Thị trường hàng không Việt Nam: Nghịch cảnh “tẩy chay nhưng ngày mai vẫn phải bay hãng đó” đã thay đổi ra sao?
Trước đây, người tiêu dùng cũng từng chứng kiến nhiều lần các hãng hàng không chậm chuyến, trễ chuyến, gặp sự cố liên tục hay ngán ngẩm với thái độ phục vụ của nhân viên mặc dù giá vé máy bay đối với người tiêu dùng chưa phải rẻ. Nhưng thời điểm ấy, tẩy chay thì bay bằng gì?
- 13-02-2019Việt Nam sẽ có hãng hàng không thứ 6 trong quý II/2019?
- 10-02-2019Hàng không đua mở đường bay ngoại, ai có lợi?
- 02-02-2019Đề xuất hơn 4.350 tỷ đồng xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên
Ở thời điểm Vietnam Airlines vẫn còn đang nắm trọn thị trường hàng không, vấn đề lớn nhất đối với người tiêu dùng lúc bấy giờ là giá quá cao. Thời điểm đó, chỉ có "người giàu" mới có thể đi máy bay.
Năm 2004, cùng là đường bay TP Hồ Chí Minh - Paris, trong khi giá của Cathay Pacific (Hồng Kông) chỉ 650 USD/lượt, sang hơn một chút là Air France (Pháp) hơn 700 USD/lượt, thì vé của Vietnam Airlines đã lên đến 750 USD/lượt. Hoặc trên đường bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - Bangkok, vé của Thai Airway (Thái Lan) là 160 USD/lượt, còn vé của Vietnam Airlines đến 170 USD/lượt…
Trên đường bay quốc tế, một chặng bay Hà Nội - Kuala Lumpur nhưng giá vé của Vietnam Airlines là 420 USD, cao hơn so với Malaysia Airlines tới 20 USD. Đi Hà Nội - Quảng Châu, với Vietnam Airlines, hành khách sẽ phải trả 308 USD/vé khứ hồi nhưng cũng chặng bay trên, hàng không Phương Nam (Trung Quốc) chỉ bán với giá 298 USD/vé.
Biết là đắt, nhưng không đi Vietnam Airlines thì bay bằng gì? Mãi đến cuối năm 2011, khi Vietjet được cất cánh (dù thành lập năm 2007), thì mới thực sự xuất hiện khái niệm "hàng không giá rẻ" đối với người Việt Nam. Giờ ai có điều kiện hơn thì đi Vietnam Airlines, còn phân khúc bình dân thì là thị phần của Vietjet.
Nhưng khi người người đều có thể bay, nhà nhà đều mua được vé máy bay, thì hành khách lại đau đầu kiểu khác. Nhẹ nhất là chậm chuyến, trễ chuyến. Cái này thì cả hai hãng đều mắc phải, cũng chẳng tẩy chay ai được.
Tuy nhiên, những sự cố trong lúc bay và hạ cánh mới là vấn đề nhiều người e ngại. Hồi tháng 12 năm ngoái, Vietjet hạ cánh nhầm xuống sân bay chưa được khai thác ở Cam Ranh. Một lần khác cũng trong thời điểm gần đó thì gặp sự cố trên không trong chuyến bay đến Incheon (Hàn Quốc), phải hạ cánh khẩn cấp ở Đài Loan.
Mới đây nhất, ngày 12/2/2019, trên các phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin máy bay của Vietjet bị bục lốp khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhưng có phải Vietnam Airlines giá cao hơn thì không có sự cố? Câu trả lời là không. Hãng hàng không quốc gia cũng có "bề dày" chẳng kém về các sự cố khi bay. Vietnam Airlines có hạ cánh nhầm không? Có!
Mà trớ trêu là họ còn hạ cánh nhầm đúng chỗ mà Vietjet hạ cánh nhầm – đường bay Cam Ranh. Tháng 5/ 2014, máy bay Vietnam Airlines còn cháy động cơ khi chuẩn bị cất cánh tại Úc.
Chuyên gia của Airlines Weekly cho biết: Rất khó tẩy chay một hãng hàng không vì người tiêu dùng "ít lựa chọn". Các hãng cũng thường phục hồi được việc kinh doanh nhanh vì dư luận thì cũng chóng quên. Ngay cả sự kiện gây chấn động hàng không quốc tế của hãng United Airlines, từng khiến họ phải lao đao vì khủng hoảng truyền thông, cũng nhanh chóng qua mau.
Ngày 9/4/2017, mạng xã hội lan truyền các video quay cảnh ông David Dao - một khách hàng tranh cãi gay gắt với nhân viên hàng không của hãng vì từ chối nhường ghế, và kết quả là ông này bị kéo lê khỏi máy bay với gương mặt bê bết máu.
Trong vòng 4 ngày, United Airlines phải đưa ra ba lời xin lỗi. Tháng 5/2017, Ủy ban Vận tải nội địa đã chất vấn rất hãng quyết liệt về vấn đề dịch vụ khách hàng. Sự kiện này bị Tổng thống Donald Trump nhận xét là quá tồi tệ.
Tuy nhiên, United Airlines lại chẳng chật vật quá lâu.
Số liệu từ Morning Consult Brand Intelligence thống kê mức độ yêu thích của khách hàng Mỹ với United Airlines từ 35% giảm xuống đáy -10% vào ngày 13/4. Các thông tin tiêu cực về United Airlines trên phương tiện thông tin đại chúng cũng nhảy vọt từ 10% lên gần 60%.
Nhưng sau 8 tháng, cả hai chỉ số trên đều dần trở lại mức trước khi khủng hoảng xảy ra. Lượng thông tin tiêu cực đã trở về mức 20% và mức độ yêu thích của khách hàng Mỹ với hãng trở lại mức 35%. Chính bởi vì khi hàng hóa khó để thay thế thì người tiêu dùng cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác.
Hết phong trào tẩy chay Vietnam Airlines rồi lại đến tẩy chay Vietjet, nhưng "chạy đâu cho khỏi mưa rào" khi hai hãng lớn thì đều "đì-lay" như nhau, đều sự cố như nhau, Jetstar thì thị phần quá nhỏ, ít chuyến?
Câu trả lời là người tiêu dùng Việt Nam cần một thị trường mở hơn, cạnh tranh hơn. Không phải vì kỳ vọng một hãng mới sẽ ít xảy ra sự cố hơn, vì sự cố có thể do sơ xuất chủ quan nhưng đôi khi cũng là ngoài ý muốn.
Với Bamboo Airways, chưa thể nói trước được điều gì vì hãng này mới hoạt động chưa lâu. AirAsia cũng đã từng có sự cố rơi máy bay vô cùng nghiêm trọng trong quá khứ. Chỉ có thể khẳng định, một thị trường cạnh tranh sẽ thúc đẩy các hãng phải hoạt động một cách cẩn trọng hơn nghiêm ngặt về quy chuẩn an toàn bay, có thái độ trân trọng khách hàng hơn.
Bởi vì giờ đây, người tiêu dùng đã có thể "Tẩy chay mai bay hãng khác".
Hãng hàng không Bamboo Airways