MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 20/12: Giá dầu và nhôm đạt đỉnh 3 tháng; than, sắt thép, thịt lợn đồng loạt tăng cao

20-12-2019 - 08:49 AM | Thị trường

Phiên giao dịch vừa qua, giá hầu hết các hàng hóa trên thị trường quốc tế đều tăng do cán cân cung – cầu và lạc quan về quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Dầu cao nhất 3 tháng do tồn trữ của Mỹ thấp

Giá dầu đã đạt "đỉnh" 3 tháng trong phiên vừa qua mặc dù khối lượng giao dịch không nhiều khi Giáng sinh sắp đến. Nguyên nhân tăng bởi thông tin tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm và những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục dịu lại.

Kết thúc phiên, dầu thô Brent tăng 37 US cent lên 66,54 USD/thùng, phiên đi lên thứ 6 liên tiếp; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 29 US cent lên 66,22 USD/thùng.

Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần tới 13/12/2019 giảm 1,1 triệu thùng, trong khi tồn trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng.

Thị trường dầu có động lực tích cực kể từ sau quyết định của Trung Quốc đưa ra vào ngày 13/12/2019 là hủy bỏ kế hoạch áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và thỏa thuận Giai đoạn 1 giữa Washington và Trung Quốc đánh dấu thời điểm quan trọng khi hai bên hạ nhiệt đáng kể mối quan hệ thương mại căng thẳng kéo dài đã nhiều tháng.

Kim loại quý biến động nhẹ, thị trường chờ đợi các chi tiết về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

Giá vàng vững trong phiên giao dịch vừa qua do các nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi để biết thêm những tiến triển trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, giữa bối cảnh chính trường Washington dậy sóng.

Cuối phiên, vàng giao ngay nhích nhẹ 0,3% lên 1.479,87 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,4% lên 1.484,40 USD/ounce.

Trung Quốc ngày 19/12/2019 đã thông báo một danh sách mới 6 sản phẩm Mỹ được miễn thuế nhập khẩu, bao gồm các sản phẩm hóa chất và dầu mỏ.

Bất đồng thương mại kéo dài 17 tháng và lo sợ kinh tế toàn cầu suy yếu đã khiến giá vàng tăng 15% trong năm nay.

Về những kim loại quý khác, palađi tăng 0,6% lên 1.934 USD/ounce, nhưng cách xa mức cao kỷ lục lịch sử là 1.998,43 USD của ngày 17/12/2019. Bạch kim vững ở 935,43 USD/ounce, trong khi bạc tăng 0,6% lên 17,10 USD/ounce.

Nhôm Thượng Hải cao kỷ lục 3 tháng do tồn trữ giảm

Giá nhôm trên sàn Thương Hải vừa lập kỷ lục cao nhất hơn 3 tháng do lượng nhôm lưu kho ở Trung Quốc sụt giảm. Cụ thể, giá đã tăng 1% lên 14.200 CNY (2.017,36 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ 12/9/2019 và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp.

Lượng nhôm lưu kho trên sàn Thượng Hải giảm xuống 218.367 tấn, thấp nhất kể từ tháng 3/2017. Tuyết lớn ở các khu vực miền Bắc Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới việc vận chuyển, và có nhiều khả năng sẽ khiến lượng nhôm lưu kho ở sàn Thượng Hải còn tiếp tục giảm nữa.

Trên sàn London, nhôm kỳ hạn 3 tháng phiên vừa qua có lúc đạt 1.800 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 11/2019, sau đó kết thúc ở mức 1.797 USD/tấn, tăng 1,1% so với phiên trước.

Thị trường ngày 20/12: Giá dầu và nhôm đạt đỉnh 3 tháng; than, sắt thép, thịt lợn đồng loạt tăng cao  - Ảnh 1.

Than tăng

Giá than tại Trung Quốc tăng do nguồn cung bị ảnh hưởng sau khi tỉnh Quý Châu ở miền Đông Nam Trung Quốc yêu cầu những mỏ than nhỏ phải ngừng sản xuất.

Than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua có lúc tăng 1,4% lên 1.260 CNY/tấn, và kết thúc ở mức 1.236 CNY/tấn, cao hơn 0,6% so với lúc đóng cửa phiên trước. Than cốc kỳ hạn tháng 5/2020 cũng tăng 1,6% lên 1.888 CNY/tấn.

Nhà phân tích về kim loại và khoáng sản của Argonaut Securities, Helen Lau, dự báo giá than luyện cốc sẽ còn tăng nữa trong tương lai gần do sự gián đoạn nguồn cung này, trong khi nhu cầu trên toàn Trung Quốc quý 4/2019 ở mức cao.

Theo báo cáo công bố ngày 17/12 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than vẫn là nguồn năng lượng chính của Đông Nam Á trong vòng 4 năm tới. Theo tổ chức này, nhu cầu than đá toàn cầu đã tăng trở lại kể từ năm 2017 và mặc dù có thể giảm trong năm 2019. Ngoài sản xuất thép và xi măng, than vẫn là nguồn năng lượng chính để sản xuất điện.

Sắt thép tăng

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,9% lên 648 CNY/tấn, đảo ngược xu hướng giảm của 2 phiên trước đó.

Thép cây trên sàn Thượng Hải kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 1% lên 3.518 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,06% lên 3.544 CNY/tấn và thép không gỉ tăng 0,8% lên 14.395 CNY/tấn.

Cà phê giảm ở phương Tây, tăng ở Châu Á

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York giảm 4,5% trong phiên vừa qua (6 US cent) xuống 1,272 USD/lb do thị trường tiếp tục điều chỉnh sau khi giá lập kỷ lục cao nhất hơn 2 năm vào ngày 17/12. Kể từ giữa tháng 10/2019 tới nay, giá cà phê arabica đã tăng khoảng 40% do các quỹ hàng hóa mua mạnh trong bối cảnh nguồn cung hẹn hẹp. Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt cà phê trong niên vụ 2019/20.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London cũng giảm 3% trong phiên vừa qua, xuống 1.367 USD/tấn.

Tại Việt Nam, giá cà phê tuần này tăng nhẹ so với tuần trước vì một số người trồng cà phê có xu hướng giữ hàng lại chờ giá tăng cao mới bán ra. Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô được chào giá 33.500-34,000 đồng (1,44-1,47 USD)/kg, so với 33.000-33.200 đồng cách đây một tuần. Tuy nhiên, người mua chỉ muốn trả giá 30.000 đồng/kg.

Nguồn cung ở Việt Nam đang tăng lên theo tiến độ thu hoạch. Người trồng cà phê đã thu hoạch được khoảng 60-70%. Dự kiến vụ thu hoạch sẽ kéo dài tới cuối tháng 1/2020, sản lượng vụ này dự báo vững ở mức 29,5 triệu bao (1 bao = 60 kg) như năm ngoái. Tuy nhiên, hạt cà phê năm nay nhỏ hơn mọi năm vì nông dân giảm đầu tư cho cây trồng này sau khi giá giảm thấp trong thời gian qua.

Đối với loại cà phê robusta xuất khẩu, các thương gia Việt Nam chào bán cà phê loại 2 (5% đen và vỡ) giá cộng 50 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London của phiên 18/12/2019 (hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn London ngày 18/12 giá 1.409 USD/tấn). Mức cộng này tăng so với cộng 30 – 40 USD/tấn cách đây một tuần.

Tại Indonesia, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) được chào ở mức giá cộng 220 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 trên sàn London của ngày 18/12, không thay đổi so với một tuần trước đây.

Gạo tăng

Giá gạo tại Châu Á đồng loạt tăng trong tuần này. Đối với loại 5% tấm xuất khẩu, giá tại Ấn Độ hiện ở mức 360 – 365 USD/tấn, tăng so với 358 – 363 USD/tấn cách đây một tuần, do

nhu cầu mạnh lên và giá thóc trong nước tăng; tại Thái Lan giá cũng tăng từ 397 – 411 USD/tấn lên 395 – 420 USD/tấn do đồng baht mạnh; trong khi đó tại Việt Nam giá tăng từ 350 USD/tấn lên 350 – 352 USD/tấn nhờ nhu cầu từ Philippines đang tăng lên trong khi nguồn cung hạn hẹp vì đã kết thúc vụ thu hoạch lúa Thu Đông.

Đường hướng tới mốc cao nhất 1 năm

Giá đường thô trên sàn New York tăng trở lại và hướng tới mức cao kỷ lục 1 năm do nguồn cung khan hiếm. Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,9%, tương đương 12 US cent, lên 13,55 US cent/lb, tuần trước hợp đồng này đã từng lập kỷ lục cao nhất hơn 1 năm, là 13,67 US cent/lb. Đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 0,8%, tương đương 2,9 USD, lên 358, 5 USD/tấn.

Cơ quan thống kê nông nghiệp Brazil – Conab – đã hạ dự báo về sản lượng đường của khu vực Trung Nam nước này niên vụ 2019/20 xuống 27,35 triệu tấn, từ mức 28,97 triệu tấn dự báo trước đây, với lý do những dự báo ban đầu về sản lượng của 6 nhà máy ở khu vực này cao hơn khả năng thực tế. Niên vụ 2019/20, dự báo thị trường đường thế giới sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt.

Thịt lợn tăng vì Mỹ xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc

Giá thịt lợn trên sàn Chicago tăng trong phiên vừa qua sau thông báo xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc tuần qua cao nhất trong vòng ít nhất 10 tháng. Giá lợn kỳ hạn tháng 2/2019 tăng 1,075 US cent lên 70,975 US cent/lb.

Trong tuần tới 12/12/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 15.282 tấn thịt lợn từ Mỹ, nhiều nhất kể từ tháng 2/2019, và có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa.

Bông cao nhất hơn 6 tháng

Giá bông trên sàn New York đã tăng hơn 1% và đạt mức cao nhất hơn 6 tháng do triển vọng xuất khẩu tích cực và lạc quan về khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường mua bông sau thỏa thuận Giai đoạn 1.

Kết thúc phiên, bông kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 1,03 US cent, hay 1,54%, lên 67,77 US cent/lb, trước đó cùng phiên có lúc giá đạt 67,888 US cent, ao nhất kể từ 7/6.

Dầu cọ tăng do dự báo sản lượng giảm

Giá dầu cọ Malaysia tăng trong phiên vừa qua vì dự báo sản lượng trong năm tới sẽ không cao như những dự đoán trước đây.

Dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn Bursa (Malaysia) kết thúc phiên tăng 0,6% lên 2.785 ringgit (689,45 USD)/tấn.

Theo Marcello Cultrera, nhà quản lý của Phillip Futures ở Kuala Lumpur, sản lượng dầu cọ của Malaysia và Indonesia trong nửa đầu năm 2020 dự báo sẽ giảm 320.000 tấn xuống 30,47 triệu tấn, trong khi lượng tồn trữ tính đến cuối tháng 3 năm tới có thể giảm mạnh xuống 3,4 triệu tấn.

Ủy ban Dầu cọ Malaysia dự báo dự trữ dầu cọ của nước này tính đến cuối năm nay sẽ ở mức 2,1 triệu tấn, so với 2,25 triệu tấn hiện nay. Dự trữ đã giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng vào tháng 11/2019.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 20/12

Thị trường ngày 20/12: Giá dầu và nhôm đạt đỉnh 3 tháng; than, sắt thép, thịt lợn đồng loạt tăng cao  - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên