần 10% cách đây khoảng chục ngày cũng là lúc khối này giải ngân rất mạnh trên thị trường và VN-Index cũng tăng theo. Có các sự kiện liên quan đến khối ngoại có thể tác động phần nào đến tâm lý của NĐT nói chung.
“Năm 2013, VN-Index đã tăng được 22% và tiếp tục tăng thêm 13,4%. Khả năng TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục bứt phá. Dự báo, VN-Index vẫn còn đủ lực để tăng thêm khoảng 25% so với cuối năm ngoái, lên mức trên 650 điểm”, Yun Hang Jin - Giám đốc Khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment& Securities nhận định. |
Thứ nhất, thị trường chứng khoán Mỹ sau một thời gian tăng điểm đã điều chỉnh. Nhưng may mắn là thời gian điều chỉnh mạnh nhất lại rơi vào đúng lúc thị trường trong nước nghỉ Tết và khi trở lại thì chứng khoán Mỹ đã bắt đầu hồi phục.
Thứ hai là động thái rút vốn của khối ngoại trên các thị trường mới nổi và cận biên rất mạnh khiến xuất hiện lo lắng tương tự tại Việt Nam. Nhưng tính từ thời điểm động thái này xuất hiện, dòng vốn ngoại tham gia thị trường Việt Nam vẫn ổn định, mức thặng dư của các ETF thậm chí còn tăng và các quỹ này còn huy động thêm vốn.
Thứ ba là lo ngại quy mô của TTCK Việt Nam chưa phải lớn, dòng vốn của khối ngoại cũng sẽ chỉ là phần nhỏ, nên chỉ cần thị trường không còn hấp dẫn là dòng vốn sẽ rút đi. Cụ thể, thị trường những phiên gần đây cũng cho thấy khối ngoại có tín hiệu chốt lời mạnh. Trong 2 phiên giao dịch đầu tháng 3, NĐT ngoại đã bán ra hơn 15,8 triệu cổ phiếu trên HOSE, chỉ mua vào hơn 8 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng gần 230 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái xả hàng này có thể chỉ là tạm thời nhằm chốt lời từ những nhà đầu tư đã mua được cổ phiếu tại thời điểm cuối 2013 và đầu năm 2014. Do đó, dòng vốn ngoại có thể tiếp tục gia tăng, nếu các chỉ số tiếp tục trụ vững trước các ngưỡng kháng cự hiện tại.
Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến tháng 1/2014, số lượng NĐT nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam gia tăng khá mạnh, đặc biệt là NĐT tổ chức nước ngoài tăng 55% so với cuối năm 2012.
Theo ông Ong Seng Yeow, Giám đốc Nghiên cứu phân tích toàn cầu - Tập đoàn Maybank Kim Eng, khối ngoại bán ròng trong tháng 6 đến tháng 8, nhưng cả năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng 54%. Giá trị danh mục đầu tư nước ngoài đạt 12 tỷ USD, tăng 3,3 tỷ USD so với năm trước đó.
“Từ những nền tảng đã đạt được trong năm 2013, NĐT hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự đi lên của TTCK Việt Nam trong năm 2014. Từ đó, dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng”, ông Ong Seng Yeow nhận định.
Theo báo cáo đến cuối tháng 12/2013 của Công ty Chứng khoán Edmond De Rothschild (Anh), có đến 10 quỹ đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam như Vietnam Holding (VNH), PXP Vietnam Fund (VNF), Vietnam Emerging Market Fund (VEMF)... có giá trị tài sản ròng (NAV) tăng trưởng cao hơn mức 22% của VN-Index.Các chuyên gia của SSI Securities Services nhận định, so với các thị trường mới nổi khu vực châu Á, định giá của thị trường Việt Nam vẫn rẻ, điều này sẽ dễ thu hút các NĐT hơn các thị trường khác. Bên cạnh đó, thời gian qua, lạm phát tại Việt Nam đã được kiểm soát. Lãi suất giảm mạnh, từ 15% đầu năm 2012 xuống chỉ còn 7 - 10% như hiện nay, tỷ giá cũng ổn định, dự báo chỉ tăng khoảng dưới 2% trong năm nay. Xuất khẩu dự báo cũng sẽ tăng, giúp nền kinh tế tăng trưởng và cải thiện cán cân thương mại.
Cùng với đó, các NĐT kỳ vọng sự tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế sẽ hồi phục. Điều này được thể hiện qua việc tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu kém gần như đã hoàn tất. Trong năm 2014, dự kiến xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu, giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng thêm 2 - 3% so với năm 2013. Bên cạnh đó là sức hấp dẫn của hàng loạt công ty sắp cổ phần hóa như MobiFone, Vietnam Airlines...
Mặc dù khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng trên TTCK Việt Nam từ cuối năm ngoái nhưng so với các nước, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn rất khiêm tốn. Vấn đề của thị trường Việt Nam là có quá ít hàng đủ hấp dẫn để thu hút thêm dòng vốn ngọai. Số doanh nghiệp có quy mô và kinh doanh tốt như Dược Hậu Giang, Vinamilk, Masan, FPT... đều hoặc kín room, hoặc khó có cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài mới chen chân.
Có thể thấy, vai trò quyết định xu hướng đầu tư của khối ngoại là khá quan trọng, có thể dẫn dắt tâm lý đầu tư của NĐT trong nước. Tuy nhiên, các giao dịch giữa NĐT tổ chức so với cá nhân vẫn chỉ mới ở mức 30/70, điều đó có nghĩa là NĐT cá nhân, NĐT trong nước vẫn ảnh hưởng rất lớn tới thị trường.
Thời gian qua, tài khoản mở mới của các NĐT cá nhân vẫn tăng, trình độ của khối này cũng một trưởng thành hơn, và đây là động lực chính tạo ra sự sôi động cho thị trường. Không ít phiên bất chấp khối ngoại bán ròng thì lực cầu trong nước vẫn duy trì ở mức cao nên đủ đẩy thị trường tăng. Ngoài ra, năm nay cũng có hơn chục quỹ mở đi vào hoạt động nên dòng tiền cũng sẽ được quản lý bài bản hơn.
Vì vậy, nhận định chung của các công ty chứng khoán là ảnh hưởng của khối ngoại tới thị trường trong nước hiện chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thể chi phối.