Thị trường ngày 20/7: Giá dầu cao nhất 2 tuần, vàng và thép cùng tăng, quặng sắt giảm
Ảnh minh họa.
Giá dầu và vàng tăng mạnh lúc kết thúc phiên 19/7 do USD yếu đi. Tuy nhiên, lo ngại về tác động tiêu cực từ các biện pháp chống Covid-19 ở Trung Quốc gây áp lực lên nhiều mặt hàng khác, trong đó có đồng, cao su và quặng sắt.
- 16-07-2022Thị trường ngày 16/7: Dầu tăng mạnh, vàng và quặng sắt giảm tiếp
- 15-07-2022Thị trường ngày 15/7: Mọi loại hàng hóa đều lao dốc
- 14-07-2022Thị trường ngày 14/7: Giá dầu, vàng và thép tăng nhưng đồng thấp nhất 20 tháng, bông và dầu cọ chạm ‘đáy’ 1 năm
Dầu cao nhất 2 tuần
Giá dầu tăng khoảng 1% trong phiên 19/7, với dầu Brent tham chiếu cho thị trường toàn cầu đạt mức cao nhất hai tuần sau một phiên giao dịch đầy biến động khi các nhà giao dịch lo lắng về nguồn cung thắt chặt và đồng đô la yếu đi.
Giá dầu Brent kết thúc phiên tăng 1,08 USD, tương đương 1,0% lên 107,35 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 1,62 USD, tương đương 1,6%, lên 104,22 USD.
Giá dầu Brent đóng cửa cao nhất kể từ ngày 4 tháng 7, trong khi dầu WTI cao nhất kể từ ngày 8 tháng 7.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, khiến giá dầu trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Tại Mỹ, kỳ vọng tăng tồn kho dầu thô đã ảnh hưởng đến giá cả. Kết quả thăm dò ý kiến của Reuters cho thấy các nhà phân tích ước tính tồn kho dầu thô tăng 1,4 triệu thùng trong tuần trước.
Vàng tăng
Giá vàng tăng do USD yếu đi trong bối cảnh các nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận các tín hiệu về tốc độ tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn trong tháng này.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,1% lên 1.710,13 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8 hầu như không thay đổi, ở mức 1.710,70 USD.
Chỉ số Dollar index giảm 0,7% khiến vàng thỏi trở nên rẻ hơn đối với những người mua ở nước ngoài,
"Khi các ngân hàng trung ương toàn cầu trên thế giới bắt đầu tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Chúng tôi nhận thấy những khó khăn đối với vàng - không phát sinh lãi suất – bởi các nhà đầu tư lựa chọn các loại tài sản khác và đây là logic gây áp lực lên vàng gần đây", David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures cho biết.
Trong những tuần gần đây, vàng đã không thể giữ được trạng thái trú ẩn an toàn bất chấp những lo ngại về suy thoái. Vàng thỏi đã giảm hơn 350 đô la so với mức 2.000 đô la một ounce đạt được vào đầu tháng 3 do kế hoạch tăng lãi suất tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và đà tăng gần đây của đồng đô la.
Đồng giảm
Giá đồng giảm trong phiên thứ Ba do lo ngại về nhu cầu ở nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới - Trung Quốc - và các nơi khác khi tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, USD giảm ngăn giá đồng giảm mạnh.
Hợp đồng giao dịch đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) đã giảm 1,7% xuống 7.298 USD/tấn vào lúc kết thúc phiên, thấp hơn hơn 30% so với mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn đạt được vào tháng 3.
"Triển vọng tăng trưởng đã xấu đi ... giá có thể giảm thêm một chút. Vẫn có động lực cho kim loại, song dự báo giá sẽ duy trì thêm một thời gian ở mức giá hiện tại", Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa chính thuộc Capital Economics cho biết.
Ngân hàng Nhật Bản Nomura cho biết 41 thành phố của Trung Quốc hiện đang thực hiện phong tỏa toàn bộ hoặc một phần hoặc một số biện pháp kiểm soát dựa trên cấp quận, huyện, ảnh hưởng đến 22,8% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.
Ngô và đậu tương giảm
Giá ngô Mỹ giảm hơn 2% vào thứ Ba, trong khi đậu tương cũng giảm do thị trường lạc quan rằng sản lượng các sản phẩm này của Mỹ sẽ tăng lên, và một số dự báo vè mưa vào tuần tới, mặc dù tình hình hiện tại vẫn căng thẳng do mưa và nóng. Riêng giá lúa mì tăng nhẹ.
Trên sàn Chicago lúc kết thúc phiên 19/7, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 16 US cent xuống
5,94-3/4 USD/bushel, kết thúc 4 phiên tăng liên tiếp; đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 22 US cent xuống 13,58-1/4 USD/bushel; lúa mì kỳ hạn tháng 9 tăng 2 US cent lên 8,14-3/4 USD/bushel.
Bông giảm 4%
Giá bông Mỹ tiếp tục chuỗi ngày biến động, trong phiên thứ Ba (19/7) giảm 4%, sau khi tăng hơn 5% ở phiên liền trước. Việc giá giảm có ảnh hưởng một phần từ xu hướng giảm bao trùm toàn bộ thị trường hàng hóa trong thời gian gần đây.
Hợp đồng bông kỳ hạn tháng 12 trên sàn ICE kết thúc phiên giảm 0,62 cent, tương đương 0,7%, xuống 92,38 cent/lb, trong phiên có lúc giảm 4%. Biên độ giao dịch trong phiên này là 89,01 - 92,8 US cent/lb.
Cà phê tăng
Cà phê arabica giao tháng 9 tăng 1,3%, tương đương 0,6%, lên 2,165 USD/lb khi thị trường tiếp đà đi lên sau khi tăng gần 8% trong phiên liền trước.
Lượng dự trữ cà phê được sàn ICE xác nhận tiếp tục giảm xuống còn 727.222 bao - mức thấp nhất kể từ tháng 8/1999 - cũng giúp hỗ trợ giá trong phiên này.
Cà phê robusta giao tháng 9 tăng 6 USD, tương đương 0,3% lên 1.998 USD/tấn.
Đường giảm
Giá đường thô trên sàn ICE giảm gần 3%, một phần do lo ngại rằng các nhà máy ở Brazil sẽ tăng lượng mía dùng để sản xuất chất tạo ngọt thay vì ethanol khi giá nhiên liệu giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,57 cent, tương đương 2,9%, xuống 18,84 cent/lb.
Giá đường trắng giao tháng 10 cũng giảm 14,50 USD, tương đương 2,6% xuống 539,60 USD/tấn.
Dầu cọ giảm gần 3%
Giá dầu cọ Malaysia giảm 3,8% trong phiên vừa qua do Indonesia loại bỏ thuế xuất khẩu dầu cọ tinh luyện và có thể hoãn chương trình dầu diesel sinh học B35.
Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn giao tháng 10 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia lúc đóng cửa giảm 110 ringgit, tương đương 2,79%, xuống 3.835 ringgit (862,19 USD)/tấn.
Malaysia vẫn duy trì mức thuế xuất khẩu tháng 8 đối với dầu cọ thô ở mức 8% nhưng hạ giá tham chiếu, thông báo của Hội đồng Dầu cọ Malaysia cho biết.
Theo Bộ trưởng Hàng hóa Malaysia Zuraida Kamaruddin, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới này đang mất khoảng 57.880 tấn quả cọ mỗi ngày do tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Cao su tăng
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng nhẹ trong phiên thứ Ba mặc dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu.
Hợp đồng cao su giao tháng 12 trên Sở giao dịch Osaka lúc đóng cửa tăng 0,6 yên, tương đương 0,2%, lên 242,1 yên (1,76 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 50 nhân dân tệ, tương đương 0,4% lên 11.940 nhân dân tệ (1.770,38 USD)/tấn.
Quặng sắt giảm, thép tăng
Giá quặng sắt giao tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 2,5% xuống 98,20 USD/tấn, trong khi hợp đồng giao tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 1% xuống 656,50 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép kỳ hạn tương lai trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên thứ Ba do những nỗ lực của chính phủ nhằm giảm bớt khó khăn tài chính trong lĩnh vực bất động sản nước này- đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, giá quặng sắt phiên này giảm lo ngại dai dẳng về nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép ở Trung Quốc sẽ suy yếu do dịch bệnh.
Giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kết thúc phiên tăng 1,7% lên 3.774 nhân dân tệ (559,37 USD)/tấn, trong có lúc đạt 3.872 nhân dân tệ.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,4% lên 3.755 nhân dân tệ/tấn, thoát khỏi mức thấp nhất trong 20 tháng. Thép không gỉ cũng tăng 0,1%.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường khuyến khích các bên cho vay mở rộng các khoản vay cho các dự án đủ điều kiện, nhằm xoa dịu tình trạng hỗn loạn có thể gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa chống Covid-19.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 20/7: