Thị trường khó khăn, quy mô danh mục Tundra Vietnam Fund giảm 82% so với giai đoạn VN-Index 1.200 điểm
Kể từ khi đạt đỉnh gần 226 triệu USD vào tháng 4/2018, quy mô danh mục Tundra Vietnam Fund liên tục sụt giảm. Điều này một phần đến từ giá trị các khoản đầu tư của quỹ giảm do thị trường chung không thuận lợi và một phần đến từ việc quỹ bị rút vốn.
Tundra Vietnam Fund, quỹ chuyên đầu tư đón đầu các cơ hội nâng hạng thị trường vừa công bố báo cáo tháng 12 với quy mô danh mục chỉ còn 41,3 triệu USD, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
Kể từ khi đạt đỉnh gần 226 triệu USD vào tháng 4/2018, quy mô danh mục Tundra Vietnam Fund liên tục sụt giảm. Điều này một phần đến từ giá trị các khoản đầu tư của quỹ giảm do thị trường chung không thuận lợi và một phần đến từ việc quỹ bị rút vốn.
Trong tháng 12, tăng trưởng NAV/shares của quỹ là âm 1% (tính theo đồng USD). Tuy vậy, so với đầu năm, tăng trưởng quỹ vẫn đạt mức 3,5% (USD). Mức tăng trưởng này thấp hơn so với benchmark (FTSE Vietnam TR) với 7,5%.
Theo Tundra, mức tăng trưởng thấp của quỹ trong năm qua chủ yếu đến từ nhóm Bất động sản. Trong khi đó, tỷ trọng "nhóm VinGroup" dù chiếm 1/3 chỉ số benchmark nhưng lại chiếm tỷ trọng thấp trong danh mục quỹ đã ảnh hưởng tiêu cực. Tundra cho rằng dòng vốn ngoại đổ mạnh vào "nhóm VinGroup" đã khiến các cổ phiếu này tăng giá một cách vô lý.
Về danh mục đầu tư, FPT vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất của Tundra Vietnam Fund với 9,3%, tiếp theo lần lượt là VHM (5,6%), HSG (5,5%), DXG (5,3%), MSN (5%)…Tỷ trọng "nhóm VinGroup" tại thời điểm cuối năm 2019 của quỹ là 13,2%.
Một điểm đáng chú ý, trong top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục tháng 12 của Tundra Vietnam Fund có sự hiện diện của 2 cái tên mới là PNJ (4%) và VND (3,6%), thay thế cho VCB và LPB.
Các cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất danh mục Tundra tháng 12 gồm có VCB (+7,8%), PNJ (+6,7%)…Ở chiều ngược lại, MSN (-18,3%) và PLX (-18,1%) là 2 cổ phiếu có diễn biến "tệ" nhất.
Top danh mục Tundra Vietnam Fund
Tundra cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư thận trọng với TTCK Việt Nam, bất chấp tăng trưởng kinh tế và cải cách thị trường được đánh giá tích cực. Năm 2019, thanh khoản thị trường giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân chỉ còn 137 triệu USD/phiên so với mức 217 triệu USD/phiên năm trước. Giá trị mua ròng của khối ngoại cũng giảm, chỉ còn 230 triệu USD so với 1,8 tỷ USD trong năm 2018.
Trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,02% cho thấy khả năng phục hồi tốt trước những cú sốc bên ngoài và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam cao kỷ lục, đạt 517 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 263,5 tỷ USD và nhập khẩu 253,5 tỷ USD. Thặng dư thương mại cao nhất lịch sử 10 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối 79 tỷ USD, tăng 20 tỷ USD so với năm trước. Việt Nam đồng vẫn là một trong những loại tiền mạnh nhất năm 2019 trong bối cảnh nhiều đồng tiền bị mất giá. Lạm phát năm 2019 tăng khiêm tốn 2,73% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. FDI cam kết và FDI giải ngân cao nhất mọi thời đạt, đạt lần lượt 38 tỷ ÚDS và 20,4 tỷ USD.