MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 14/8: Giá vàng và các hàng hóa khác đồng loạt tăng cao, dầu quay đầu giảm

14-08-2020 - 09:15 AM | Thị trường

Chốt phiên giao dịch ngày 13/8, giá dầu và đồng giảm trở lại, trong khi vàng, thép không gỉ, quặng sắt, cao su, ngô, lúa mì và đậu tương đồng loạt tăng, đường cao nhất 5 tháng, gạo Việt Nam cao nhất 8 năm.

Giá dầu giảm trở lại

Giá dầu giảm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) giảm dự báo nhu cầu dầu năm 2020 do các hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn virus corona, song thị trường chứng khoán phục hồi và đồng USD suy yếu đã hạn chế đà suy giảm.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/8, dầu thô Brent giảm 47 US cent tương đương 1% xuống 44,96 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 43 US cent tương đương 1% xuống 42,24 USD/thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo nhu cầu dầu năm 2020 và cho biết du lịch hàng không giảm do đại dịch sẽ khiến tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay giảm 8,1 triệu thùng/ngày (bpd).

Đồng thời, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 9,06 triệu bpd, cao hơn so với mức giảm 8,95 triệu bpd dự báo tháng trước đó.

Giá dầu hồi phục kể từ giữa tháng 6/2020, với dầu Brent dao động trong khoảng 40-46 USD/thùng và dầu WTI dao động 37-43 USD/thùng.

Giá khí tự nhiên tăng

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng do dự báo thời tiết vẫn nóng và nhu cầu điều hòa trong 2 tuần tới tăng cao, trong khi sản lượng giảm và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn New York tăng 3 US cent tương đương 1,4% lên 2,182 USD/mmBTU.

Giá vàng tiếp đà tăng

Giá vàng tăng gần 2%, hồi phục từ mức thấp nhất gần 3 tuần trong phiên trước đó, do đồng USD giảm và thị trường lao động Mỹ hồi phục chậm lại đã củng cố nền kinh tế suy yếu từ đại dịch virus corona.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,9% lên 1.954,37 USD/ounce, sau khi giảm xuống dước mức 1.900 USD/ounce trong ngày12/8/2020. Vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York tăng 1,1% lên 1.970,4 USD/ounce.

Số người thất nghiệp tại Mỹ trong tuần trước giảm xuống dưới 1 triệu lao động – lần đầu tiên – kể từ khi đại dịch, song có ít nhất 28 triệu người vẫn nhận được tiền lương thất nghiệp, cho thấy thị trường lao động suy yếu.

Đồng USD giảm 0,2% so với các đồng tiền chủ chốt khác, xuống mức thấp nhất trong gần 1 tuần đã thúc đẩy nhu cầu mua vàng, khi Washington tiếp tục bế tắc về gói kích thích bổ sung.

Giá đồng giảm

Giá đồng giảm do lo ngại nguồn cung từ Nam Mỹ và nhu cầu mùa vụ tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – suy yếu.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,6% xuống 6.262 USD/tấn.

Giá đồng cũng chịu áp lực giảm bởi căng thẳng Mỹ - Trung trước cuộc họp quan trọng vào cuối tuần giữa các quan chức thương mại của cả 2 nước.

Covid-29 làm gián đoạn nguồn cung tại nước sản xuất hàng đầu – Chile – và lũ lụt tại Trung Quốc đã đẩy giá đồng lên mức cao nhất 2 năm trong tháng 7/2020. Tuy nhiên các công ty khai thác tại Nam Mỹ đã thúc đẩy sản xuất, trong khi nước láng giềng – Peru- cũng khởi động lại hoạt động sản xuất sau các hạn chế virus corona.

Giá thép không gỉ và quặng sắt đều tăng

Giá thép không gỉ tại Trung Quốc tăng, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng và giá nguyên liệu tăng mạnh.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 0,9% lên 14.135 CNY (2.035,72 USD)/tấn, sau khi tăng 1,9% trong đầu phiên giao dịch. Trong khi đó, giá thép cây giảm 0,1% xuống 3.791 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 3.916 CNY/tấn.

Tồn trữ 5 sản phẩm thép chủ yếu tại Trung Quốc tính đến tuần kết thúc ngảy 13/8/2020 giảm 1,2% so với tuần trước đó xuống 15,4 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết. Trong khi đó, nhu cầu các sản phẩm thép trong tuần kết thúc ngày 7/8/2020 giảm 1,2% do sản lượng và tồn trữ tại các nhà máy thép tăng.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 0,9% lên 927 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc không thay đổi ở mức 118,5 USD/tấn.

Giá cao su tại Osaka tăng

Giá cao su tại Osaka tăng do chỉ số Nikkei của Nhật Bản và chỉ số S&P 500 của chứng khoán phố Wall tăng, thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục.

Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn OSE tăng 2,3 JPY tương đương 1,3% lên 173,3 JPY (1,62 USD)/kg.

Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 30 CNY xuống 12.275 CNY (1.768 USD)/tấn.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn SICOM tăng 0,3% lên 128,7 US cent/kg.

Ivory Coast xuất khẩu 475.077 tấn cao su tự nhiên trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá đường cao nhất 5 tháng

Giá đường tăng lên mức cao nhất 5 tháng do hoạt động thúc đẩy mua vào.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE tăng 0,27 US cent tương đương 2,1% lên 13,11 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 6/3/2020.

Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 5,3 USD tương đương 1,4% lên 380,5 USD/tấn.

Giá đường được hỗ trợ bởi triển vọng sản lượng tại Thái Lan và Nga niên vụ 2020/21 giảm và nhu cầu từ Pakistan và Trung Quốc tăng.

Công ty môi giới và phân tích Czarnikow cho biết, sản lượng đường của Nga sẽ giảm 25% do ảnh hưởng của đợt nắng nóng tại các khu vực trồng củ cải đường.

Giá cà phê không thay đổi tại Việt Nam và Indonesia, tăng tại New York và London

Giá cà phê tại Việt Nam duy trì ổn định khi hoạt động giao dịch bị ảnh hưởng bởi tồn trữ thấp và các hạn chế virus corona tại một số khu vực trồng cà phê trọng điểm.

Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 80 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 70 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá dao động 33.000-33.500 VND (1,42-1,45 USD)/kg, không thay đổi so với mức giá cách đây 1 tuần.

Việt Nam đã xuất khẩu 110.028 tấn tương đương 1,83 triệu bao (60 kg) cà phê trong tháng 7/2020, giảm 13,8% so với tháng 6/2020.

Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 180-190 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn London, không thay đổi so với mức giá cách đây 1 tuần.

Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 3,85 US cent tương đương 3,4% lên 1,181 USD/lb, tăng trở lại mức cao nhất 4,5 tháng (1,289 USD/lb) trong tuần trước đó.

Tại London, giá cà phê robusta tăng 40 USD tương đương 3% lên 1.380 USD/tấn.

Giá đậu tương, ngô và lúa mì tăng

Giá ngô tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 4 tuần do dự báo thời tiết ấm hơn và lo ngại về thiệt hại bởi cơn bão gần đây tại khu vực trung tây Mỹ, làm lu mờ dự báo vụ thu hoạch bội thu của chính phủ.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 3,4% lên 3,38-3/4 USD/bushel, trong đầu phiên giao dịch tăng lên 3,4-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 17/7/2020. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 1,8% lên 8,99-1/2 USD/bushel, trong đầu phiên giao dịch tăng lên 9,01-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 27/7/2020. Đồng thời, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 0,8% lên 4,96-3/4 USD/bushel.

Giá gạo Việt Nam cao nhất 8 năm, tại Ấn Độ và Thái Lan tăng

Giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011, do nguồn cung giảm bởi các hạn chế virus corona tại các trung tâm hàng đầu bao gồm Ấn Độ và Thái Lan.

Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam tăng lên 480-490 USD/tấn so với 470 USD/tấn tuần trước đó.

Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm tăng lên 382-387 USD/tấn, so với 380-385 USD/tấn cách đây 1 tuần.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng lên 465-500 USD/tấn, so với 463-485 USD/tấn tuần trước đó, do đồng baht Thái Lan tăng mạnh.

Giá dầu cọ tăng

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 2 liên tiếp do các loại dầu thực vật khác tăng, trong khi sản lượng của Indonesia giảm cũng hỗ trợ giá.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 42 ringgit tương đương 1,56% lên 2.730 ringgit (651,63 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 14/8

Thị trường ngày 14/8: Giá vàng và các hàng hóa khác đồng loạt tăng cao, dầu quay đầu giảm - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên