MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 17/5: Giá dầu vẫn tăng mạnh, quặng sắt cao nhất kể từ năm 2013

17-05-2019 - 07:23 AM | Thị trường

Chốt phiên giao dịch đêm qua 16/5, giá dầu tăng mạnh, khí tự nhiên tăng, nhôm cao nhất 2 tuần, quặng sắt cao nhất kể từ năm 2013, cao su cao nhất 1 tuần, ngô cao nhất 7 tuần, trong khi vàng giảm mạnh nhất 1 tháng, gạo Ấn Độ thấp nhất 7 tháng.


Dầu tăng hơn 1%

Giá dầu tăng hơn 1% do căng thẳng Trung Đông gia tăng, khi mà liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng phiến quân nổi dậy Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen. Động thái này diễn ra sau khi Houthi thừa nhận đã tiến hành vụ tấn công 2 trạm bơm dầu của Saudi bằng máy bay không người lái.

Chốt phiên giao dịch đêm qua, dầu thô Brent tăng 85 US cent tương đương 1,18% lên 72,62 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất 3 tuần. Giá dầu thô Tây Texas WTI tăng 81 US cent tương đương 1,37% lên 62,87 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất 2 tuần.

OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới trong năm nay sẽ cao hơn so với dự kiến.

Khí tự nhiên tăng

Khí tự nhiên tại Mỹ tăng do sản lượng giảm bất chấp dự trữ cao hơn bình thường vào tuần trước.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn New York tăng 3,8 US cent tương đương 1,5% lên 2,639 USD/mBTU.

Vàng giảm mạnh nhất 1 tháng

Vàng có ngày giảm mạnh nhất trong 1 tháng, do đồng USD tăng và các nhà đầu tư lựa chọn tài sản rủi ro hơn nhờ vào số liệu kinh tế Mỹ mạnh, ngay cả khi lo ngại thương mại Mỹ - Trung kéo dài.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) giảm 0,8% xuống 1.285,63 USD/ounce, ngày giảm mạnh nhất kể từ ngày 16/4/2019. Vàng kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn New York giảm 0,9% xuống 1.286,2 USD/ounce.

Chiến lược gia thị trường Alex Turro thuộc RJO Futures cho biết: "Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục cùng với đồng USD tăng mạnh, khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với vàng".

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng do lạc quan về thu nhập cũng như số liệu kinh tế mạnh. Trong khi đó, chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất trong gần 2 tuần so với giỏ tiền tệ chủ chốt.

Quặng sắt cao nhất kể từ năm 2013

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong khi dự trữ thấp.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên tăng 4,8% lên 680,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc tăng 5,5% lên 685 CNY (99,63 USD)/tấn, cao nhất kể từ năm 2013.

Đồng thời, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 1,8% lên 3.742 CNY/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất 5 tuần hồi đầu tuần này do lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,2% lên 3.652 CNY/tấn.

Nhôm cao nhất 2 tuần

Giá nhôm tăng cao nhất 2 tuần sau thông tin đóng cửa sản xuất tại một trong số cơ sở luyện kim lớn nhất của Trung Quốc, dấy lên mối lo ngại về nguồn cung từ nước sản xuất hàng đầu này.

Giá nhôm kỳ hạn trên sàn London tăng 0,3% lên 1.860 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.871 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 3/5/2019.

Giá nhôm kỳ hạn trên sàn Thượng Hải đạt 14.395 CNY/tấn, cao nhất 7 tháng.

Trung Quốc là nước tiêu thụ và sản xuất nhôm lớn nhất thế giới chiếm 57% sản lượng toàn cầu, ước đạt hơn 64 triệu tấn trong năm 2018.

Cao su cao nhất 1 tuần

Giá cao su tại Tokyo tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần, khi các nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động mua vào do kỳ vọng việc hạn chế xuất khẩu bởi nước sản xuất cao su hàng đầu – Thái Lan – trong tuần tới sẽ khiến nguồn cung thắt chặt.

Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn TOCOM tăng 7,1 JPY tương đương 3,8% lên 193,1 JPY/kg, ngày tăng mạnh nhất kể từ ngày 25/2/2019. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn TOCOM tăng 4,1% lên 165,6 JPY/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 605 CNY lên 12.250 CNY (1.781 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 12.255 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 12/3/2019.

Thái Lan sẽ cắt giảm xuất khẩu cao su thêm 126.240 tấn trong 4 tháng sau khi hoãn thực hiện thỏa thuận cắt giảm nguồn cung với các nước sản xuất khác trong khu vực, Cơ quan cao su nhà nước Thái Lan cho biết.

Cà phê và đường đều giảm

Giá cà phê giảm phiên thứ 2 liên tiếp, trong khi giá đường cũng giảm.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn ICE giảm 40 USD tương đương 2,9% xuống 1.335 USD/tấn. Giá cà phê Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE tăng 0,35 US cent tương đương 0,4% lên 91,65 US cent/lb.

Đồng thời, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn ICE giảm 0,07 US cent tương đương 0,6% xuống 11,78 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn ICE giảm 1 USD tương đương 0,3% xuống 325,6 USD/tấn.

Ngô cao nhất 7 tuần

Giá ngô tăng phiên thứ 4 liên tiếp do dự báo thời tiết xấu ảnh hưởng đến tiến độ trồng trọt tại khu vực Trung Tây Mỹ, khiến các quỹ hàng hóa đẩy mạnh mua vào.

Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 9-1/2 US cent lên 3,79 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 3,8-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 29/3/2019.

Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 18-1/4 US cent lên 4,67 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 4,68-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 12/4/2019 và giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 4-1/4 US cent lên 8,39-3/4 USD/bushel.

Dầu cọ cao nhất 2 tuần

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên cao nhất 2 tuần do nhu cầu tăng mạnh và theo xu hướng giá dầu đậu tương tại Chicago tăng.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,4% lên 2.073 ringgit (498,68 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.075 ringgit/tấn, cao nhất kể từ ngày 2/5/2019. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu cọ tăng 4,5%, tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần.

Gạo Ấn Độ thấp nhất 7 tháng

Giá xuất khẩu gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu - Ấn Độ - giảm xuống mức thấp nhất gần 7 tháng do nhu cầu tiếp tục suy giảm, trong khi giá gạo Việt Nam giảm do dự kiến dự trữ tăng sau vụ thu hoạch hè thu.

Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm ở mức 362-365 USD/tấn, giảm so với 371-374 USD/tấn trong phiên trước đó, phiên giảm thứ 6 liên tiếp và chịu áp lực do đồng rupee mất giá.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giảm xuống 355 USD/tấn, so với 365 USD/tấn phiên trước đó do dự kiến dự trữ cuối vụ sẽ tăng khi vụ thu hoạch hè thu bắt đầu vào cuối tháng này.

Quan chức cấp cao thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: "Xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay dự báo sẽ không thay đổi so với năm ngoái, song sẽ giảm dần do diện tích trồng lúa gạo được thu hẹp để nhường chỗ cho trồng cây ăn quả".

Tại Thái Lan, gạo 5% tấm không thay đổi ở mức 385-400 USD/tấn FOB Bangkok. Các thương nhân Thái Lan cho biết, hiện tại gạo Thái Lan có mức giá cao hơn gạo Việt Nam và Ấn Độ, song cũng mất khả năng cạnh tranh do đồng baht Thái Lan là đồng tiền mạnh nhất tại Châu Á trong năm nay. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Thái Lan dự báo, nước này sẽ xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm so với 11 triệu tấn năm ngoái do đồng baht tăng mạnh.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 17/05

Thị trường ngày 17/5: Giá dầu vẫn tăng mạnh, quặng sắt cao nhất kể từ năm 2013 - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên