MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường năng lượng sạch phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào?

21-12-2019 - 14:12 PM | Tài chính quốc tế

Việc Trung Quốc đứng đầu toàn cầu trong ngành năng lượng tái tạo có thể trì hoãn các ý kiến ủng hộ phát triển ngành công nghiệp khí đốt than. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách và Trái Đất không còn nhiều thời gian để chờ đợi sự thay đổi chính sách từ Trung Quốc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP25 diễn ra ở Madrid, giới quan sát nhận định hiệu quả của những gì được thỏa thuận và thực hiện sẽ phụ thuộc vào hành động của một quốc gia duy nhất: Trung Quốc.

Nhu cầu năng lượng tăng lên từ sự trỗi dậy thần kỳ của Trung Quốc, theo sau là Ấn Độ, đã tác động tiêu cực lên xu hướng giảm khí thải đang được thúc đẩy bởi các quốc gia giàu có và phát triển hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang dồn nguồn lực đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và trở thành quốc gia đứng đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ sản xuất năng lượng gió, đặc biệt là năng lượng mặt trời với lợi thế cạnh tranh về giá.

Lượng khí thải

Thị trường năng lượng sạch phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

"Bên cạnh rủi ro tài chính và nghèo đói, vấn đề xử lý ô nhiễm và suy thoái môi trường là một trong ba thách thức lớn mà cả đất nước phải đương đầu", Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết trong bài phát biểu năm ngoái. Tuy nhiên, trong một cuộc họp gần đây của các quan chức ngành năng lượng, Thủ tướng Lý Khắc Cường lại ủng hộ phát triển ngành công nghiệp năng lượng than.

Việc phe nào thắng trong công cuộc xây dựng chính sách năng lượng cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (áp dụng từ năm 2021) của Trung Quốc sẽ quyết định số phận của Trái Đất. Tuy nhiên, do Trung Quốc đang phát triển các đường ống khí đốt hoạt động ở khắp châu Âu, các dự đoán ban đầu đều cho rằng kết quả sẽ theo hướng bất lợi cho môi trường.

Mặc dù vậy, những kế hoạch cấp cao trên có thể sẽ mở ra kết quả thực tế khả quan hơn, bởi ngành năng lượng Trung Quốc đã và đang tiến hành một bước ngoặt. Đó là việc chuyển đổi từ một hệ thống mà chính phủ kiểm soát chặt chẽ mức giá và công suất sản xuất, sang cơ chế định hướng kinh tế thị trường hơn - cung và cầu sẽ là yếu tố quyết định giá cả và các nhà sản xuất sẽ cạnh tranh để chiếm ưu thế về giá.

Năng lượng tái tạo

Để sản xuất điện năng, năng lượng gió và mặt trời hiện đang là nguồn nhiên liệu tốn ít chi phí nhất ở Trung Quốc.

Thị trường năng lượng sạch phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg NEF

Lựa chọn nguồn năng lượng tái tạo mang lại một số lợi ích đáng kể. Năng lượng tái tạo đã và đang là nguồn nhiên liệu rẻ nhất. Theo Jonathan Luan - nhà phân tích tại BloombergNEF, trong nhiều lĩnh vực, giá điện năng sản xuất từ gió thấp hơn là từ các nhà máy nhiệt điện. Do vậy, lựa chọn có lợi nhất cho ngành năng lượng chỉ có thể là đóng cửa các nhà máy nhiệt điện và thay thế chúng bằng các trang trại gió.

Theo phân tích của Luan, những nơi năng lượng gió có giá thấp hơn định mức giá của năng lượng than bao gồm các tỉnh ven biển, từ Liêu Ninh và Hà Bắc ở phía bắc, xuống Quảng Đông và Quảng Tây ở phía nam, ngoại trừ thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân. Về năng lượng mặt trời, Luan chưa làm phân tích ở cấp tỉnh - thành phố, nhưng ở cấp quốc gia, chi phí phát triển của nó thậm chí còn thấp hơn năng lượng gió.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các nhà máy nhiệt điện than sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức.

Lí do duy nhất là vì mục tiêu lợi nhuận không phải yếu tố quyết định việc sẽ xây dựng nhà máy phát điện hay không. Chính quyền địa phương mới là nơi nắm quyền tổ chức các buổi đấu thầu nhà máy. Trong trường hợp năng lượng đốt than ghi nhận lỗ hoặc khấu hao hoàn toàn, năng lượng tái tạo mới có cơ hội phát triển. Ở những nơi mà các chính quyền đang có các khoản nợ, trừ khi có sự can thiệp từ Bắc Kinh, nếu không thì họ sẽ vẫn duy trì hoạt động của các nhà máy phát điện hiện có, miễn là họ có thể tránh được việc xóa sổ, ngay cả khi người dùng phải trả giá cao hơn.

Việc giá điện chưa cố định trong ngày mà tăng giảm theo tình trạng nhu cầu đang làm vấn đề càng thêm phức tạp. Sự tăng giảm đó có xu hướng làm giảm lợi nhuận của ngành năng lượng tái tạo. Ví dụ như khi năng lượng mặt trời dồi dào vào giữa ngày, nhưng lại không thể tận dụng đến tối - khoảng thời gian có lãi nhất do nhu cầu đặc biệt tăng cao.

Về mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, việc không chắc chắn về tác động của chính sách mới lên sự phát triển đường ống khí đốt của Trung Quốc có thể sẽ là rủi ro lớn. Mặc dù vậy, nếu các nhà máy phát điện không tăng tỉ suất máy chạy, thì việc xây dựng thêm nhiều nhà máy cũng không làm gia tăng lượng khí thải. Bởi theo đánh giá từ Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc, tỉ suất sử dụng năng lực sản xuất của các nhà máy nhiệt điện còn chưa đến 50%.

Tăng tốc để bình ổn

Để tránh trường hợp nhiệt độ tăng hơn 2°C, Trung Quốc cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo trong 5 năm tới. Điều đó đồng nghĩa với việc khai thác gấp đôi năng lượng mặt trời và gấp 3 lần năng lượng gió đã được sử dụng trong 5 năm trước. Việc chi phí năng lượng tái tạo giảm có thể giúp đạt được mục tiêu trên, nhưng các chính sách có phần cứng nhắc sẽ là những thử thách khó khăn lớn, và Trái Đất không còn nhiều thời gian để chờ đợi sự thay đổi chính sách từ Trung Quốc.

Mỹ Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên