MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 12/11: Giá vàng rơi xuống thấp nhất 3 tháng, dầu, sắt, thép đồng loạt mất giá

12-11-2019 - 07:31 AM | Thị trường

Giá các hàng hóa nguyên liệu, từ dầu tới vàng, đồng, sắt thép, cà phê… đều giảm trong phiên vừa qua bởi thị trường lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài hơn nữa. Số liệu kinh tế bi quan của Trung Quốc càng góp thêm sức ép giảm giá.

Dầu giảm

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch vừa qua do nghi ngờ về kết quả các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, mặc dù lượng tồn trữ dầu ở Mỹ giảm.

Dầu Brent mất 33 US cent còn 62,18 USD/thùng, đầu phiên có lúc chỉ 61,57 USD/thùng; dầu Tây Texas (Mỹ) giảm 38 US cent xuống 56,86 USD/thùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thứ 7 vừa qua thông báo rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang "rất thuận lợi" nhưng Mỹ sẽ chỉ ký thỏa thuận nếu điều đó có lợi cho Mỹ.

Nhiều nhà đầu tư chỉ đứng ngoài thị trường quan sát bởi lo ngại cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ kéo dài lâu hơn nữa, khiến nhu cầu dầu sụt giảm, trong khi nguồn cung có thể tăng lên vào năm 2020.

Một số yếu tố khác cũng gây áp lực giảm giá dầu: Tiêu thụ ô tô ở Trung Quốc tháng 10/2019 giảm 4% so với cùng tháng năm ngoái, là tháng thứ 16 liên tiếp giảm; Saudi Arabia đã tăng sản lượng dầu lên 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2019.

Mặc dù vậy, đà giảm của giá dầu được ngăn bớt bởi lượng tồn trữ dầu thô tại Cushing – điểm trung chuyển dầu WTI – giảm 1,2 triệu thùng trong tuần đến 8/11.

Vàng thấp nhất 3 tháng, bạch kim và palađi cũng giảm

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng do chứng khoán Mỹ tăng điểm lên sát mức cao kỷ lục, giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi những thông tin mới về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.456,98 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 5/8 vào lúc đầu phiên; vàng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,4% xuống 1.457,10 USD/ounce.

Chứng khoán Mỹ tăng lên sát mức cao kỷ lục như đã đạt được vào tuần trước khi nhà đầu tư đang có xu hướng tìm tới những tài sản có nhiều rủi ro nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, nhà phân tích kim loại của BMO, Tai Wong, vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng, cho rằng giá giảm trong phiên vừa qua là do yếu tố kỹ thuật bởi không chạm được mức cao 1.460 USD/ounce.

Trong nhóm kim loại quý, palađi giảm 3,2% xuống 1.686,93 USD/ounce, sau khi có lúc xuống mức thấp nhất kể từ 10/10 lúc đầu phiên, bạch kim giảm 1% xuống 877,43 USD/ounce sau khi có lúc cũng xuống thấp nhất kể từ 4/10. Chỉ riêng bạc tăng 0,3% lên 16,84 USD/ounce, mặc dù lúc đầu phiên cũng có lúc xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 8/2019.

Kim loại cơ bản đồng loạt giảm, chờ thông tin về đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc gây lo ngại triển vọng nhu cầu kim loại sẽ thấp, giữa lúc cuộc chiến thương mại chưa thấy hồi kết.

Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,8% xuống 5.878 USD/tấn, nhôm giao cùng kỳ hạn giảm 1,6% xuống 1.779 USD/tấn, chì giảm 0,8% xuống 2.090 USD/tấn và thiếc giảm 0,8% xuống 16.575 USD/tấn.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc – thước đo lợi nhuận của các doanh nghiệp nước này – tháng 10/2019 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm này nhiều nhất kể từ tháng 7/2016. Các khoản cho vay mới của các ngân hàng Trung Quốc cùng tháng giảm nhiều hơn dự kiến, xuống mức thấp nhất 22 tháng.

Nickel giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 tới nay, có lúc chỉ đạt 15.500 USD/tấn, và đã mất 15% kể từ đầu tháng 9. Kết thúc phiên vừa qua, nickel giảm 3,9% xuống 15.565 USD/tấn. Nguyên nhân bởi Indonesia – nước xuất khẩu nickel hàng đầu thế giới – thông báo cho phép 9 công ty được xuất khẩu nickel trở lại. Tuy nhiên, lượng nickel lưu tại các kho bãi của sàn LME hiện vẫn đang thấp nhất trong lịch sử - chỉ khoảng 65.000 tấn.

Sắt, thép giảm do nhu cầu yếu

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm tiếp xuống mức thấp nhất 2,5 tháng, là phiên thứ 4 liên tiếp đi xuống, do nhu cầu chậm lại giữa bối cảnh lĩnh vực sản xuất yếu đi và các nhà máy giảm nhu cầu mua dự trữ.

Trên sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 2,4% xuống 592 CNY (84,64 USD)/tấn, thấp nhất kể từ 29/8. Lúc đầu phiên, hợp đồng này có lúc giảm 3,1%.

Giá sản xuất của Trung Quốc tháng 10/2019 giảm nhiều nhất trong vòng hơn 3 năm do nhu cầu trong lĩnh vực chế tạo chậm lại và ảnh hưởng tiếp diễn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 1,1% xuống 3.373 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 1% xuống 3.321 CNY/tấn, thép không gỉ giảm 4,3% xuoongs 14.210 CNY/tấn.

Tồn trữ thép tại nước này tính đến 7/11 ở mức 8,9 triệu tấn, thấp nhất kể từ 11/1/2019, theo số liệu của MySteel. Các nhà máy thép Trung Quốc đang cố gắng giải phóng hết lượng thép tồn đọng trong kho trước khi kết thúc năm.

Đậu tương thấp nhất 1 tháng, ngô và lúa mì cũng giảm

Giá đậu tương trên sàn Chicago giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng do lo ngại Mỹ và Trung Quốc chưa thể sớm ký kết thỏa thuận thương mại. Kết thúc phiên vừa qua, giá đã giảm 14 US cent xuống 9,17 USD/bushel. Ngô và lúa mì cũng có chung xu hướng khi ngô giảm 4 US cent xuống 3,73-1/4 USD/bushel, còn lúa mì giảm 4-1/2 US cent xuống 5,05-3/4 USD/bushel.

Đường vững, cà phê giảm

Giá đường vững trong phiên vừa qua bởi dự báo nguồn cung sẽ khan hiếm, nhưng lại có thông tin khu vực Trung – Nam Brazil sản xuất đường nhiều hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 vững ở 12,57 US cent/lb, đường trắng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm nhẹ 0,6% xuống 332,9 USD/tấn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 8/11 dự báo sản lượng đường của nước này niên vụ 2019/20 có thể đạt 8,612 triệu tấn thiếu (tương đương 7,81 triệu tấn), so với 9,18 tấn thiếu dự báo hồi tháng trước.

Cà phê giảm giá trong phiên vừa qua. Cụ thể, arabica kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 3,45 US cent (0,7%) xuống 1,06 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 0,7% (9 USD) xuống 1,375 USD/tấn.

Cao su tăng ở Tokyo, giảm ở Thượng Hải

Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) kết thúc phiên vừa qua tăng mặc dù giá ở Thượng Hải giảm. Nguyên nhân bởi đang có nhiều thông tin trái chiều.

Hợp đồng kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn TOCOM tăng 1,2 JPY (0,01%) lên 178,5 JPY/kg; hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 110 CNY (15,7 USD) xuống 11.935 CNY/tấn.

Thị trường lại dấy lên nghi ngờ về triển vọng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa bối cảnh lo ngại nguồn cung dư thừa sẽ gây áp lực lên giá cao su, mặc dù ở các nước sản xuất chủ chốt đang có dịch bệnh trên cây cao su.

Khoai lang Trung Quốc giảm sản lượng

Trung Quốc đang giữa mùa thu hoạch khoai lang. Do mưa nhiều ở một số thời điểm nên sản lượng ở một số khu vực năm nay thấp hơn năm ngoái, chẳng hạn như ở Quảng Tây giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, tổng sản lượng khoai năm nay không giảm, chất lượng tốt hơn năm ngoái vì độ ngọt cao hơn.

Thu hoạch khoai lang ở Trung Quốc tập trung vào 2 giai đoạn: Khoai vụ sớm thu hoạch vào cuối tháng 7, khoai vụ muộn vào giữa tháng 10. Năm nay, vụ thu hoạch muộn đến chậm hơn do yếu tố thời tiết. Khoai thường bán nhiều từ lúc thu hoạch cho đến Tết, sau Tết nguồn cung sẽ giảm dần.

Thị trường ngày 12/11: Giá vàng rơi xuống thấp nhất 3 tháng, dầu, sắt, thép đồng loạt mất giá - Ảnh 1.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 12/11

Thị trường ngày 12/11: Giá vàng rơi xuống thấp nhất 3 tháng, dầu, sắt, thép đồng loạt mất giá - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên