MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 22/2: Giá vàng tiếp tục leo dốc, lên gần 1.650 USD/ounce

22-02-2020 - 09:15 AM | Thị trường

Phiên giao dịch cuối tuần trên thị trường quốc tế, giá dầu quay đầu giảm bởi nhà đầu tư gia tăng lo ngại về dịch virus corona khi số ca lây nhiễm và tử vong bên ngoài Trung Quốc gia tăng một cách đáng báo động. Dịch bệnh đẩy giá vàng tăng lên mức cao nhất 7 năm, và gây khan hiếm nguồn cung khiến giá nhiều kim loại tăng vọt.

Dầu giảm do gia tăng lo ngại về virus corona

Giá dầu giảm khoảng 1% trong phiên vừa qua do thị trường lại dấy lên lo ngại rằng dịch viêm phổi cấp do virus corona sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh OPEC và các đồng minh chưa quyết định về việc cắt giảm sản lượng thêm nữa.

Những thông tin mới nhất về những trường hợp bị lây nhiễm virus corona bên ngoài ‘ổ dịch’ Hồ Bắc (Trung Quốc) đã gây ra tình trạng bán tháo ồ ạt trên toàn bộ các thị trường tài chính, khi các nhà hoạt định chính sách G20 họp tại Saudi Arbia hầu như chỉ thảo luận về ảnh hưởng của virus đốivới kinh tế toàn cầu.

Trong phiên giao dịch vừa qua, giá dầu Brent có thời điểm giảm hơn 2%, trước khi nhích nhẹ để kết thúc phiên chỉ còn giảm 81 US cent (tương đương 1,4%) xuống 58,5 USD/thùng; trong khi dầu thô Mỹ giảm 50 US cent (tương đương 0,9%) xuống 53,38 USD/thùng.

Mặc dù vậy, cả hai loại dầu đều tăng tuần thứ 2 liên tiếp, trong đó Brent tăng 2% và dầu Mỹ tăng 2,6%, khi nỗi lo về ảnh hưởng của virus đối với nhu cầu dầu toàn cầu dịu dần trong những ngày đầu tuần qua và tồn trữ dầu thô của Mỹ ít hơn dự kiến.

Nỗi lo về virus corona đang át đi những yếu tố rủi ro về nguồn cung dầu mỏ, bao gồm cả tình hình phong tỏa mới đây nhất ở Libya cũng như việc tồn trữ xăng dầu ở Mỹ không nhiều như dự kiến.

Thị trường ngày 22/2: Giá vàng tiếp tục leo dốc, lên gần 1.650 USD/ounce - Ảnh 1.

Vàng tăng 1,5% do virus corona

Giá vàng tăng mạnh trên 1,5% trong phiên vừa qua lên mức cao kỷ lục mới trong vòng 7 năm do các nhà đầu tư đổ dồn vào những tài sản an toàn như vàng giữa lúc lo ngại kinh tế toàn cầu có thể bị tác động lớn do virus corona đang lây lan nhanh chóng bên ngoài Trung Quốc.

Cuối phiên, vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.646,89 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 13/2/2013 là 1.648,75 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 4/2020 tăng 1,7% lên 1.648,8 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng đã tăng 4% và là tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 6 năm ngoái.

Thị trường lo ngại các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Đức sẽ suy yếu trong 6 tháng đầu năm 2020 do dịch bệnh Covid-19. Các nhà đầu tư dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tăng cường kích thích kinh tế, và điều đó sẽ tiếp tục đẩy giá vàng đi lên.

Cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ đều trì trệ trong tháng 2 này do các doanh nghiệp ngày càng lo sợ dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh hơn nữa. Những điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất – điều sẽ hỗ trợ giá vàng tăng.

Quặng sắt tăng chuỗi dài nhất kể từ giữa 2016

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tiếp tục đi lên, kéo dài chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 6/2016, do lo ngại nguồn cung sẽ bị thắt chặt.

Kết thúc phiên giao dịch, quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 2,8% lên 675,5 CNY (96,04 USD)/tấn – mức cao nhất trong vòng 4 tuần. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 8,4%, nhiều nhất kể từ tháng 9/2019.

Xu hướng tăng bắt đầu từ ngày 11/2/2020, khi hãng Vale SA (Brazil) thông báo hạ 1/4 triển vọng về sản lượng quặng của hãng này sau khi mưa lớn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động khai thác. Lo ngại về nguồn cung càng tăng lên sau khi hãng khai mỏ Rio Tinto ngày 17/2 cũng hạ dự báo về lượng xuất khẩu của hãng trong năm 2020 (từ khu vực Pilbara của Australia) do bão nhiệt đới gây ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng khu vực Pilbara.

Cùng xu hướng chung với các hàng hóa khác, nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc tháng 1/2020 ước tính trung bình 3,2 triệu tấn/ngày, giảm so với 3,3 triệu tấn của tháng trước đó, theo số liệu của công ty Kpler (Pháp). Lượng nhập khẩu trung bình ngày trong nửa đầu tháng 2 giảm xuống 2,936 triệu tấn và vẫn đang tiếp tục giảm.

Kim loại không cơ bản tăng vọt

Giá các kim loại không cơ bản (minor metals), như antimon và mangan – dùng để sản xuất các hợp kim và pin/ắc quy – đã tăng vọt do nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị cạn kiện bởi dịch virus corona làm tê liệt hoạt động khai thác và luyện kim của nước này.

"Giá mọi thứ sản xuất ở Trung Quốc lúc này đều tăng, chẳng hạn như mangan và antimon, và dự báo sẽ còn tăng thêm nữa vì họ không thể xuất khẩu bất cứ thứ gì", thông tin từ các nhà kinh doanh kim loại không cơ bản ở Châu Âu cho biết.

Giá Manganese elect – dùng trong sản xuất thép – đã tăng gần 34% trong vòng hơn một tháng qua, hiện đạt trung bình 2.275 USD/tấn, cao nhất trong vòng hơn 1 năm. Cuối tháng 1/2020, giá kim loại này chỉ khoảng 1.700 USD/tấn. Giá antimon – kim loại chống cháy được sử dụng trong sản xuất pin/ắc quy - cũng có chung xu hướng đó, khi tăng 4% lên 6.200 USD/tấn. Giá những loại kim loại khác mà Trung Quốc sản xuất chủ chốt cũng tăng. Giá ferro vonfram đã tăng 15,8% trong vòng một tháng qua lên 33 USD/kg, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019; rong khi đó cobalt tăng 5,4% lên 12,7 USD/lb.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2020 tăng 5,3 US cent trong phiên vừa qua (tương đương 5,05%) lên 1,1025 USD/lb; trong khi đó robusta giao cùng kỳ hạn tăng 17 USD (1,33%) lên 1.296 USD/tấn. Thị trường cà phê đang trong giai đoạn giá biến động mạnh, ví dụ arabica vừa giảm gần 4% trong phiên giao dịch trước.

Các thương gia cho biết nguồn cung gần hạn đang thắt chặt thúc đẩy nhu cầu mua đối với những kỳ hạn giao gần. Tuy nhiên, triển vọng sản lượng của Brazil năm nay nhìn chung vẫn khả quan mặc dù thời tiết ở một số khu vực không thuận lợi. Ủy ban Cà phê Brazil (CNC) dự báo thị trường sẽ tương đối khan hiếm hàng cho tới vụ thu hoạch mới (bắt đầu từ tháng 5).

Công ty tư vấn và môi giới INTL FCStone dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ đạt 65,1 triệu bao (1 bao =60 kg), so với 53 triệu bao của niên vụ trước.

Đường đi lên

Giá đường cũng tăng trong phiên vừa qua do triển vọng nguồn cung bị thắt chặt do mất mùa mía ở Thái Lan và Ấn Độ.

Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,19 US cent (1,2%) lên 15,59 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 3,7 USD (0,88%) lên 423,4 USD/tấn.

Theo chuyên gia Kim Dahan của hãng môi giới Sucden Financial, thời tiết khô hạn có thể khiến sản lượng mía Thái Lan năm nay chỉ đạt khoảng 80 triệu tấn, so với 131 triệu tấn của năm ngoái

Cao su tăng

Giá cao su trên sàn Tokyo tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 1 tháng do đồng yen yếu đi thúc đẩy hoạt động mua vào. Giá cao su ở Thượng Hải cao cũng góp phần hỗ trợ giá cao su Tokyo đi lên.

Kết thúc phiên, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn TOCOM tăng 2,9 JPY lên 189,5 JPY (1,7 USD)/kg, mức cao nhất kể từ 24/1. Tính chung cả tuần, giá tăng 3,6%. Tại Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 cũng tăng 65 CNY lên 11.720 CNY (1.666 USD)/tấn.

Đồng yen giảm giá 2% so với USD trong 2 phiên vừa qua do lo ngại ảnh hưởng của virus corona đến Châu Á. Lượng cao su lưu khi trên sàn Thượng Hải tuần nay tăng 0,2% so với tuần trước.

Gừng tiếp tục tăng mạnh

Chỉ trong vòng 3 tuần qua, giá gừng thế giới đã tăng gấp đôi.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh virus corona, việc cung cấp gừng từ Trung Quốc bị sụt giảm nghiêm trọng, sản xuất ở nước này thấp hơn rất nhiều so với bình thường nên không có hàng để xuất đi các nước khác, trong đó có Châu Âu. Trong khi đó, đây lại là thời điểm tiêu thụ gừng cao nhất trong năm. Các thương gia trong ngành dự giá sẽ còn tiếp tục tăng trong nhiều tuần tới vì nguồn gừng do các nước khác cung cấp như Peru hay Brazil cũng đang ở mức hạn hẹp.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 22/2

Thị trường ngày 22/2: Giá vàng tiếp tục leo dốc, lên gần 1.650 USD/ounce - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên