MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 09/5: Giá dầu bật tăng 5%, vàng quay đầu giảm

09-05-2020 - 07:30 AM | Thị trường

Australia, Pháp, một số bang của Mỹ và các quốc gia như Pakistan có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đã thúc đẩy giá dầu tăng. Chốt phiên giao dịch ngày 8/5, giá dầu bật tăng 5%, đồng cao nhất 3 tuần, kẽm cao nhất 2,5 tháng, trong khi vàng quay đầu giảm.

Giá dầu bật tăng 5%

Giá dầu bật tăng 5% trong tuần tăng thứ 2 liên tiếp, do các nhà sản xuất của Mỹ cắt giảm sản lượng cùng với số lượng các giàn khoan dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục và nhiều quốc gia có kế hoạch nới lỏng các hạn chế ngăn chặn đại dịch virus corona.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/5, dầu thô Brent tăng 1,51 USD tương đương 5,1% lên 30,97 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,19 USD tương đương 5% lên 24,74 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 18% và dầu thô Mỹ tăng 33%, cả hai đều có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Số lượng các giàn khoan dầu và khí tự nhiên của Mỹ trong tuần này giảm 34 xuống mức thấp kỷ lục 374, phản ánh số liệu trở lại 80 năm khi ngành công nghiệp năng lượng giảm sản lượng và đối phó với nhu cầu nhiên liệu suy giảm do virus corona. Đồng thời, các công ty dầu Bắc Mỹ ngừng sản xuất nhanh hơn so với dự kiến của các nhà phân tích và hướng tới giảm sản lượng khoảng 1,7 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 6/2020.

Giá khí tự nhiên tiếp đà giảm

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 4% bởi dự báo nhu cầu thấp hơn vào giữa tháng 5/2020, do thời tiết ôn hòa hơn và các doanh nghiệp vẫn đóng cửa khi chính phủ đưa ra các hạn chế nhằm ngăn chặn virus corona lây lan.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 7,1 US cent tương đương 3,7% xuống 1,823 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ ngày 28/4/2020. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 4% sau khi tăng 8% trong tuần trước đó.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng khí sẽ giảm xuống mức trung bình hàng năm là 91,7 tỉ feet khối/ngày (bcfd) trong năm 2020 và 87,5 bcfd năm 2021 từ mức cao kỷ lục 92,2 bcfd năm 2019, do giá dầu giảm khiến các công ty năng lượng cắt giảm chi phí khoan dầu.

Giá vàng giảm

Giá vàng giảm từ mức cao nhất gần 2 tuần, khi các nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng về các nền kinh tế mở cửa trở lại sau việc đóng cửa bởi Covid -19, song làn sóng kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương đã đẩy vàng có tuần tăng.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,8% xuống 1.704,53 USD/ounce, trước đó trong phiên giá vàng đạt 1.722,56 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 27/4/2020. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vàng tăng 0,3%. Vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 0,7% xuống 1.713,9 USD/ounce.

Giá đồng cao nhất 3 tuần, kẽm cao nhất 2,5 tháng, nhôm thấp nhất 1 tuần

Giá đồng tại Thượng Hải tăng lên mức cao nhất 3 tuần và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, được thúc đẩy bởi số liệu nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh và dấu hiệu cho thấy rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ được thực hiện bất chấp gián đoạn do virus corona.

Giá đồng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 1,9% lên 43.610 CNY (6.162,39 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 17/4/2020. Tính chung cả tuần giá đồng tăng 1,2%. Trong khi, tồn trữ đồng tại Thượng Hải giảm tuần thứ 8 liên tiếp, giảm 11,6% xuống 204.219 tấn.

Nhập khẩu đồng chưa gia công của Trung Quốc trong tháng 4/2020 tăng 4,4% so với tháng 3/2020 lên 460.000 tấn, trong khi nhập khẩu đồng cô đặc đạt mức đỉnh 2 triệu tấn.

Đồng thời, giá kẽm trên sàn Thượng Hải tăng phiên thứ 5 liên tiếp, tăng 2,3% lên 17.950 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 24/2/2020.

Giá nhôm giảm 0,4% sau khi chạm mức thấp nhất 1 tuần (12.510 CNY/tấn).

Giá quặng sắt và thép có tuần tăng

Giá quặng sắt và thép tại Trung Quốc tăng 3 phiên liên tiếp trong tuần này, được hỗ trợ bởi nhu cầu từ các nhà máy thép địa phương tăng khi nước này hoạt động trở lại từ việc đóng cửa bởi đại dịch virus corona.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 2,6% lên 633 CNY (89,52 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 1/8/2019. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 3,8%.

Đồng thời, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 0,9% lên 3.452 CNY/tấn và có tuần tăng 2,5%. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 3.327 CNY/tấn. Trong khi đó, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2020 giảm 0,5% xuống 13.190 CNY/tấn.

Giá cao su diễn biến trái chiều

Giá cao su tại Tokyo tăng và có tuần tăng đầu tiên trong 3 tuần, do giá dầu tăng khi nhiều nước nới lỏng việc đóng cửa nhằm ngăn chặn virus corona bùng phát.

Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM tăng 0,4 JPY lên 152,7 JPY/kg, cao nhất kể từ cuối tháng 4/2020. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 2,6%.

Trong khi đó, giá cao su tại Thượng Hải giảm 0,3% xuống 10.345 CNY/tấn.

Giá cà phê tăng, đường giảm

Giá cà phê tăng, hồi phục từ mức giảm phiên trước đó do đồng real Brazil tăng và mùa đông đến tại Nam Bán cầu.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE tăng 2,65 US cent tương đương 2,4% lên 1,1165 USD/lb, sau khi giảm gần 2% trong phiên trước đó.

Trong khi đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE giảm 0,04 US cent tương đương 0,4% xuống 10,29 US cent/lb.

Giá đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm

Giá đậu tương tại Chicago tăng phiên thứ 2 liên tiếp lên mức cao nhất 2 tuần, do hoạt động mua vào của Trung Quốc đã hỗ trợ giá và các thương nhân chờ đợi báo cáo cung cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra vào tuần tới.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 6-1/4 US cent lên 8,5-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 8,56-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 23/4/2020. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 1 US cent. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 1/2 US cent xuống 5,22 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 5-1/2 US cent tương đương 1,1% và có tuần tăng đầu tiên kể từ ngày 10/4/2020. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 1-1/4 US cent lên 3,19-1/4 USD/bushel và có tuần tăng 1 US cent tương đương 0,3%.

Giá dầu cọ tăng

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 2% bởi kỳ vọng nhu cầu tăng do nới lỏng các hạn chế virus corona tại một số nước và tồn trữ tại nước sản xuất hàng đầu – Indonesia – suy giảm, song giá dầu cọ có tuần giảm mạnh.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 45 ringgit tương đương 2,3% lên 1.991 ringgit (462,92 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 4,6% bởi dự báo tồn trữ tại Malaysia tính đến cuối tháng 4/2020 tăng 10% so với tháng 3/2020, do đóng cửa toàn thế giới khiến nhu cầu dầu cọ suy giảm.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 9/5

Thị trường ngày 09/5: Giá dầu bật tăng 5%, vàng quay đầu giảm - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên