Thị trường chuyển biến bất ngờ: Bảng tăng, vàng giảm, sắc xanh bao phủ thị trường
Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/6 tại London, đồng bảng đã bất ngờ quay đầu tăng 0,4% sau khi giảm tổng cộng 11% sau 2 ngày giao dịch thê thảm hậu Brexit.
- 28-06-2016Người châu Á nào thua lỗ nhiều nhất vì Brexit?
- 28-06-2016Trưng cầu ý dân vụ Brexit: Sai lầm chết người của Chính phủ Anh?
- 28-06-2016'Siêu bão' Brexit sẽ hủy diệt EU?
Ghi nhận tại sàn London lúc 8h sáng ngày 28/7 (theo giờ London, tức 2h chiều nay theo giờ Việt Nam), đồng bảng đón nhận tin vui đầu tiên kể từ sau khi kết quả bất ngờ của cuộc trưng cầu dân ý hôm 24/6 đã kéo đồng tiền này xuống 8,1%. Bất ổn trên thị trường tiền tệ đã thúc đẩy các NHTW và các nhà làm chính sách can thiệp vào thị trường.
Sau khi sụt giảm 2 ngày liên tiếp (tổng 11%), lần đầu tiên đồng bảng tăng điểm, trong khi đà tăng của đồng bạc xanh lại đang chững lại. 2 ngày trước, đô la Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Chỉ số hàng hoá Bloomberg hồi phục từ mức thấp nhất 3 tuần với giá dầu tăng 1,9%, lên 47,18 USD/thùng. Ngược lại giá vàng giảm 0,7%.
Trên thị trường hối đoái, đồng bảng tăng 0,4%. Đây là động thái khá bất ngờ vì trước đó London đã bị cả hai tổ chức xếp hạng lớn trên thế giới là S&P Ratings và Fitch đánh tụt hạng tín nhiệm. Đồng yên vẫn tiếp tục đà tăng nhưng với biên độ thấp hơn (tăng 0,1%), sau khi tăng hơn 4% sau 2 ngày giao dịch.
Đồng tiền của các quốc gia xuất khẩu hàng hoá cũng tăng. Đồng đô Úc và đô New Zealand tăng ít nhất 0,9% so với đồng bạc xanh. Hầu hết đồng tiền của các thị trường mới nổi đều tăng, won tăng 1%.
Trên sàn tương lai, cổ phiếu Mỹ và châu Âu đồng loạt xanh điểm. Chỉ số S&P 500 tương lai tăng 1%, trong khi chỉ số Euro Stoxx 600 Index cũng tăng 2,3%. FTSE 100 Index tương lai tăng 2,1%.
Ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu, nhiều NHTW đã lập tức đưa ra biện pháp xử lý và ổn định thị trường trong nước. NHTW Nhật Bản là ngân hàng đầu tiên tuyên bố hỗ trợ thanh khoản để chống lại ảnh hưởng đến từ Anh. Gói kích thích tài khoá của NHTW Hàn Quốc trị giá 17 tỷ USD đã giúp đẩy tăng giá trái phiếu chính phủ. Phía Trung Quốc cũng đã có động thái điều chỉnh tỷ giá tham chiếu ngày để hạn chế ảnh hưởng từ châu Âu.
Tỷ suất trái phiếu chủ quyền tại Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt giảm sâu cho thấy có khả năng động thái tiếp theo của Fed sẽ xoay chuyển 180 độ sang cắt giảm lãi suất. Hợp đồng quỹ liên bang tương lai cho thấy 9% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong khi có tới 20% Fed sẽ giảm lãi suất. Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, khả năng tăng lãi suất đã lên tới 52%.
Quyết định ra đi của người Anh đã thổi bay gần 4.000 tỷ USD giá trị vốn hóa khỏi thị trường cổ phiếu toàn cầu.
Sáng hôm nay theo giờ Anh, giới chức EU sẽ có một buổi họp đầu tiên tại Brussels để bàn bạc về hành động ra đi của Anh khỏi khối.