Thị trường ngày 20/10: Giá dầu, vàng, đồng, quặng sắt tiếp đà tăng, cao su giảm do chốt lời
Kết thúc phiên giao dịch 19/10, lo ngại về xung đột ở Trung Đông leo thang khiến giá dầu, vàng tiếp tục tăng, đồng, quặng sắt tăng do lạc quan về kích thích kinh tế của Trung Quốc.
- 19-10-2023Thị trường ngày 19/10: Giá dầu tăng tiếp khoảng 2%, vàng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng
- 18-10-2023Thị trường ngày 18/10: Giá dầu, vàng, đồng, quặng sắt đồng loạt tăng, cao su cao nhất 16 tháng
- 17-10-2023Thị trường ngày 17/10: Giá dầu giảm hơn 1 USD xuống dưới 90 USD/thùng, vàng giảm trong khi đồng, quặng sắt, cao su tăng
Dầu tăng 1% do lo ngại về Trung Đông
Giá dầu tăng do thương nhân vẫn lo lắng rằng chiến dịch quân sự của Israel tại dải Gaza có thể leo thang thành xung đột của khu vực.
Chốt phiên 19/10, dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 1% hay 0,88 USD lên 92,38 USD/thùng, dầu WTI giao tháng 11 (hết hạn vào ngày 20/10) tăng 1,05 USD hay 1,2% lên 89,37 USD/thùng. Trong phiên có lúc cả hai loại dầu này đã giảm hơn 1 USD/thùng.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với quân đội tập trung tại biên giới Gaza rằng họ sẽ sớm thấy vùng đất bên trong Palestine, cho thấy một cuộc chiến trên bộ với mục đích tiêu diệt Hamas có thể sắp xảy ra.
Xe tải viện trợ của Ai Cập đã tiến gần tới cửa khẩu duy nhất vào Gaza không do Israel kiểm soát nhưng vẫn chưa đi qua dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu cho phép viện trợ.
Giá dầu được hỗ trợ vào cuối phiên sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ "tiến hành thận trọng" việc tăng lãi suất trong tương lai, điều này có thể làm chậm nền kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Đà tăng bị hạn chế sau khi Mỹ cấp giấy phép 6 tháng cho phép giao dịch trong lĩnh vực năng lượng của thành viên OPEC là Venezuela, nơi chính phủ đã đạt được thỏa thuận với phe đối lập chính trị ở đó để đảm bảo cuộc bầu cử năm 2024 công bằng.
Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ đối với Venezuela khó có thể đòi hỏi bất kỳ thay đổi chính sách nào của nhóm sản xuất OPEC+ hiện nay vì quá trình phục hồi sản xuất có thể sẽ diễn ra dần dần.
Saudi Arabia cho biết họ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện cho tới cuối năm nay. Nhật Bản, nước mua dầu thô lớn thứ 4 thế giới kêu gọi Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu khác tăng cường nguồn cung cấp để ổn định thị trường toàn cầu.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô và nhiên liệu của nước này giảm trong tuần trước do nhu cầu dầu diesel và dầu sưởi tăng. Dự trữ nhiên liệu chưng cất giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước xuống 113,8 triệu thùng.
Vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp do căng thẳng leo thang tại Trung Đông làm dấy lên nhu cầu trú ẩn an toàn, trong khi nhận xét của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang làm dấy lên hy vọng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tạm dừng tăng lãi suất.
Vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.973,41 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,6% lên 1.980,5 USD/ounce.
Các nhà đầu tư hiện thấy 70% cơ hội không tăng lãi suất trong tháng 12 so với gần 50% cơ hội trước nhận xét của Powell.
Đồng tăng do lạc quan về Trung Quốc
Giá đồng tăng do số liệu kinh tế của Trung Quốc mạnh cùng với hy vọng có thêm kích thích, nhưng lo lắng về tăng trưởng toàn cầu yếu đã hạn chế đà tăng.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,3% lên 7.944 USD/tấn, giá đã giảm 10% kể từ đầu tháng 8.
Số liệu trong ngày 18/10 cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong quý 3, trong khi đó hoạt động tiêu dùng và công nghiệp trong tháng 9 cũng bất ngờ tăng.
Đồng và các kim loại cơ bản khác được dự kiến vẫn bị áp lực giảm quanh mức hiện nay cho đến hết năm nay trong bối cảnh lo lắng rằng lãi suất của Mỹ sẽ vẫn phải duy trì ở mức cao để giảm lạm phát.
Hỗ trợ giá là chỉ số USD giảm do lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm khỏi mức 5% trước những nhận xét của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tăng bởi tâm lý nhà đầu tư tích cực do kinh tế Trung Quốc phục hồi và dự trữ thấp mặc dù sản lượng thép yếu hơn dự kiến đã hạn chế đà tăng.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 0,4% lên 866,5 CNY/tấn, tăng 7 phiên liên tiếp.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 11 tăng 1% lên 116,85 USD/tấn.
Thị trường quặng sắt cũng chứng kiến sự thúc đẩy từ lượng tồn kho đang giảm dần, với dự trữ quặng sắt giảm xuống 105,2 triệu tấn tính tới ngày 13/10, mức thấp nhất kể từ năm 2016, theo số liệu của công ty tư vấn Steelhome.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc giảm 5% trong tháng 9 so với tháng liền trước, trái ngược dự đoán tăng sau khi các nhà sản xuất thép nâng mức độ hoạt động trong bối cảnh mùa xây dựng cao điểm.
Ngoài ra, giá nhà mới giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 9 làm tiêu tan hy vọng về sự thay đổi nhu cầu trong tháng cao điểm theo truyền thống để mua nhà.
Thị trường thép tại Thượng Hải trái chiều, thép thanh tăng 0,3%, thép cuộn cán nóng tăng 0,1%, dây thép cuộn giảm 1,1%, thép không gỉ tăng 0,3%.
Cao su Nhật Bản giảm do nhà đầu tư chốt lời
Cao su Nhật Bản kết thúc 8 phiên tăng do nhà đầu tư chốt lời, mặc dù số liệu kinh tế của Trung Quốc mạnh và lo ngại về nguồn cung đã hạn chế đà giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2,3 JPY hay 0,9% xuống 266,2 JPY/kg.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 1/2024 giảm 40 CNY hay 0,2% xuống 14.690 CNY/tấn.
Đường giảm, cà phê tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2024 đóng cửa giảm 0,19 US cent hay 0,7% xuống 27,29 US cent/lb, trong khi đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 4 USD hay 0,5% xuống 737,8 USD/tấn.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2024 tăng 67 USD hay 2,9% lên 2.402 USD/tấn, trong khi cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 5,9 US cent hay 3,7% lên 1,6395 USD/lb.
Tại Việt Nam giao dịch vẫn ảm đạm trong tuần này, giá vẫn ở mức cao do nguồn cung từ vụ mới chưa sẵn sàng cho tới tháng sau.
Nông dân ở Tây Nguyên đang bán cà phê nhân xô ở mức 63.000 – 63.800 đồng (2,56 – 2,6 USD)/kg, cao hơn mức 62.000 – 63.000 đồng/kg một tuần trước.
Các thương nhân chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 200 – 400 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2024 tại London, không đổi so với một tuần trước.
Nông dân bắt đầu thu hoạch một số cà phê chín nhưng nguồn cung vẫn hạn chế.
Tại Indonesia cà phê robusta ở Sumatran được chào bán với mức cộng 580 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2024, tăng 100 USD so với một tuần trước.
Giá gạo Ấn Độ tiếp tục giảm, gạo Việt Nam tăng
Giá xuất khẩu gạo đồ tại Ấn Độ giảm tuần thứ 3 liên tiếp do nhu cầu yếu, chủ yếu do việc gia hạn thuế xuất khẩu đến tháng 3/2024.
Giá gạo đồ 5% của Ấn Độ giảm xuống 510 – 520 USD/tấn từ mức 515 – 525 USD/tấn một tuần trước.
Ấn Độ đã thông báo gia hạn thuế xuất khẩu 20% đến tháng 3/2024, ban đầu được thiết lập hết hạn vào ngày 15/10.
Tuần trước Ấn Độ cho biết họ sẽ duy trì giá sàn với gạo basmati cho tới thông bao tiếp sau do tiếp tục hạn chế xuất khẩu.
Nhưng nước này cho biết họ sẽ cho phép xuất khẩu gạo trắng sang một số nước gồm Nepal, Cameroon, Malaysia, Phillippines, Seychelles, Bờ Biển Ngà và Cộng hòa Guinea.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống 575 – 580 USD/tấn so với mức 580 – 600 USD/tấn một tuần trước.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 625 – 630 USD/tấn so với 615 – 625 USD/tấn một tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá tăng nhẹ vì các nguồn cung cấp ổn định do vụ thu hoạch hè thu đã kết thúc, ngoài ra nhu cầu toàn cầu cao và căng thẳng ở Trung Đông là những yếu tố bổ sung.
Số liệu sơ bộ cho thấy 271.600 tấn gạo được xuất tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1 tới 22/10, hầu hết được đưa sang Phillipine, Indonesia và Cuba.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/10
Nhịp sống thị trường