MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường liên tục “xanh vỏ đỏ lòng”, dòng tiền nào đã “kéo trụ” Bluechips kể từ sau Tết nguyên đán?

Lực tăng của thị trường gần 2 tuần qua chủ yếu đến từ nhóm Bluechips, tiêu biểu là các cổ phiếu VIC, VHM, VRE, MSN, SAB, VNM, trong khi phần lớn các cổ phiếu khác trên thị trường rơi vào trạng thái tích lũy, điều chỉnh nhẹ hoặc tăng không đáng kể.

Kể từ sau Tết nguyên đán, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam khá thuận lợi. Chỉ số Vn-Index đã bứt phá ngoạn mục từ 908,67 điểm (phiên 1/2) lên 987,57 điểm (phiên 21/2), tương ứng mức tăng gần 9% mà không gặp phải lực cản đáng kể nào.

Dù vậy, nhịp tăng đột biến của thị trường những ngày qua đã khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy hụt hẫng vì tài khoản tăng không tương xứng. Trên thực tế, lực tăng của thị trường gần 2 tuần qua chủ yếu đến từ nhóm Bluechips, tiêu biểu là các cổ phiếu VIC, VHM, VRE, MSN, SAB, VNM, trong khi phần lớn các cổ phiếu khác trên thị trường rơi vào trạng thái tích lũy, điều chỉnh nhẹ hoặc tăng không đáng kể, dẫn đến tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng".

Thị trường liên tục “xanh vỏ đỏ lòng”, dòng tiền nào đã “kéo trụ” Bluechips kể từ sau Tết nguyên đán? - Ảnh 1.

5 cổ phiếu VHM, VNM, VIC, VRE, MSN đóng góp gần 14 điểm trong tổng cộng 17 điểm của Vn-Index trong phiên 21/2

Đỉnh điểm của hiện tượng này phải kể đến phiên giao dịch 21/2, cũng là ngày chốt hợp đồng phái sinh F1902. Mặc dù Vn-Index tăng gần 17 điểm, nhưng số mã giảm điểm trên toàn thị trường chiếm áp đảo hoàn toàn. Không những vậy, việc các Bluechips như VIC, VHM, VRE, MSN, SAB, VNM tăng đột biến trong phiên ATC đã khiến những nhà đầu tư giữ vị thế "Short" lỗ lớn, trong khi nhà đầu tư giữ vị thế "Long" ghi nhận khoản lợi nhuận ngoài mong đợi.

Có thể nói, việc các Bluechips VIC, VHM, VRE, MSN, SAB, VNM thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong những ngày gần đây có phần bất ngờ, nhưng có lẽ nguyên nhân chính đến từ (1) kỳ vọng nâng hạng thị trường mới nổi và (2) dòng tiền ETF.

Mua Bluechips đón đầu "game" nâng hạng thị trường

Sau nhiều năm nỗ lực chuẩn bị, trong tháng 9/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE Russell đưa vào danh sách rút gọn nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá là ứng viên sáng giá trong danh sách nâng hạng thị trường mới nổi của MSCI trong năm 2020.

Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư từ các quỹ tracking theo FTSE và MSCI Index, cũng như nhiều quỹ tự xây dựng chỉ số, hoặc đầu tư thông qua các chỉ số hiện có như VN30, VN50, VN100.

Theo ước tính của CTCK Bảo Việt, khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI Và FTSE, chúng ta có thể thu hút được lượng vốn ít nhất 1,2 tỷ USD từ các quỹ tracking chỉ số. Tuy vậy, lượng vốn này sẽ không giải ngân đều khắp thị trường, mà tập trung vào một số cổ phiếu quy mô lớn, đáp ứng đủ điều kiện vào rổ chỉ số của MSCI và FTSE.

Những cổ phiếu được dự báo "lọt rổ" MSCI và FTSE Emerging Markets có thể kể tới như VIC, VHM, VNM, VRE, SAB, VJC, BVH, VCB và hầu hết những cổ phiếu trong nhóm này đều đã bứt phá ngoạn mục trong thời gian gần đây.

Thị trường liên tục “xanh vỏ đỏ lòng”, dòng tiền nào đã “kéo trụ” Bluechips kể từ sau Tết nguyên đán? - Ảnh 2.

Các cổ phiếu dự báo vào rổ MSCI và FTSE Emerging Markets

Không loại trừ khả năng dòng tiền thông minh đã "đi tắt đón đầu" mua các cổ phiếu trong rổ MSCI và FTSE Emerging Markets nhằm tận dụng cơ hội nâng hạng thị trường của Việt Nam. Điều này đã tác động không nhỏ tới diễn biến các cổ phiếu Bluechips, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày qua.

Dòng tiền đến từ các quỹ ETF

Một nguyên nhân nữa khiến các cổ phiếu Bluechips tăng mạnh những ngày qua còn đến từ dòng tiền các quỹ ETF. Sau giai đoạn rút vốn mạnh từ cuối năm 2018, dòng tiền ETF đang có dấu hiệu quay mạnh trở lại các thị trường mới nổi, cận biên và Việt Nam là một trong những địa chỉ thu hút vốn hàng đầu.

Các cổ phiếu như Bluechips như VIC, VHM, VRE, MSN, SAB, VNM hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong danh mục của các quỹ ETF như VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), db x-trackers Vietnam ETF (FTSE Vietnam ETF) hay VFMVN30 ETF.

Tính từ đầu năm tới nay, cả 3 quỹ ETF kể trên đều phát hành lượng chứng chỉ quỹ khá lớn. Cụ thể, VFMVN30 ETF đã phát hành lượng chứng chỉ quỹ trị giá 255 tỷ đồng, với VNM ETF là 27,4 triệu USD (635 tỷ đồng) và với FTSE Vietnam ETF là 9,9 triệu USD (232 tỷ đồng).

Thị trường liên tục “xanh vỏ đỏ lòng”, dòng tiền nào đã “kéo trụ” Bluechips kể từ sau Tết nguyên đán? - Ảnh 3.

VNM ETF phát hành lượng chứng chỉ quỹ trị giá 27 triệu USD từ đầu năm tới nay

Với việc chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục các quỹ ETF, các cổ phiếu Bluechips như VIC, VHM, VRE, MSN, SAB, VNM đã được "gom" khá mạnh và điều này đã tác động tích cực tới diễn biến cổ phiếu.

Trong các quỹ ETF kể trên, VFMVN30 ETF đang thu hút sự quan tâm không nhỏ từ giới đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan. Vào cuối năm 2018, Bualuang Securities (BLS), CTCK hàng đầu của Thái Lan cho biết sẽ phát hành một chứng chỉ lưu ký (DR) với giá trị khoảng 151 triệu USD để đầu tư vào VFMVN30 ETF.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên