MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 10/4: Giá dầu quay đầu giảm hơn 9%, vàng bật tăng cao nhất 1 tháng

10-04-2020 - 08:16 AM | Thị trường

Chốt phiên giao dịch ngày 9/4, giá dầu giảm trở lại, khí tự nhiên giảm 3%, trong khi vàng cao nhất 1 tháng, đồng có tuần tăng giá mạnh nhất 14 tháng, cao su cao nhất 2,5 tuần, gạo Thái Lan cao nhất 7 năm, quặng sắt, thép, đường, đậu tương, lúa mì và dầu cọ đều tăng.

Giá dầu giảm trở lại

Giá dầu giảm trở lại sau khi tăng 10% trong đầu phiên giao dịch, do các nhà đầu tư hoài nghi về thỏa thuận cắt giảm nguồn cung giữa các thành viên OPEC và các đồng minh sẽ không giải quyết được sự suy giảm nhu cầu nhiên liệu toàn cầu bị tác động bởi đại dịch virus corona.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/4, dầu thô Brent giảm 1,36 USD tương đương 4,1% xuống 31,48 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 2,33 USD tương đương 9,3% xuống 22,76 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong tuần đối với cả 2 loại dầu.

Các nhà sản xuất dẫn đầu bởi Saudi Arabia và Nga đã đưa ra thỏa thuận để giải quyết tình trạng dư cung dầu ngày càng gia tăng, trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm 30%. Đại dịch ảnh hưởng đến nhu cầu dầu toàn cầu, ngay cả khi cắt giảm 10 triệu thùng/ngày trở lên cũng sẽ khiến hàng triệu thùng chịu áp lực giá giảm.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC+ cân nhắc mức kiềm chế từ 15 triệu đến 20 triệu thùng/ngày tương đương 15% đến 20% nguồn cung dầu toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ trường Dầu mỏ Iran cho biết việc cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày (bpd) chỉ trong tháng 5 và tháng 6/2020. Từ tháng 7 đến cuối năm 2020, việc cắt giảm này sẽ giảm xuống còn 8 triệu bpd và sau đó vào năm tới còn 6 triệu bpd. Việc cắt giảm 10 triệu bpd sẽ là mức cắt giảm sản lượng lớn nhất từng được OPEC đồng ý, song Nga khẳng định sẽ chỉ giảm sản lượng nếu Mỹ tham gia thỏa thuận.

Giá khí tự nhiên giảm 3%

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm khoảng 3% do tồn trữ lớn hơn so với dự kiến trước đó và nhu cầu suy giảm bởi virus corona bùng phát.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn New York giảm 5 US cent tương đương 2,8% xuống 1,733 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 7% sau khi giảm 1% trong tuần trước đó xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/1995.

Giá vàng cao nhất 1 tháng

Giá vàng tăng hơn 2,5% lên mức cao nhất 1 tháng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố gói kích thích lớn để chống lại tác động kinh tế bởi đại dịch virus corona.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 2,5% lên 1.686.85 USD/ounce, trước đó trong phiên đạt 1.690,03 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 9/3/2020. Tính chung cả tuần giá vàng tăng khoảng 4,2%. Vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 4,1% lên 1.752,8 USD/ounce.

Fed đã triển khai gói hỗ trợ trị giá 2,3 nghìn tỉ USD để củng cố chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ cho đến khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục hoàn toàn từ tác động của đại dịch.

Đồng có tuần tăng giá mạnh nhất 14 tháng

Giá đồng có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm sau các dấu hiệu cho thấy rằng, virus corona có thể chậm lại thúc đẩy giá các tài sản rủi ro.

Giá đồng trên sàn London tăng 0,2% lên 5.010 USD/tấn. Tính chung cả tuần giá đồng tăng 3,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019.

Nhóm các nhà phân tích theo điều tra của Reuters dự kiến giá đồng trung bình ở mức 4.700 USD/tấn trong quý 2/2020 và 5.200 USD/tấn trong cả năm và dự báo đồng dư thừa 337.000 tấn trong năm nay.

Trong khi các nhà phân tích thuộc ANZ dự báo nhu cầu đồng sẽ giảm gần 3,5% xuống dưới 23 triệu tấn trong năm nay và giá đồng sẽ ở mức trung bình dưới 5.000 USD/tấn trong thời gian còn lại của năm 2020.

Giá quặng sắt và thép đều tăng

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng do nhu cầu bổ sung dự trữ khi tồn trữ thép giảm trở lại trong tuần này, trong khi lợi nhuận của các nhà máy thép hồi phục có thể thúc đẩy giá mua quặng sắt.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 3,3% lên 598 CNY (84,64 USD)/tấn, sau khi tăng 3,8% trong đầu phiên giao dịch. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 3,9% lên 668 CNY/tấn, cao nhất trong 2 tuần.

Tồn trữ thép tại Trung Quốc trong tuần tính đến ngày 9/4/2020 giảm 4,6% so với tuần trước đó xuống 22,4 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 2,9% lên 3.322 CNY/tấn, trong phiên có lúc tăng 2,5% lên 3.306 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,9% lên 3.149 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 1,3% lên 12.295 CNY/tấn.

Giá cao su cao nhất 2,5 tuần

Giá cao su tại Tokyo tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất hơn 2,5 tuần, do giá dầu tăng cao và kỳ vọng đại dịch Covid-19 sắp đạt mức đỉnh điểm.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn TOCOM tăng 3,2 JPY lên 154,5 JPY (1,42 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 155,5 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 23/3/2020.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 90 CNY lên 10.100 CNY (1.430 USD)/tấn.

Giá đường tăng

Giá đường tăng gần 3% do lo ngại chuỗi cung ứng và triển vọng nhu cầu tích cực của Mỹ.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 0,06 US cent tương đương 0,6% lên 10,43 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 9,1 USD tương đương 2,7% lên 348,5 USD/tấn.

Giá cà phê tăng tại Indonesia, giảm tại New York và London

Hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam tạm nghỉ sau việc thực hiện "cách ly xã hội" trong vòng 15 ngày để chống lại virus corona, trong khi các thương nhân tại Indonesia chờ vụ thu hoạch mới vào tháng 5/2020.

Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 200-250 USD/tấn cách đây 1 tuần.

Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 1,2 US cent tương đương 1% xuống 1,186 USD/lb.

Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 11 USD tương đương 0,9% xuống 1.219 USD/tấn.

Ngô giảm, đậu tương và lúa mì đều tăng giá

Giá đậu tương và lúa mì tại Chicago đều tăng mạnh nhất trong 2 tuần, do đồng USD giảm khiến xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ hấp dẫn hơn so với Nam Mỹ và khu vực Biển Đen.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 9 US cent lên 8,63-1/2 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 1,1% - tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong 4 tuần. Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 1-3/4 US cent lên 3,31-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần giá ngô tăng 0,3%. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 8-1/4 US cent lên 5,56-1/2 USD/bushel. Tính chung cả tuần giá lúa mì tăng 1,3% - tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong 4 tuần.

Đồng USD giảm 3,2% so với đồng RUB đã thúc đẩy triển vọng xuất khẩu lúa mì của Mỹ, trong khi giá đậu tương được hưởng lợi do đồng real Brazil tăng 1% so với đồng USD.

Giá gạo Thái Lan cao nhất 7 năm

Hoạt động giao dịch tại trung tâm buôn bán gạo chính của châu Á diễn ra trầm lắng do virus corona bùng phát khiến Ấn Độ đóng cửa ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, Việt Nam ngừng xuất khẩu để đảm bảo đủ nguồn cung nội địa, trong khi giá gạo Thái Lan vẫn cao nhất 7 năm.

Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới do thiếu hụt lao động và gián đoạn hậu cần bởi việc đóng cửa 21 ngày, cản trở việc giao hàng các hợp đồng hiện tại.

Tại nước láng giềng – Bangladesh – chính phủ nước này đã ngừng xuất khẩu các loại gạo thông thường do giá thị trường nội địa tăng lên mức cao nhất 2 năm bởi hoạt động đẩy mạnh mua vào.

Tương tự tại Việt Nam đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới trong một nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa trong giai đoạn đại dịch.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng lên 555-580 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2013, so với 560-570 USD/tấn tuần trước đó do lo ngại thiếu hụt nguồn cung bởi hạn hán.

Giá dầu cọ tăng

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 4 liên tiếp, được hỗ trợ bởi giá dầu thô tăng mạnh và các loại dầu thực vật khác tăng, trong khi Malaysia quyết định sẽ duy trì lệnh đóng cửa đối với một số đồn điền, dấy lên mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 35 ringgit tương đương 1,48% lên 2.392 ringgit (550,52 USD)/tấn.

Sabah- bang sản xuất dầu cọ lớn nhất của Malaysia - sẽ tiếp tục đóng cửa các hoạt động sản xuất dầu cọ tại 6 quận, như là một phần của các biện pháp ngăn chặn virus corona.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 10/4

Thị trường ngày 10/4: Giá dầu quay đầu giảm hơn 9%, vàng bật tăng cao nhất 1 tháng - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên