Thị trường ngày 14/5: Giá dầu quay đầu giảm 3%, quặng sắt giảm gần 10%, vàng tăng trở lại
Ảnh minh họa.
Chốt phiên giao dịch ngày 13/5, giá dầu giảm 3%, quặng sắt giảm gần 10%, đồng, thép, cao su, đường… đồng loạt giảm, trong khi vàng tăng trở lại, khí tự nhiên vẫn cao nhất 11 tuần.
- 12-05-2021Thị trường ngày 12/5: Giá thép tăng cao kỷ lục, dầu, đồng, quặng sắt... đồng loạt tăng mạnh
- 11-05-2021Thị trường ngày 11/5: Giá vàng cao nhất gần 3 tháng, dầu, quặng sắt, thép… đồng loạt tăng
- 08-05-2021Thị trường ngày 8/5: Giá dầu và vàng tăng; đồng đạt đỉnh lịch sử; ngũ cốc đồng loạt tăng
Giá dầu giảm 3%
Giá dầu giảm 3% khi cuộc khủng hoảng virus corona tại Ấn Độ ngày càng trầm trọng và đường ống dẫn nhiên liệu quan trọng của Mỹ nối lại hoạt động, khiến giá dầu rời khỏi mức cao nhất 8 tuần sau dự báo nhu cầu dầu hồi phục vào cuối năm.
Chốt phiên giao dịch ngày 13/5, dầu thô Brent giảm 2,27 USD tương đương 3,3% xuống 67,05 USD/thùng, sau khi tăng 1% trong phiên trước đó và dầu thô Tây Texas WTI giảm 2,26 USD tương đương 3,4% xuống 63,82 USD/thùng, trong phiên trước đó tăng 1,2%. Cả hai loại dầu đều có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 4/2021.
Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm bởi giá hàng hóa tăng mạnh, thiếu hụt lao động và giá tiêu dùng trong tuần này tăng mạnh hơn so với dự kiến, dấy lên mối lo ngại lạm phát có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất. Lãi suất tăng thường thúc đẩy đồng USD tăng và gây áp lực đối với giá dầu, khiến dầu thô trở lên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá khí tự nhiên vẫn cao nhất 11 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ vẫn cao nhất 11 tuần do tồn trữ thấp hơn so với dự kiến và dự báo nhu cầu từ các nhà máy phát điện trong tuần này tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 0,4 US cent lên 2,973 USD/mmBTU – mức cao nhất kể từ ngày 19/2/2021- phiên thứ 2 liên tiếp.
Giá khí tự nhiên duy trì ổn định bất chấp xuất khẩu trong tuần này giảm, sản lượng giảm, dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu trong tuần tới thấp hơn so với dự kiến.
Giá vàng tăng, palađi thấp nhất 3 tuần
Giá vàng tăng từ mức thấp nhất 1 tuần trong đầu phiên giao dịch, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm đã củng cố sức hấp dẫn của vàng như là công cụ phòng ngừa lạm phát.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,5% lên 1.824,89 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.808,44 USD/ounce – thấp nhất kể từ ngày 6/5/2021 và vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.824 USD/ounce.
Giá vàng tăng sau số liệu cho thấy rằng, giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4/2021 tăng mạnh nhất trong gần 12 năm, điều này làm gia tăng lo ngại về lạm phát và lãi suất có thể tăng. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp đến khi nền kinh tế đạt mức toàn dụng lao động, lạm phát chạm mức 2% và duy trì đà vượt quá mức đó trong một thời gian.
Ngoài ra, giá palađi tăng 0,1% lên 2.859,13 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất 3 tuần sau khi nhà sản xuất kim loại lớn nhất thế giới – Nornickel, Nga – cho biết, một trong hai mỏ khai thác bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong năm nay đã hoạt động trở lại.
Giá đồng giảm
Giá đồng giảm do đồng USD tăng, số liệu cho vay từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – suy giảm và mối lo ngại chính quyền Trung Quốc có thể kiềm chế giá hàng hóa, gây ra tình trạng bán tháo.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,9% xuống 10.350 CNY/tấn. Trong đầu tuần này, giá đồng đạt mức cao kỷ lục (10.747,5 USD/tấn).
Giá quặng sắt giảm gần 10%, thép giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm 9,5%, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục trong vài ngày qua.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 7,5% xuống 1.217 CNY (188,66 USD)/tấn, sau khi chạm 1.190 CNY/tấn trong đầu phiên giao dịch và rời khỏi chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp.
Tuy nhiên, tính từ đầu tháng đến nay giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 23% tương đương 248,5 CNY/tấn, do lo ngại các hạn chế sản xuất thép, nhu cầu mùa vụ cao điểm và lo ngại lạm phát thúc đẩy hoạt động mua đầu cơ.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 2,9% xuống 5.915 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 2,5% xuống 6.438 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 giảm 2% xuống 15.260 CNY/tấn.
Hội đồng nhà nước Trung Quốc cho biết, sẽ tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và các chính sách khác, để duy trì hoạt động kinh tế ổn định và đối phó với tình trạng giá hàng hóa tăng nhanh mà không đưa ra các biện pháp chi tiết.
Giá cao su giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, sau một khảo sát chính thức cho thấy niềm tin trong lĩnh vực dịch vụ tháng 4/2021 của nước này giảm mạnh nhất trong 1 năm, ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa như cao su.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Osaka giảm 1 JPY tương đương 0,4% xuống 252 JPY/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 3,2% xuống 13.715 CNY/tấn, trong khi giá các hàng hóa khác bao gồm đồng tăng 1,6%.
Giá cà phê không thay đổi tại Việt Nam, giảm tại New York và London
Hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam tiếp tục trầm lắng, do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu yếu, trong khi thị trường Indonesia không có giao dịch do nghỉ lễ.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 55 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 32.600-33.900 VND (1,41-1,47 USD)/kg, giảm so với mức giá 34.000-34.700 VND/kg cách đây 1 tuần.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 4/2021 giảm 22,1% so với tháng trước đó xuống 132.111 tấn. Tính chung, trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 584.981 tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,1 tỉ USD.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 0,1 US cent tương đương 0,1% xuống 1,464 USD/lb.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 19 USD tương đương 1,3% xuống 1.495 USD/tấn.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Colombia – nước sản xuất cà phê Arabica lớn thứ 2 thế giới – đã ngừng xuất khẩu hơn 500.000 bao (60 kg) cà phê.
Honduras – thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất Trung Mỹ - cắt giảm dự báo xuất khẩu cà phê thêm hơn 8,3%.
Giá đường giảm 4%
Giá đường thô giảm 4%, thoái lui từ mức cao nhất 2,5 tháng trong phiên trước đó, do hoạt động bán ra chốt lời.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,73 US cent tương đương 4,1% xuống 17,11 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 16,3 USD tương đương 3,5% xuống 455,5 USD/tấn.
Giá ngô, đậu tương và lúa mì đều giảm
Giá ngô tại Mỹ giảm hơn 5% do hoạt động bán ra chốt lời sau khi tăng lên mức cao nhất nhiều năm và Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tồn trữ ngô nội địa cao hơn so với dự kiến.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 40 US cent xuống 6,74-3/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 58-1/2 US cent xuống 15,84 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 28-1/4 US cent xuống 7,01-1/2 USD/bushel.
Giá gạo giảm tại Ấn Độ và Thái Lan, không thay đổi tại Việt Nam
Giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ giảm tuần thứ 7 liên tiếp, do nguồn cung được thúc đẩy bởi chính phủ giải phóng kho dự trữ để giúp người nghèo nước này đang đối mặt với đợt Covid-19 gia tăng.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm giảm xuống 370-374 USD/tấn, so với mức 371-376 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam không thay đổi so với mức 490-495 USD/tấn cách đây 1 tuần, do nguồn cung thấp.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1,97 triệu tấn, song xuất khẩu trong tháng 4/2021 tăng 45,1% so với tháng trước đó.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 465-473 USD/tấn – thấp nhất hơn 6 tháng, so với 475-485 USD/tấn tuần trước đó, do nhu cầu nước ngoài suy giảm, trong khi không có mối lo ngại về nguồn cung.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 14/5