MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 25/10: Giá đường cao nhất 9 tháng rưỡi, than cao nhất 2 tuần

25-10-2018 - 08:02 AM | Thị trường

Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá dầu Brent giảm trong khi WTI tăng. Kim loại quý và kim loại cơ bản đồng loạt giảm.


Dầu WTI hồi phục, Brent giảm tiếp

Giá dầu Mỹ tăng nhẹ trong phiên vừa qua do dự trữ dầu thô của nước này sụt giảm và thị trường vẫn có tâm lý lo ngại về ảnh hưởng của việc Mỹ trừng phạt xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 39 US cent (0,6%) lên 66,82 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 27 US cent tương đương 0,4% xuống 76,71 USD/thùng do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu trên toàn cầu trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn trong sắc đỏ.

Bộ Năng lượng Mỹ thông báo dự trữ xăng đã giảm 4,8 triệu thùng xuống 229,3 triệu thùng trong tuần vừa qua, thấp nhất kể từ tháng 12/2017, dự trữ các sản phẩm chưng cất, trong đó có dầu diesel, cũng giảm 2,3 triệu thùng – nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, dự trữ dầu thô đã tăng 6,3 triệu thùng, trong khi giới phân tích dự báo là chỉ tăng 3,7 triệu thùng.

Tác động nhiều đến giá dầu Brent – tham chiếu cho thị trường dầu toàn cầu – là việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2019 và Saudi Arabia khẳng định có đủ năng lực gia tăng cung cấp một cách nhanh chóng để bù đắp toàn bộ số dầu mất đi do Iran.

Kim loại quý giảm do USD mạnh lên

Giá vàng giảm bởi chỉ số dollar index đã tăng lên mức cao nhất kể từ 17/8/2018. Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.228,75 USD/ounce, trong khi vàng giao sau giảm 0,3% xuống 1.232,8 USD/ounce.

Palađi giảm 1,2% xuống 1.126,6 USD/ounce sau khi lập mức cao kỷ lục ở phiên giao dịch trước. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định một khi đã vượt ngưỡng 1.100 USD thì palađi có thể sẽ còn tăng thêm nữa. Bạc cũng giảm 0,3% xuống 14,68 USD/ounce trong phiên vừa qua, còn bạch kim giảm 0,4% xuống 826,99 USD/ounce.

Kim loại cơ bản giảm

Giá kim loại cơ bản giảm vào lúc đóng cửa phiên vừa qua cũng do USD mạnh lên trong khi chứng khoán toàn cầu tiếp tục mất điểm khiến nhà đầu tư giảm sự quan tâm tới những tài sản có độ rủi ro cao.

Với hợp đồng giao sau 3 tháng trên sàn London – tham chiếu cho thị trường toàn cầu, giá đồng giảm 0,3% xuống 6.179 USD/tấn, nhôm giảm 0,2% xuống 1.998 USD/tấn, chì giảm 0,6% xuống 2.005 USD/tấn, nickel giảm 1,2% xuống 12.225 USD/tấn và thiếc giảm 0,1% xuống 19.275 USD/tấn.

Riêng mặt hàng kẽm, mặc dù cũng giảm vào cuối phiên giao dịch nhưng đã trải qua một phiên biến động mạnh. Mặc dù kết thúc ở mức giảm 0,2% xuống 2.663 USD/tấn, nhưng đầu phiên, kim loại dùng trong ngành mạ thép này đã vọt lên mức cao nhất 3 tuần. Thị trường kẽm luôn tích cực kể từ sau khi giá xuống mức thấp nhất 22 tháng hồi tháng 8 vừa qua. Từ tháng 8/2018 tới nay, kẽm đã tăng giá 16,5%, và hiện mức chênh lệch giá giữa hợp đồng giao ngay với hợp đồng giao sau 3 tháng vẫn ở mức 47 USSD, tức là sát mức cao nhất 1 năm đạt tới vào ngày 22/10/2018 (63 USD), dấu hiệu cho thấy nguồn cung ngắn hạn vẫn đang khan hiếm. Lượng kẽm lưu kho của sàn London đã giảm từ 240.000 tấn hồi tháng 8 xuống dưới 100.000 tấn hiện nay, sát mức thấp nhất 10 năm.

Giá đất hiếm nguy cơ tăng vọt

Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện việc hạn chế sản xuất đất hiếm trong 6 tháng cuối năm 2018, động thái có khả năng làm tê liệt xuất khẩu mặt hàng này và gây nguy cơ đẩy giá tăng vọt và các nhà sản xuất ô tô điện và đồ điện tử sẽ phải "đào xới cả trái đất" để tìm kiếm nguồn cung khác thay thế Trung Quốc.

Theo công ty nghiên cứu về đất hiếm Adamas Intelligence, trong 6 tháng cuối năm 2018, hạn ngạch đất hiếm của Trung Quốc giảm khoảng 36% trong bối cảnh Chính phủ nước này nỗ lực kiểm soát chất lượng môi trường.

Hạn ngạch sản xuất của nước này trong nửa đầu năm 2018 là 70.000 tấn, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng nửa cuối năm 2018 chỉ còn 45.000 tấn, thấp nhất trong vòng hơn 5 năm và chỉ đủ cuntg cấp cho các khách hàng nội địa của nước này.

Trong khi đó, ngành xe điện của Trung Quốc đang rất phát triển, và việc Trung Quốc tăng cuồng xuất khẩu xe điện ra thị trường quốc tế khiến cho thị trường đất hiếm sẽ càng nóng hơn. Chuyên gia Ryan Castilloux của Adamas Intelligence dự báo giá đất hiếm có thể sẽ tăng 10 – 50% trong vòng 12 tháng tới, và thậm chí sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới do cầu vượt cung.

Than tăng do lo ngại về nguồn cung

Giá than cốc tại Trung Quốc vừa trải qua phiên tăng mạnh nhất trong vòng 2 tuần bởi lo ngại nguồn cung khan hiếm khi các tỉnh phía Đông Bắc nước này thực hiện các biện pháp chống ô nhiễm môi trường.

Trên sàn Đại Liên, than cốc tăng 2,6% lên 2.435 CNY (350,96 USD0/tấn, cao nhất kể từ 12/10/2018. Tuần này, một số nhà sản xuất ở vùng Đông Bắc đã nâng giá hàng thực thêm 50 – 100 CNY/tấn, kéo giá hợp đồng kỳ hạn tăng theo. Than luyện cốc cũng tăng 1,1% lên 1.395 CNY/tấn sau khi xảy ra một vụ tai nạn ở tỉnh Sơn Đông làm chết 3 người và khiến cho 41 mỏ phải tạm thời ngừng khai thác.

Đường thô cao nhất 9,5 tháng

Giá đường thô vừa lập mức cao nhất 9 tháng rưỡi do sản lượng giảm ở Brazil. Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 3 năm sau kết thúc phiên tăng 0,2 US cent tương đương 1,5% lên 14,01 US cent/lb, trước đó có lúc đạt 14,24 US cent, cao nhất kể từ tháng 1/2018.

Sản lượng đường Brazil nửa đầu tháng 10/2018 giảm 43% do thiếu mưa và các nhà máy tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol hơn là đường.

Cao su giảm vì lo ngại nhu cầu của Trung Quốc yếu đi

Giá cao su tại Tokyo giảm trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu chậm lại ở nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc. Hợp đồng giao tháng 3/2019 trên sàn Tokyo giảm 0,3 JPY tương đương 0,2% xuống 166,8 JPY (1,48 USD)/kg. Hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải cũng giảm 80 CNY xuống 11.945 CNY (1.721 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống chỉ 11.835 CNY, thấp nhất kể từ 7/9/2018.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý 3/2018 chỉ đạt 6,5%. Mặc dù chính phủ nước này đã bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế, hướng vào hỗ trợ các công ty tư nhân, nhưng giới đầu tư vẫn lo ngại về hiệu quả của các biện pháp này.

Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của Thái Lan tháng 9/2018 giảm trong khi tại Indonesia sản lượng giảm khiến nguồn cung khan hiếm có thể giúp giá cao su hồi phục vào tháng tới.

Rau củ Trung Quốc giảm, trừ ớt và cà chua

Nguồn cung rau trên thị trường Trung Quốc tiếp tục được cải thiện nên giá nhìn chung giảm dần. Hiện giá rau trung bình tại chợ bán buôn Xinfadi (Bắc Kinh) là 2,17 CNY/kg, giảm 3,56% so với cách đây 2 tuần. Các tỉnh trồng rau lân cận bắt đầu bước vào mùa thu hoạch, kỳ vọng giá sẽ còn giảm thêm nữa để về bằng mức cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện giá cà chua và ớt vẫn ở mức cao, và có thể phải vài tuần nữa mới giảm. Tại chợ bán buôn và bán lẻ Nanjing Zhongcai, cà chua bán buôn hiện giá 6,2 CNY (0,89 USD)/kg, cao hơn 50% so với chỉ 4 CNY (0,58 USD) cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân bởi các khu vực sản xuất cà chua chính năm nay bị thiên tai nên nguồn cung sụt giảm.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 25/10

Thị trường ngày 25/10: Giá đường cao nhất 9 tháng rưỡi, than cao nhất 2 tuần - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên