MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 7/8: Dầu, quặng sắt, cao su, lúa mì đồng loạt tăng giá

07-08-2018 - 09:20 AM | Thị trường

Riêng mặt hàng cao su lên cao nhất 2 tuần bởi giá dầu đắt đỏ. Đường cũng tăng giá phiên qua còn ca cao rời khỏi mức thấp 5 tháng.


Dầu tăng giá

Giá dầu phiên ngày thứ hai (6/8) tăng sau khi OPEC cho biết sản lượng dầu thô Saudi Arabia trong tháng 7/2018 bất ngờ giảm, làm gia tăng lo ngại nguồn cung dầu toàn cầu khi Mỹ chuẩn bị phục hồi các biện pháp trừng phạt đối với nhà xuất khẩu lớn – Iran.

Dầu thô Brent kỳ hạn đóng cửa phiên hôm qua tăng 54 cent lên 73,75 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI tăng 52 cent lên 69,01 USD/thùng.

Số liệu từ OPEC cho thấy, Saudi Arabia bơm khoảng 10,29 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 7, giảm khoảng 200 bpd so với tháng 6/2018. Điều này xảy ra bất chấp cam kết bởi Saudi và nước sản xuất hàng đầu – Nga – trong tháng 6 sẽ tăng sản lượng so với tháng 7, với Saudi Arabia hứa hẹn thúc đẩy nguồn cung. 

Trong khi đó, Mỹ có kế hoạch sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dầu Iran trong tháng 11, điều này có thể khiến sản lượng của thành viên OPEC suy giảm. Washington muốn nhiều nước có thể cắt giảm nhập khẩu dầu Iran về mức 0. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế Iran cho biết, Tehran không nghĩ rằng tác động kinh tế của các biện pháp trừng phạt sẽ ở mức lớn.

Hầu hết xuất khẩu dầu thô Iran là sang Trung Quốc và Ấn Độ, khoảng 20% sang châu Âu, nơi các nhà máy lọc dầu đã cắt giảm hoạt động mua vào. Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ tuần trước đã cắt giảm số lượng giàn khoan lần thứ 2 liên tiếp trong 3 tuần trở lại đây, do tốc độ tăng trưởng chậm lại trong vài tháng qua.

Vàng giảm do đồng USD tăng mạnh 

Giá vàng giảm vì chịu áp lực từ hoạt động bán ra bởi các nhà đầu tư cũng như đồng USD tăng mạnh và dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất.

Giá vàng giao ngay giảm 0,32% xuống còn 1.209,18 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 tại Mỹ giảm 5,5 USD tương đương 0,5% vào lúc đóng cửa xuống còn 1.217,7 USD/ounce.

Kể từ khi đạt mức cao hơn 1.365 USD/ounce vào ngày 11/4, giá vàng đã giảm liên tục từ đó tới nay, mất hơn 11% và rơi xuống mức thấp nhất 17 tháng vào ngày 3/8.

Trong khi đó, giá bạc giảm 0,3% xuống còn 15,33 USD/ounce, palađi giảm 0,02% xuống còn 909,3 USD/ounce, trong phiên có lúc xuống 900,25 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 23/7, bạch kim giảm 0,3% xuống còn 824,4 USD/ounce.

Giá đồng cũng giảm

Giá đồng giảm do lo ngại về tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại, bên cạnh đồng USD mạnh lên.

Giá đồng tham chiếu trên sàn kim loại London chốt phiên hôm qua giảm 1,2% xuống còn 6.133 USD/tấn. Giá đồng giảm hơn 15% kể từ khi đạt mức cao nhất 4 năm rưỡi 7.348 USD/tấn trong tháng 6/2018.

Trung Quốc đã công bố mức thuế quan đối với 5.207 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, với mức thuế dao động từ 5% đến 25%. Tuy nhiên, các mặt hàng có mức thuế quan 25% bao gồm quặng đồng và đồng cô đặc, số lượng không đáng kể đối với Trung Quốc. Trong năm 2017 Mỹ xuất khẩu gần 433.000 tấn đồng cô đặc sang Trung Quốc, và con số này chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng nhập khẩu. Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/2 nhu cầu toàn cầu.

Số liệu cho thấy, dự trữ đồng tại kho ngoại quan LME hiện đạt 250.625 tấn, và giảm hơn 35% kể từ cuối tháng 3/2018. Dự trữ đồng tại Trung Quốc đạt 192.817 tấn, giảm gần 40% kể từ đầu tháng 4/2018, điều này cho thấy nhu cầu đồng tại Trung Quốc tăng mạnh mẽ.

Trong nhóm kim loại cơ bản, giá nhôm tăng 0,7% lên 2.043 USD/tấn, kẽm giảm 2,4% xuống còn 2.569 USD/tấn, chì không thay đổi ở mức 2.115 USD/tấn, thiếc giảm 0,4% xuống còn 19.525 USD/tấn và nickel tăng 1% lên 13.685 USD/tấn.

Quặng sắt tăng giá

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2018 sau khi Trung Quốc đề xuất thuế quan trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ có trị giá 60 tỉ USD trong ngày thứ sáu (3/8/2018), khi một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc nghi ngờ về triển vọng cuộc đàm phán với Washington để giải quyết xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Hợp đồng quặng sắt giao kỳ hạn tháng 9 tại Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 6,5% lên 512,5 NDT (75 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 9/3/2018. Phiên trước đó giá cũng đã tăng 4,5% lên 502,5 NDT/tấn.

Hợp đồng thanh cốt thép kỳ hạn tháng 10 tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,3% lên 4.224 NDT/tấn, gần mức cao đỉnh điểm 5 năm rưỡi đạt được trong ngày 1/8/2018.

Khu vực phía đông tỉnh Sơn Đông Trung Quốc mới đây đã công bố kế hoạch cắt giảm công suất sản xuất thép, như là một phần của việc thúc đẩy chống ô nhiễm trên toàn quốc. Sơn Đông cho biết, sẽ cắt giảm công suất sản xuất gang thêm 600.000 tấn và thép thô thêm 3,55 triệu tấn vào cuối năm nay, là một phần của kế hoạch hành động 3 năm.

Ngoài các thành phố và các tỉnh đã hạn chế sản xuất trước mùa đông, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch áp đặt hạn chế sản xuất công nghiệp trong mùa đông năm thứ 2 liên tiếp, từ ngày 1/10/2018 đến 31/3/2019.

Công suất sử dụng tại các nhà máy thép lò cao Trung Quốc giảm xuống còn 66,99%, mức thấp nhất kể từ ngày 13/4/2018, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Hầu hết các hạn chế cũng bao gồm các nhà sản xuất than cốc, khiến giá than cốc kỳ hạn tăng 4,6% lên 2.497 NDT/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.503 NDT/tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2017. Giá than luyện cốc tăng 3,2% lên 1.231 NDT/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.241NDT/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 19/6/2018.

Cao su cao nhất 2 tuần

Giá cao su hợp đồng tham chiếu tăng lên mức cao nhất 2 tuần, do giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải tăng, nhưng lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Sino-Mỹ đã hạn chế đà tăng.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn TOCOM kết thúc phiên tăng 2,2 JPY tương đương 1,3% lên 170,5 JPY (1,53 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 171,2 JPY/kg, mức cao nhất kể từ ngày 23/7/2018.

Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1 tăng 235 NDT lên 12.150 NDT (1.775 USD)/tấn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn SICOM tăng 0,6 cent lên 132 Uscent/kg.

Cao su thiên nhiên được hỗ trợ tăng giá bởi giá dầu thô tăng làm tăng nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên thay vì cao su tổng hợp.

Đường tăng giá, ca cao hồi phục từ mức thấp nhất 5 tháng

Giá ca cao tăng sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 tháng, được hậu thuẫn bởi hoạt động mua vào sau khi giá giảm.

Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,13 cent tương đương 1,2% lên 10,98 cent/lb, trong phiên có lúc đạt 11,13 cent/lb. Trong phiên trước đó, giá đường tăng mạnh được thúc đẩy bởi đồng real Brazil tăng mạnh và làn sóng mua bù thiếu của các nhà đầu tư, do giá chạm mức thấp nhất 3 năm trong tuần trước đó.

Các nhà phân tích cho biết, giá đường còn được hỗ trợ bởi lo ngại về ảnh hưởng hạn hán tại khu vực EU, cùng với thời tiết khô kéo dài tại khu vực trung nam Brazil. Hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 3 USD tương đương 0,9% lên 327,3 USD/tấn.

Hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 12 trên sàn New York tăng 56 USD tương đương 2,6% lên 2.170 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.100 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2/2018. Hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 12 trên sàn London tăng 38 GBP, tương đương 2,4% lên 1.625 GBP/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.577 GBP/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 1/3/2018.

Hơp đồng cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 20 USD, tương đương 1,2% lên 1.682 USD/tấn. Hợp đồng cà phê arabica tăng 1 cent tương đương 0,9% lên 1,0875 USD/lb.

Lúa mì cao nhất 3 năm

Giá lúa mì tăng hơn 3% và đóng cửa đạt mức cao nhất trong 3 năm, do lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt, khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến triển vọng vụ thu hoạch của các nước sản xuất trọng điểm trên toàn cầu. 

Hợp đồng lúa mì mềm, cứng vụ đông kỳ hạn tháng 9 trên sàn Chicago tăng 18-1/4 cent tương đương 3,3% lên 5,74-1/2 USD/bushel, mức cao nhất kể từ ngày 14/7/2015. Hợp đồng lúa mì đỏ cứng vụ đông kỳ hạn tháng 9 tăng 18-3/4 cent, tương đương 3,3% lên 5,86 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 7/8

Thị trường hàng hóa ngày 7/8: Dầu, quặng sắt, cao su, lúa mì đồng loạt tăng giá - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên