Thị trường ngày 20/11: Dầu tiếp tục giảm sâu, vàng cao nhất 1 tuần
Chốt phiên giao dịch ngày 19/11, giá dầu tiếp tục giảm sâu. Vàng tăng vọt lên mức cao nhất 1 tuần. Giá đồng đảo chiều tăng trong khi các kim loại cơ bản khác giảm. Quặng sắt tăng, thép cao nhất 4 tháng. Cao su cao nhất 3,5 tháng.
- 18-11-2019Giữa cơn sốt, lo heo lậu từ Thái Lan tuồn vào Việt Nam
- 18-11-2019Cá tra Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt
- 18-11-2019Thổ Nhĩ Kỳ rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm vải bạt của Việt Nam
Dầu tiếp tục giảm sâu
Giá dầu tiếp tục giảm hơn 1 USD/thùng do lo ngại về nguồn cung dầu thô toàn cầu dư thừa và tiến trình giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung còn nhiều hạn chế đã che mờ triển vọng về nhu cầu dầu mỏ.
Chốt phiên giao dịch đêm qua, giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 1,53 USD, tương đương 2,5%, xuống mức 60,91 USD/thùng. Giá dầu WTI hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2019 của Mỹ giảm 1,84 USD, tương đương 3,2%, còn 55,21 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã tăng khoảng 15% trong năm nay, do hiệp ước của nhóm OPEC + nhằm cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày kể từ 1/1/2019.
Tuy nhiên, trong cuộc họp tháng 12 tới của OPEC+ bàn về việc có nên cắt giảm sản lượng nữa hay không do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu yếu trong năm 2020, Nga có thể sẽ không đồng ý giảm sâu sản lượng dầu nhưng có thể sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng như hiện nay để hỗ trợ Saudi Arabia.
Lập trường của Nga cũng đã khiến thị trường lo ngại dư cung gây áp lực tới giá dầu.
Các yếu tố khác ảnh hưởng tới giá dầu như: Sản xuất dầu dự kiến tăng cao tại Na Uy, tồn trữ dầu thô có triển vọng tăng thêm tại Mỹ, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, biểu tình ở Irắc...
Tồn trữ dầu thô tăng 6 triệu thùng trong tuần tính đến 15/11 lên tới 440,9 triệu thùng, theo Viện Dầu khí Mỹ cho thấy hôm thứ Ba.
Vàng cao nhất 1 tuần
Giá vàng tiếp tục tăng vọt do bất ổn chính trị tại Mỹ, thu nhập ảm đạm, thị trường chứng khoán phố Wall bớt căng thẳng sau khi lên cao kỷ lục trong khi thị trường chờ đợi nhiều tín hiệu hơn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang.
Chốt phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.474,65 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 7/11. Giá vàng kỳ hạn tháng 12/2019 tại Mỹ tăng hơn 0,2% đạt 1.474,30 USD/ounce.
Các thị trường tài chính bớt căng thẳng khi báo cáo về thu nhập ảm đảm và lo ngại về cuộc điều tra luận tội đang diễn ra chống lại Tổng thống Donald Trump đã lấn át hy vọng cho một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Đầu phiên họp, Washington đã nới lỏng cho các công ty Mỹ tiếp tục hợp tác với Huawei Technologies Co Ltd HWT.UL của Trung Quốc, đây được coi là một dấu hiệu tốt trong tiến trình giải quyết tranh chấp thương mại.
Sau khi thêm Huawei vào danh sách đen kinh tế vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã cho phép họ mua một số hàng hóa do Mỹ sản xuất và cấp gia hạn 90 ngày mới để giảm thiểu gián đoạn cho khách hàng.
Điều này đã khiến Phố Wall mở cửa ở mức cao kỷ lục và chứng khoán trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 22 tháng và đẩy vàng thỏi xuống mức thấp nhất trong ngày là 1.464,20 USD.
Những người tham gia thị trường hiện đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách mới nhất của Fed.
Giá kim loại quý khác cũng tăng, bạc tăng 0,8% lên 17,16 USD/ounce, bạch kim tăng 1,8% lên 910,15 USD và palađi tăng 1,9% lên 1.770,44 USD/ounce.
Đồng đảo chiều tăng vọt, các kim loại màu khác giảm
Giá đồng tăng lên với hy vọng Mỹ Trung có thể đạt được thỏa thuận thương mại, nhưng mức tăng đã bị hạn chế bởi những lo ngại rằng thỏa thuận này không đầy đủ. Giá đồng kỳ hạn tại Sàn giao dịch kim loại London (LME) chốt phiên tăng hơn 0,8% đạt 5.875 USD/tấn.
Giá đồng có thể sẽ chịu áp lực trong phần còn lại của năm do một số vấn đề lớn vẫn chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán thương mại, nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết.
Trong chín tháng đầu năm, thâm hụt kẽm toàn cầu đã thu hẹp xuống còn 156.000 tấn so với 272.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, thị trường chì thiếu hụt tới 83.000 tấn so với 34.000 tấn năm ngoái.
Các kim loại mầu khác giá đều giảm. Giá nhôm giảm 0,4% xuống 1.731 USD/tấn, kẽm không đổi ở mức 2.43 USD, giá chì tăng 2% đạt 1.993 USD, giá thiếc giảm 0,5% xuống còn 15.975 USD và niken giảm 1% xuống còn 14.690 USD.
Quặng sắt tăng, thép cao nhất 4 tháng
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc tiếp tục tăng phiên thứ 6 liên tiếp do giá thép tăng kéo dài trong bối cảnh dự trữ giảm và các biện pháp hạn chế sản xuất giảm ô nhiễm không khí trong khi nhu cầu tăng cao.
Giá quặng sắt tại Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên, kỳ hạn tháng 1/2020, chốt phiên tăng 0,6% đạt 636,50 CNY(90,63 USD)/tấn. Giá tăng lên 638 CNY/tấn vào đầu phiên, mức cao nhất kể từ ngày 28/10.
Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Singapore cũng tăng trở lại, với hợp đồng tháng 12/2019 tăng 0,7% đạt 83,85 USD/tấn.
Do thời tiết không thuận lợi trong mùa đông năm nay có thể mang lại nhiều khói bụi trên khắp các tỉnh phía bắc, nên Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất thép hơn nữa.
Việc hạn chế sản lượng thép và nhu cầu thép phục hồi trong tháng này, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, có thể khiến tồn kho thép vốn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay, sẽ còn giảm hơn nữa.
Giá thép cây xây dựng tại Thượng Hải đã tăng 2,3% đạt 3.635 CNY/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 26/7. Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong xe hơi và đồ gia dụng, đã tăng 0,9%. Giá thép không gỉ Thượng Hải tăng 1,1%.
Cao su cao nhất 3,5 tháng
Giá cao su kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng cao lên mức cao nhất hơn 3,5 tháng, do các nhà đầu tư hy vọng rằng việc cắt giảm lãi suất bất ngờ của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, kích thích nhu cầu tiêu thụ.
Tại Tocom, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2020 tăng hơn 0,3 JPY đạt 182,6 JPY(1,68 USD)/kg. Đầu phiên giá đã chạm 184,3 JPY, mức cao kể từ ngày 26/7.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay vào ngày đầu tuần, đây là lần cắt giảm đầu tiên trong hơn 4 năm qua. Đây là tín hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã sẵn sàng hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Tại Thượng Hải, giá cao su giao tháng 1/2020 đã tăng 160 CNY đạt 12.130 CNY(1.727 USD)/tấn. Giá cao su TSR 20 đã tăng 55 CNY đạt mức 10.260 CNY/tấn.
Tại Singapore, giá cao su giao hàng tháng 12/2019 chốt phiên đạt 136,2 Uscent/kg, giảm 0,5%.
Đường, cà phê giảm nhẹ
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tại New York giảm 0,08 cent, tương đương 0,6%, xuống 12,68 cent/lb. Trong khi giá đường trắng London giao tháng 3/2020 giảm 2,90 USD, tương đương 0,9%, xuống còn 336,40 USD/tấn.
Đồng thời, giá cà phê cũng giảm do dư cung từ vụ thu hoạch kỷ lục mùa trước tại Brazil và Trung Mỹ. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2020 giảm 0,20 cent, tương đương 0,2%, xuống còn 1,0905 USD/lb. Giá cà phê Robusta tháng 1/2020 giảm 22 USD, tương đương 1,6%, xuống còn 1.350 USD/tấn.
Giá sữa tăng cao nhất nhiều năm
Nhu cầu về sữa và các sản phẩm từ sữa tăng đột biến từ Trung Quốc trong thời gian vừa qua được coi là một trong những yếu tố đẩy giá sữa leo thang trên toàn cầu và chạm mức cao nhất trong nhiều năm.
Bất chấp đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, người dân nước này đang tiêu thụ nhiều sữa và các sản phẩm từ sữa dưới dạng bánh ngọt và đồ uống như trà phủ kem và phô mai.
Các sản phẩm sữa truyền thống vốn không đóng vai trò lớn trong ẩm thực Trung Quốc, nhưng người dân nước này đang uống ngày càng nhiều sữa hơn và cũng ưa thích hơn các món tráng miệng đầy kem và kết hợp phô mai vào các thực phẩm hàng ngày.
Giá bán buôn của sữa bột tách kem (skim-milk, loại sữa có hàm lượng chất béo thấp) đã tăng lần lượt 31%, 39% và 49% ở thị trường Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Đây là một thành phần phổ biến trong kem, sôcôla, bánh ngọt và bánh mỳ.
Trong tháng 11/2019, giá trung bình của sữa bột tách bơ ở cả ba khu vực trên là 2.683 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, theo dữ liệu của Hội đồng xuất khẩu sữa Mỹ. Trong khi đó, giá sữa bột nguyên kem (whole-milk) tăng khoảng 14% so với một năm trước.
Xu hướng này được ghi nhận từ khá sớm nhờ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm có chứa hàm lượng chất béo tự nhiên trên toàn cầu ngày càng tăng. Cả hai loại sữa bột đều được sử dụng với số lượng lớn và một số nhà chế biến thực phẩm kết hợp sữa tách kem và dầu ăn để mô phỏng thành phần chất béo của sữa nguyên kem.
Giá bơ sữa tăng là tin tốt đối với những người chăn nuôi bò sữa trên toàn cầu, vốn đã gặp khó khăn trong nhiều năm vì lợi nhuận thấp và tình trạng dư cung ở một số khu vực. Trong năm 2016, các nông trại chăn nuôi bò sữa ở Mỹ đã phải đổ bỏ hàng trăm triệu lít sữa trong bối cảnh nguồn cung dư thừa đẩy giá sữa xuống thấp.
Giờ đây, Trung Quốc cần đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng sữa tăng cao bằng cách đẩy mạnh nhập khẩu. Quốc gia này cũng là khách hàng lớn của mặt hàng sữa bột công thức cho trẻ em và các thực phẩm khác sau một số vụ bê bối liên quan đến sữa nội địa bị nhiễm độc.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1-8/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu thêm khoảng 1/3 sữa bột tách kem và các sản phẩm kem sữa so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu sữa bột nguyên kem tăng 23%, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Sản xuất của Trung Quốc phần lớn duy trì ổn định trong nửa đầu năm nay.
Một số nhà phân tích khá bất ngờ với diễn biến này, bởi trước đó họ lo ngại rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại có thể làm giảm nhu cầu sữa ở nước này.
Mỹ không phải là nhà cung cấp sữa bột hàng đầu cho thị trường Trung Quốc. Mặc dù vậy, các nhà sản xuất sữa của Mỹ đang được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc cũng như các khu vực khác ở châu Á, bên cạnh việc giá bán buôn cao hơn.
Alyssa Badger, Giám đốc phụ trách thị trường toàn cầu tại HighGround Dairy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Chicago cho biết, các trang trại bò sữa ở châu Âu có khả năng giảm sản lượng vào năm 2020, điều này có thể tạo cơ hội cho nông dân Mỹ.
Ngành sản xuất sữa toàn cầu đã đối mặt với một số áp lực trong năm nay do các điều kiện bất lợi ở Australia và Bắc Âu. Chi phí thức ăn cao hơn đã phần nào hạn chế sản lượng sữa. Trong khi đó, kho dự trữ sữa bột tách kem khổng lồ mà Liên minh châu Âu bắt đầu tích lũy từ năm 2015 để hỗ trợ nông dân trong khu vực, đã được bán phần lớn ở thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc và các nước ở châu Phi và châu Á. Điều này là yếu tố khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Tập đoàn sữa Fonterra Dairy có trụ sở tại New Zealand, nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, là một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ "cơn khát" các sản phẩm sữa nhập khẩu của Trung Quốc. Quốc gia châu Á này là một trong những khách hàng lớn nhất của Fonterra. Vào cuối tháng Mười, công ty này cho hay giá bán sữa bột tách kem của họ cao hơn so với các công ty sữa ở châu Âu và Mỹ, và dự kiến doanh số bán sữa bột nguyên kem sẽ đi lên.
Cho đến nay, việc tỷ lệ không dung nạp lactose (nghĩa là cơ thể không sản xuất đủ enzym lactase để tiêu hóa lactose - loại đường chính trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa) tại Trung Quốc tương đối cao không phải là một trở ngại lớn đối với việc tiêu thụ sữa của nước này.
Theo Viện Y tế Quốc gia, tỷ lệ những người không dung nạp lactose ở người trưởng thành phổ biến nhất ở những người gốc Đông Á, từ 70% đến 100%. Đây là con số khá lớn nếu so sánh với tỷ lệ 5% trong số những người gốc Bắc Âu.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng