MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yếu tố nào sẽ chi phối TTCK trong tháng 12?

Thống kê cho thấy trong tháng 12, TTCK thường có biến động không quá lớn và nghiêng về hướng tích lũy, tạo đà cho giai đoạn bùng nổ sau đó.

Chỉ còn một tháng nữa sẽ khép lại năm 2015 đầy biến động của TTCK Việt Nam. Dù nhận được không ít kỳ vọng nhưng cho đến hết tháng 11, chỉ số VnIndex mới chỉ tăng khoảng 6,5% và đây có lẽ là mức tăng chưa đủ làm thỏa mãn giới đầu tư.

Thông tư 36 chính thức có hiệu lực từ đầu năm đã hạn chế nguồn vốn vào TTCK trong ngắn hạn, cùng với những yếu tố khách quan như tỷ giá biến động mạnh, giá dầu thế giới chưa hồi phục đã khiến thị trường nhiều phen lao đao.

Tuy vậy, vẫn xuất hiện những thông tin tích cực hỗ trợ thị trường như chính thức nới room cho khối ngoại lên 100%; SCIC quyết định thoái vốn khỏi những “mỏ vàng” như VNM, FPT, BMP…; ký kết thành công hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc… Hay mới nhất là “nút thắt” TPP đã được gỡ bỏ sau 5 năm đàm phán.

Với những yếu tố tích cực xen lẫn tiêu cực, nhà đầu tư đã được đi qua mọi cung bậc cảm xúc trên TTCK, từ hưng phấn tột độ khi VnIndex lên 640 điểm hay nỗi thất vọng tràn trề khi xuống “vực sâu” 510 điểm.

TTCK liên tục biến động mạnh trong năm 2015
TTCK liên tục biến động mạnh trong năm 2015

Tháng 12, tích lũy và chờ đợi?

Thống kê cho thấy trong tháng 12, TTCK thường có biến động không quá lớn và nghiêng về hướng tích lũy, tạo đà cho giai đoạn bùng nổ sau đó. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn bào mòn tâm lý nhà đầu tư do diễn biến thị trường tương đối lình xình.

Trong những phiên giao dịch cuối tháng 11, chỉ số VnIndex đã sụt giảm khá mạnh bởi áp lực điều chỉnh của các cổ phiếu Bluechips như VNM, FPT, MSN….Điều này đã khiến nhà đầu tư có phần e ngại xu hướng tích cực sẽ chưa sớm trở lại thị trường.

Một yếu tố cũng khiến giới đầu tư lo ngại lúc này là khả năng FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 12 sau nhiều lần trì hoãn. Nếu điều này diễn ra, nhiều khả năng dòng vốn ngắn hạn sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi, cận biên, trong đó có Việt Nam.

Thời gian gần đây, hoạt động giao dịch của khối ngoại trên thị trường diễn ra không thực sự sôi động và không loại trừ khối ngoại đang “án binh” chờ đợi những quyết định rõ ràng hơn từ FED.

Ngoài ra, việc thiếu vắng dòng cổ phiếu dẫn dắt là yếu tố không thể không nhắc đến. Trong quá khứ, mỗi con sóng lớn của thị trường thường gắn liền với con sóng của một nhóm cổ phiếu nào đó như dầu khí trong năm 2014 hay nhóm ngân hàng đầu năm 2015. Tuy vậy, thời điểm hiện tại vẫn chưa xuất hiện dòng cổ phiếu nào thực sự bùng nổ và đó là yếu tố đang khiến giao dịch trên thị trường có phần ảm đạm.

Kỳ vọng nào cho tháng cuối năm?

Mặc dù đang có những diễn biến không thực sự tích cực, tuy nhiên TTCK trong tháng 12 vẫn xuất hiện nhiều yếu tố đáng để kỳ vọng.

Những dự đoán, hé lộ về kết quả kinh doanh năm 2015 của các doanh nghiệp sẽ là điều được nhà đầu tư chờ đợi nhất trong tháng cuối năm. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng nhiều khả năng sẽ là điểm sáng trên thị trường khi kết quả kinh doanh thường được ghi nhận tích cực vào thời điểm cuối năm.

Bên cạnh đó, việc nhóm Bluechips như VNM, FPT… sau giai đoạn điều chỉnh gần đây đã về vùng giá tương đối hấp dẫn và được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền “bắt đáy”, qua đó mang đến những tín hiệu tích cực chung cho thị trường.

Theo tính toán của Bloomberg, P/E của TTCK Việt Nam hiện khoảng 11,33 lần, tương đối “rẻ” so với các TTCK trong khu vực như Thái Lan (gần 18 lần), Indonesia (26 lần), Singapore (13 lần), Philippines (20 lần)… cũng là yếu tố hấp dẫn dòng vốn khối ngoại.

Tháng 12 cũng là thời điểm những số liệu kinh tế được công bố. Trong phiên họp thường kỳ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết GDP năm 2015 đạt trên 6,5% là hoàn toàn khả thi và đây sẽ là tiền đề cho sự tăng trưởng của TTCK trong thời gian tới khi bức tranh vĩ mô dần trở nên tươi sáng hơn.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên