MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 13/10: Giá dầu lao dốc gần 3%, vàng giảm

13-10-2020 - 08:00 AM | Thị trường

Chốt phiên giao dịch ngày 12/10, giá dầu giảm gần 3%, vàng giảm từ mức cao nhất 3 tuần, trong khi khí tự nhiên cao nhất 19 tháng, cao su cao nhất 6 tuần, quặng sắt, thép và lúa mì đồng loạt tăng.

Giá dầu giảm gần 3%

Giá dầu giảm gần 3% khi mỏ dầu lớn nhất Libya được mở lại, cuộc đình công tại Na Uy ảnh hưởng đến sản lượng kết thúc và các nhà sản xuất Mỹ bắt đầu khôi phục sản lượng sau cơn bão Delta.

Chốt phiên giao dịch ngày 12/10, dầu thô Brent giảm 1,13 USD tương đương 2,6% xuống 41,72 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,17 USD tương đương 2,9% xuống 39,43 USD/thùng.

Trong tuần trước, cả 2 loại dầu đều tăng hơn 9% - tuần tăng mạnh nhất đối với dầu Brent kể từ tháng 6/2020.

Libya – thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dự kiến sẽ tăng sản lượng lên 355.000 thùng/ngày (bpd) sau nguyên nhân bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara được dỡ bỏ. Sản lượng dầu tại Libya tăng sẽ là một thách thức đối với OPEC+ và những nỗ lực hạn chế nguồn cung để hỗ trợ giá.

Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực giảm bởi các trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng, làm gia tăng các hạn chế ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.

Giá khí tự nhiên cao nhất 19 tháng

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2019, sau khi lượng khí dẫn đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng, cùng với hoạt động trở lại tại Louisiana sau cơn bão Delta và Maryland sau hoạt động bảo trì.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn New York tăng 14 US cent tương đương 5,1% lên 2,881 USD/mmBTU, cao nhất kể từ tháng 3/2019.

Ngoài ra, giá khí tự nhiên tăng còn được hậu thuẫn bởi dự báo thời tiết lạnh hơn, nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới tăng và sản lượng khí chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018 do hầu hết các giếng dầu đều đóng cửa bởi cơn bão Delta.

Giá vàng giảm từ mức cao nhất 3 tuần

Giá vàng giảm từ mức cao nhất 3 tuần, do kỳ vọng gói cứu trợ virus corona của Mỹ không thỏa đáng làm giảm sức hấp dẫn đối với vàng, vốn được sử dụng làm công cụ chống lạm phát.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.923,56 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.932,96, cao nhất kể từ ngày 21/9/2020, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.928,9 USD/ounce.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 26%, được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích từ chính phủ và các ngân hàng trung ương toàn cầu, khi vàng được coi là công cụ chống nguy cơ lạm phát và tiền tệ suy yếu.

Giá quặng sắt và thép đều tăng

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng do kỳ vọng nhu cầu quặng sắt tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới sẽ vẫn tăng mạnh, song lo ngại nguồn cung suy giảm đã hạn chế đà tăng.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,4% lên 825 CNY (122,9 USD)/tấn, trong phiên trước đó giá quặng sắt tăng 3,8% khi các thương nhân Trung Quốc quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ.

Nhu cầu sau khi kỳ nghỉ lễ tăng đã thúc đẩy giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc tăng lên 125 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 15/9/2020, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây tăng 0,7%, giá thép cuộn cán nóng tăng 1,4% và giá thép không gỉ tăng 0,7%.

Giá cao su cao nhất 6 tuần

Giá cao su trên sàn Osaka tăng lên mức cao nhất 6 tuần, được hỗ trợ bởi lo ngại kéo dài về nguồn cung thắt chặt và giá cao su tại Thượng Hải tăng sau kỳ nghỉ lễ, khi các nhà đầu tư đặt cược về sự phục hồi kinh tế vững chắc tại nước tiêu thụ cao su hàng đầu – Trung Quốc.

Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn OSE tăng 3,8 JPY tương đương 2% lên 198,5 JPY (1,88 USD)/kg, trong đầu phiên giao dịch giá cao su đạt 199,3 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 31/8/2020.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 355 CNY lên 13.165 CNY (1.951 USD)/tấn, do số liệu tích cực về sự phục hồi du lịch và tiêu thụ trong tuần nghỉ lễ kéo dài tại Trung Quốc.

Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia dự kiến sản lượng cao su tự nhiên trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 sẽ giảm.

Giá cà phê giảm

Giá cà phê giảm do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra và đồng USD suy yếu.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE giảm 2,4 US cent tương đương 2,2% xuống 1,0915 USD/lb.

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London giảm 27 USD tương đương 2,1% xuống 1.233 USD/tấn.

Giá đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 0,39 US cent tương đương 2,7% xuống 13,84 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 7,5 tháng (14,55 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch.

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London giảm 2,3 USD tương đương 0,6% xuống 382,6 USD/tấn.

Giá đậu tương và ngô giảm, lúa mì tăng

Giá đậu tương tại Chicago giảm do vụ thu hoạch tại Mỹ bội thu.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 31-3/4 US cent xuống 10,33-3/4 USD/bushel, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 16/3/2020. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 6 US cent xuống 3,89 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 1/2 US cent lên 5,94-1/4 USD/bushel.

Giá dầu cọ tăng hơn 3%

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 3% lên mức cao nhất 3 tuần, do giá dầu trên sàn Đại Liên tăng và nhập khẩu của Ấn Độ tăng trước lễ hội Diwali vào tháng tới.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 93 ringgit tương đương 3,19% lên 3.004 ringgit (726,31 USD)/tấn, tăng phiên thứ 6 liên tiếp. Tuần trước, giá dầu cọ tăng tổng cộng 7,5% do mưa lớn và các hạn chế virus corona làm gia tăng lo ngại về sản lượng.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 13/10

Thị trường ngày 13/10: Giá dầu lao dốc gần 3%, vàng giảm - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên