MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 14/3: Giá dầu lên cao nhất kể từ tháng 11/2018, kẽm lập đỉnh 8 tháng

14-03-2019 - 08:08 AM | Thị trường

Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu và nhóm kim loại quý cùng kim loại công nghiệp tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, cao su quay đầu đi xuống. Đặc biệt, dầu cọ giảm phiên thứ 6 liên tiếp xuống thấp nhất 3 tháng.

Dầu tăng do dự trữ dầu thô Mỹ giảm

Thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm và việc hạ mức dự báo về tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ của nước sản xuất hàng đầu thế giới đã đẩy giá dầu thô đi lên trong phiên vừa qua.

Dầu Brent kết thúc phiên ở mức 67,55 USD/thùng (tăng 88 UScent tương đương 1,32%) trong khi dầu thô Mỹ chốt ở 58,26 USD/thùng (tăng 1,39 UScent tương đương 2,44%). Cả 2 hợp đồng chuẩn này đều đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.

Dự trữ dầu thô Mỹ tuần qua sụt giảm do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng. Cơ quan thông tin năng lượng (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nước này đã giảm 3,9 triệu thùng, trái với dự đoán là tăng 2,7 triệu thùng.

Thông tin từ EIA cũng cho biết sản lượng dầu thô Mỹ giảm từ mức cao kỷ lục, giảm 100.000 thùng mỗi ngày xuống 12 triệu thùng/ngày trong tuần vừa qua.

Trong khi đó, tình trạng mất điện trên diện rộng ở Venezuela tiếp tục ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu của quốc gia này, trong bối cảnh xuất khẩu của họ vốn đã bị giảm bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này khiến cho nguồn cung trên thị trường càng thêm khan hiếm.

Chủ tịch Lipow Oil Associates ở Houston, ông Andrew Lipow dự báo "Giá dầu WTI ẽ đạt 60 USD/thùng trong 2 tuần tới vì dự trữ của Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi thiếu dầu nhập khẩu từ Venezuela".

Vàng bạc tăng giá

Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 2 tuần do những số liệu kinh tế Mỹ vừa công bố và nghi ngờ việc Anh nước đạt được sự đồng thuận trong việc rời khỏi Liên minh Châu Âu. Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng đang hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.308,83 USD/ounce, cao nhất kể từ 1/3/2019; vàng kỳ hạn tăng 0,9% lên 1.309,3 USD/ounce. Các kim loại quý khác cũng đồng loạt đi lên. Palađi tăng 0,9% lên 1.555,01 USD/ounce, bạch kim tăng 0,1% lên 838 USD/ounce, còn bạc tăng 0,1% lên 15,46 USD/ounce.

Số liệu về PPI của Mỹ thấp hơn dự đoán. Giá sản xuất tại Mỹ chỉ tăng 1,9% trong tháng 2/2019 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 6/2017.

Trong khi đó, nước Anh đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị khi lần bỏ phiếu thứ 2 về Brexit vẫn không đạt được sự đồng thuận và nỗ lực Thủ tướng Theresa May một lần nữa thất bại.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại sẽ xảy ra một đợt bán vàng kiếm lời sau khi giá vượt 1.300 USD/ounce.

Kẽm lập đỉnh 8 tháng, nhôm cũng tăng

Giá kẽm tiếp tục hướng lên để đạt mức cao nhất 8 tháng trong phiên vừa qua do lượng kẽm lưu kho của sàn London (LME) giảm (hiện là 58.950 tấn, thấp nhất kể từ tháng 10/2007) gây lo ngại mức thiếu cung sẽ tăng lên.

Kẽm hợp đồng tham chiếu giá tăng 0,4% lên 2.848 USD/tấn vào cuối phiên, trước đó có lúc đạt 2.848,5 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 7/2018. Mức cộng hợp đồng kẽm giao ngay so với hợp đồng 3 tháng đã lên tới 52 USD/tấn, cao nhất kể từ 8/1/2019.

Kẽm đã trở thành kim loại tăng giá nhiều thứ 2 trong năm nay, với mức tăng 15%, sau khi giảm 26% trong năm 2018.

Nhôm cũng tăng giá 1,8% trong phiên vừa qua, lên 1.906 USD/tấn sau khi hãng Norsk Hydro của Nauy thông báo sản lượng tại nhà máy Neuss của họ ở Đức chắc chắn sẽ giảm 10.000 – 20.000 tấn do một sự cố.

Thép tăng tiếp

Giá thép cây tại Trung Quốc tiếp tục tăng bởi nhu cầu thép xây dựng mạnh lên. Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 1,6% lên 3.842 CNY (572,55 USD)/tấn trước khi kết thúc phiên ở mức 3.790 CNY (tăng 0,2%). Thép cuộn cán nóng cũng tăng 1,1% lên 3.793 CNY, nhưng không giữ được giá đó đến lúc đóng cửa, và kết thúc phiên giảm nhẹ 0,5% xuống 3.731 CNY/tấn.

Quặng sắt cũng tương tự như thép cuộn cán nóng, trong phiên có lúc tăng mạnh 1,7% lên 616 CNY/tấn, nhưng lúc đóng cửa giảm 0,3% xuống 603,5 CNY/tấn. Mặt hàng này ngày 12/2/2019 đã lên tới 657,5 CNY sau vụ vỡ đập chứa chất thải của Vale, nhưng từ đó lên xuống thất thường.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica tăng 1,65 UScent tương đương 1,7% lên 97,65 UScent/lb (từ mức thấp nhất 13 năm ở phiên trước đó). Tuy nhiên, robusta vẫn giảm 7 USD tương đương 0,5% xuống 1.518 USD/tấn.

Mặc dù hồi phục song việc đồng real Brazil giảm so với USD sau khi số liệu từ Brazil cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 1/2019 giảm nhiều hơn dự đoán đã cản trở đà đi lên của arabica.

Đường tăng

Đường thô tăng 0,03 UScent tương đương 0,2% lên 12,36 UScent/lb. Tuy nhiên, xu hướng tăng khó duy trì bền vững khi sản lượng ở khu vực Trung Nam Brazil (trong vụ bắt đầu từ tháng 4/2019) được Datagro dự báo sẽ đạt 29,7 triệu tấn, nhiều hơn mức 26,4 triệu tấn dự báo hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong khi đó tại Pháp, Chính phủ yêu cầu hãng sản xuất đường của Đức là Suedzucker xem xét lại các kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động tại 3 cơ sở sản xuất của hãng ở nước Pháp, cho rằng Suedzucker không thể bắt công nhân Pháp phải gánh hậu quả của việc hãng này tái cấu trúc sau khi làm ăn thua lỗ.

Cao su giảm

Giá cao su trên sàn Tokyo – tham chiếu cho toàn thị trường Châu Á – tăng vào đầu phiên nhưng nhanh chóng giảm sau đó do chứng khoán Châu Á và cao su Thượng Hải giảm giá.

Cuộc bỏ phiếu ở Anh về kế hoạch "ly hôn" Liên minh Châu Âu thất bại lần 2 gây lo ngại nhu cầu sụt giảm càng tăng áp lực lên thị trường này.

Kết thúc phiên vừa qua, cao su giao tháng 8/2019 trên sàn Tokyo giảm 2,1 JPY tương đương 1,1% xuống 197,1 JPY (1,8 USD)/kg, mặc dù đầu phiên có lúc đạt 201,2 JPY.

Trên sàn Thượng Hải, cao su giao tháng 5/2019 giảm 185 CNY xuống 12.005 CNY (1.789 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống chỉ 11.970 CNY (thấp nhất 3 tuần).

Dầu cọ thấp nhất 3 tháng

Giá dầu cọ Malaysia giảm phiên thứ 6 liên tiếp do dự báo nhu cầu từ Ấn Độ - nước nhập khẩu hàng đầu thế giới – sẽ sụt giảm và sản lượng của nước này tăng lên.

Trên sàn Bursa (Malaysia), hợp đồng tham chiếu - giao sau 3 tháng – giảm 1,3% xuống 2.089 ringgit/tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái.

Nhu cầu dầu cọ toàn cầu ở niên vụ 2019/20 được dự báo là có thể sụt giảm lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ do nguồn cung hạt có dầu nội địa tại Ấn Độ gia tăng và nhu cầu từ Châu Âu và Trung Quốc chậm lại.

Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới

Vốn là nhà sản xuất đất hiếm số 1 thế giới, năm 2018 Trung Quốc cũng giành cả vị trí nước nhập khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới.

Năm vừa qua, Trung Quốc tăng xuất khẩu đất hiếm thêm 4% so với năm trước đó, lên 53.000 tấn, và đồng thời cũng đứng đầu về nhập khẩu mặt hàng này với 41.400 tấn (tăng 167% so với năm 2017), do chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn việc sản xuất bất hợp pháp mặt hàng này. So với trước 2015, nhập khẩu trong năm vừa qua đã tăng gấp 10 lần.

Ai Cập nỗ lực giảm nhập khẩu gạo

Bộ Nông nghiệp Ai Cập ngày 13/3/2019 thông báo sẽ trồng 1,1 triệu acres (1 acre = 4046,86 m2) lúa trong năm 2019, tăng so với 800.000 acres năm 2018, nhằm giảm nhập khẩu gạo trong thời gian tới.

Từ một nước thường dư thừa gạo, năm 2018 Ai Cập bắt đầu phải nhập khẩu do chính sách tiết kiệm nguồn nước.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng nay

Thị trường ngày 14/3: Giá dầu lên cao nhất kể từ tháng 11/2018, kẽm lập đỉnh 8 tháng - Ảnh 1.

Theo Trí thức trẻ

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên