MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường kém thuận lợi, nhiều quỹ lớn tăng trưởng âm trong quý 1/2022, Diamond ETF vượt trội so với phần còn lại

Thị trường kém thuận lợi, nhiều quỹ lớn tăng trưởng âm trong quý 1/2022, Diamond ETF vượt trội so với phần còn lại

Nhìn chung, điểm khác biệt của các quỹ chủ yếu đến từ việc nắm giữ VIC, VNM hay không. Trong khi đó, các quỹ nắm giữ lượng lớn cổ phiếu Bluechips như MWG, FPT, VPB, PNJ, MBB…sẽ có hiệu suất tích cực hơn so với phần còn lại.

Chứng khoán Việt Nam vừa khép lại quý 1 với những biến động có phần "dữ dội". Dù khởi đầu năm mới khá thuận lợi, chỉ số VN-Index có thời điểm vượt qua mốc 1.500 điểm và thậm chí lập đỉnh lịch sử 1.534 điểm nhưng những tác động từ xung đột Nga – Ukraine, FED tăng lãi suất đã khiến thị trường không giữ được xung lực tăng và thậm chí có lúc rơi về gần 1.420 điểm.

Kết thúc quý 1, chỉ số VN-Index dừng tại 1.492,15 điểm, giảm nhẹ 0,41% so với thời điểm cuối năm 2021. Diễn biến có phần "tệ" hơn, chỉ số VN30-Index dừng tại 1.508,53 điểm, tương ưng mức giảm 1,77% trong quý 1.

Với diễn biến kém thuận lợi của thị trường trong quý 1, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả những tổ chức chuyên nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Thống kê các quỹ lớn trên thị trường cho thấy hầu hết đều ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý 1, thậm chí hiệu suất nhiều quỹ lớn còn kém hơn so với thị trường chung.

Thị trường kém thuận lợi, nhiều quỹ lớn tăng trưởng âm trong quý 1/2022, Diamond ETF vượt trội so với phần còn lại - Ảnh 1.

Trong số các quỹ được chúng tôi thống kê, bộ đôi quỹ ETF ngoại lâu năm tại Việt Nam là Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam ETF có hiệu suất khá "tệ" khi hiệu suất danh mục đầu tư trong quý 1 lần lượt là âm 9,55% và âm 8,93%.

Xếp ngay sau lần lượt là Premia MSCI Vietnam ETF với hiệu suất âm 7,88% và JPMorgan Vietnam Opportunities Fund với mức âm 4,63%. Quỹ ngoại đến từ Đài Loan (Trung Quốc) Fubon FTSE Vietnam ETF cũng có hiệu suất kém hơn Index với mức tăng trưởng trong quý 1 là âm 3,85%.

Các quỹ ngoại kể trên có hiệu suất tương đối kém tích cực trong quý 1 có nguyên nhân từ việc nắm giữ lượng lớn VIC, VNM trong danh mục.

Trong khi đó, các quỹ ngoại có sự chủ động hơn như Pyn Elite Fund, LionGlobal Vietnam Fund, Vietnam Equity Fund có hiệu suất tốt hơn với mức giảm chỉ là âm 1,69%; âm 0,57% và âm 0,5% do danh mục không nắm giữ "bộ đôi" VIC, VNM.

Với đặc tính bám theo chỉ số, các quỹ ETF nhìn chung không có hiệu suất tốt trong quý 1, hầu hết đều tăng trưởng âm như các quỹ chỉ số VN30; các quỹ chỉ số VN100, VN50.

Quỹ có thành tích tốt nhất thị trường trong quý 1/2022 là DCVFM VNDiamond ETF khi hiệu suất danh mục tăng trưởng 7,5%. Kể từ khi thành lập vào năm 2020 tới nay, DCVFM VNDiamond ETF thường xuyên nằm trong top những chỉ số tăng trưởng hàng đầu. Với danh mục gồm các cổ phiếu Bluechips hết room ngoại như FPT, MWG, PNJ, MBB…đã giúp hiệu suất quỹ vượt trội so với các quỹ khác trên thị trường. Hiện quy mô danh mục DCVFM VNDiamond ETF vào khoảng 15.000 tỷ đồng.

Quỹ đầy tư tăng trưởng KIM Vietnam Hàn Quốc (KIM Vietnam Korea) với quy mô lên tới 693 triệu USD cũng có hiệu suất tích cực hơn thị trường khi tăng trưởng NAV/Shares 2,81% trong quý 1/2021. Việc nắm giữ tỷ trọng lớn các cổ phiếu như TCB, MBB, MWG, FPT,…đã tác động tích cực tới danh mục quỹ.

VEIL Dragon Capital, quỹ ngoại lớn nhất thị trường Việt Nam với quy mô danh mục 2,6 tỷ USD cũng có hiệu suất tích cực hơn thị trường với mức tăng trưởng 0,49%.

Có thể nói, diễn biến kém thuận lợi của thị trường trong quý 1/2022 đã khiến hầu hết các quỹ đầu tư có thành tích không thực sự tích cực. Nhìn chung, điểm khác biệt của các quỹ chủ yếu đến từ việc nắm giữ VIC, VNM hay không. Trong khi đó, các quỹ nắm giữ lượng lớn cổ phiếu Bluechips như MWG, FPT, VPB, PNJ, MBB…sẽ có hiệu suất tích cực hơn so với phần còn lại.

https://cafef.vn/thi-truong-kem-thuan-loi-nhieu-quy-lon-tang-truong-am-trong-quy-1-2022-diamond-etf-vuot-troi-so-voi-phan-con-lai-20220402215928385.chn

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên