MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 25/6: Giá dầu giảm hơn 5%, vàng rời đỉnh 7,5 năm

25-06-2020 - 07:52 AM | Thị trường

Giá dầu, vàng và nhiều mặt hàng quan trọng khác trên thị trường quốc tế phiên 24/6 đồng loạt giảm sau thông tin số ca nhiễm virus corona mới ở Mỹ trong tuần kết thúc vào 21/6 đã tăng 25%, trong khi số người tử vong vì virus này ở Mỹ Latinh đã vượt qua con số 100.000 tính tới ngày 23/6.

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 24/6 cho biết, tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch COVID-19 đã khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi trong năm nay. Do đó, IMF hạ 1,9 điểm phần trăm trong dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, xuống 4,9%. Dự báo về tăng trưởng năm 2021 được cho là sẽ vững ở 5,4%.

Thị trường Trung Quốc sẽ đóng cửa nghỉ dịp Lễ hội Đua thuyền Rồng trong hai ngày thứ 5 (25/6) và thứ 6 (26/6) nên phiên 24/6 là phiên giao dịch cuối cùng của các sang giao dịch Trung Quốc trong tuần này.

Dầu giảm trên 5% do tồn trữ dầu thô của Mỹ cao kỷ lục và số ca nhiễm Covid-19 tăng

Giá dầu giảm trên 2 USD, tương đương 5% trong phiên vừa qua do tồn trữ dầu thô của Mỹ cao kỷ lục và số ca nhiễm virus corona tăng mạnh ở một số quốc gia như Đức, và những khu đông dân cư của Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 3,23 USD (5,4%) xuống 40,31 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 2,36 USD (5,8%) xuống 38,01 USD/thùng.

Theo số liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ vừa công bố, tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần vừa qua đã tăng 1,4 triệu thùng, vượt mức dự đoán là 299.000 thùng, là tuần thứ 3 liên tiếp tăng. Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ tháng 5/2020 đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011. Nhập khẩu dầu vào Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới – dự báo cũng sẽ giảm trong quý III/2020, sau khi đã mua mạnh gần đây.

Số ca nhiễm virus corona ở Mỹ đã tăng nhiều thứ 2 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trương tự, tình hình lây nhiễm ở Trung Quốc, Mỹ Latinh và Ấn Độ cũng diễn biến phức tạp, khiến các nhà đầu tư lại dấy lên lo ngại về triển vọng giá dầu. Đồng USD mạnh lên càng gây áp lực lên giá dầu.

Vàng giảm khỏi mức cao nhất 7,5 năm

Giá vàng quay đầu giảm vào cuối phiên vừa qua sau khi lập kỷ lục cao nhất trong vòng 7 năm rưỡi vào đầu phiên, do các nhà đầu tư có xu hướng bán các tài sản ra để thu tiền mặt về trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona gia tăng trở lại.

Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay vững ở 1.766,21 USD/ounce, giảm từ mức 1.779,06 USD lúc đầu phiên – cao nhất kể từ đầu tháng 10/2012; vàng kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 0,4% xuống 1.775,1 USD/ounce.

Thị trường ngày 25/6: Giá dầu giảm hơn 5%, vàng rời đỉnh 7,5 năm - Ảnh 1.

Thép tăng giá

Giá thép tại Trung Quốc phiên giao dịch vừa qua dao động trong biên độ hẹp. Thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 0,2% lên 3.620 CNY (512,28 USD)/tấn; tuy nhiên tính chung cả tuần này vẫn giảm 0,7% do nhu cầu thép bước vào mùa thấp điểm. Thép cuộn cán nóng trong cùng phiên giảm 0,4% xuống 3.064 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 0,5% xuống 13.150 CNY/tấn.

Quặng sắt trong phiên vừa qua (trên sàn Đại Liên) tăng 2,1% lên 771 CNY/tấn và tính chung cả tuần tăng 0,3%. Dữ liệu của Mysteel cho thấy sản lượng 5 loại thép chủ chốt trong tuần kết thúc vào ngày 18/6 (trong đó có thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng) tiếp tục tăng lên 10,94 triệu tấn, làm gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung trong giai đoạn nhu cầu giảm sút.

Đồng giảm do số ca nhiễm virus tăng

Giá đồng cũng giảm trong phiên vừa qua do số ca nhiễm mới có dấu hiệu tăng lên gây lo ngại kinh tế toàn cầu vốn đang hồi phục mong manh sẽ suy yếu trở lại. Giá đồng giảm bất chấp thông tin cho thấy khả năng nguồn cung ở Chile – nước sản xuất đồng hàng đầu thế giới – bị gián đoạn.

Kết thúc phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,5% xuống 5.878 USD/tấn.

Đường thấp nhất 1 tuần

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 trên sàn New York cuối phiên giảm 0,04 US cent (0,3%) xuống 11,75 US cent/lb, trước đó có thời điểm chạm mức thấp nhất 1 tuần là 11,65 US cent. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 5,9 USD, tương đương 1,6%, xuống 356,7 USD/tấn.

Mức cộng giữa hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 8 so với tháng 10 giảm còn 2 USD, từ mức 28 USD hồi cuối tháng 5, cho thấy dấu hiệu tình trạng khan hiếm nguồn cung đã dịu lại. Mức cộng giá đường trắng cũng giảm xuống dưới 100 USD/tấn. Từ mức hơn 130 USD hồi cuối tháng 5.

Các yếu tố cơ bản đối với cả cung và cầu đều yếu đi. Việc nhiều nhà hàng, quán bar đóng cửa và các sự kiện phải hủy bỏ sẽ khiến tiêu thụ đường vụ này suy giảm – lần giảm đầu tiên trong vồng 40 năm, theo nhận định của hãng tư vấn Agritel.

Sản lượng đường ở khu vực trung nam Brazil trong vụ 2020/21 dự báo đạt 10,57 triệu tấn, tăng 57% so với cùng vụ năm trước, theo dự báo của Unica.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn New York giảm 0,4%, tương đương 97,8 US cent/lb vào cuối phiên vừa qua. Robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 9 USD, tương đương 0,8%, xuống 1.176 USD/tấn.

Cao su giảm

Giá cao su trên sàn Tokyo – tham chiếu cho thị trường Châu Á – giảm trong phiên vừa qua do số ca nhiễm virus corona gia tăng ở Mỹ và nhiều nơi khác, gây lo ngại kinh tế thế giới suy yếu trở lại và tiến trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.

Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,3 JPY xuống 157,5 JPY (1,48 USD)/kg. Hợp đồng kỳ hạn tháng 6 đáo hạn trong phiên 24/6.

Đồng yen mạnh lên càng gây áp lực giảm giá đối với cao su, vì làm cho những tài sản mua bằng các loại tiền tệ khác trở nên rẻ hơn. USD trong phiên vừa qua niêm yết ở mức 106,54 JPY, so với 107,10 JPY của phiên liền trước.

Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 50 CNY xuống 10.325 CNY (1.460 USD)tấn, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore giảm 0,6% xuống 114,6 US cent/kg. Lượng cao su lưu kho trên sàn Thượng Hải đã giảm 0,4% so với ngày 19/6.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 23/6 thông báo đã mở cuộc điều tra về việc nhập khẩu lốp xe từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam để xác định xem lốp xe nhập từ các thị trường này có được bán với giá thấp hơn so với giá trị thực hay không.

Thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc tháng 5 tăng gần gấp đôi lên 370.000 tấn

Trung Quốc đã nhập khẩu 370.000 tấn thịt lợn trong tháng 5/2020, tăng 86% so với cùng tháng năm ngoái, do sản lượng trong nước sụt giảm. Con số này gần bằng mức cao kỷ lục 400.000 tấn nhập khẩu trong tháng 4/2020. Tổng nhập khẩu thịt lợn trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1,72 triệu tấn, tăng 146% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính cả nội tạng thì tổng nhập khẩu thịt lợn từ đầu năm đến nay đạt 2,28 triệu tấn (nhập khẩu nội tạng đạt 510.000 tấn, tăng 62%).

Nhập khẩu vào thị trường này duy trì xu hướng tăng mạnh mặc dù các nhà cung cấp chính, trong đó có Mỹ và Brazil, phải đóng cửa nhiều nhà máy thịt do công nhân bị nhiễm virus corona. Sản lượng thịt lợn Trung Quốc quý I/2020 đã giảm gần 1/3, do dịch tả lợn Châu Phi, khiến giá thịt lợn trên thị trường này tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục.

Chè Ấn Độ tăng kỷ lục

Giá chè tại Ấn Độ đang tăng khoảng 40 – 60% do khan hiếm nguồn cung, nhất là những loại chè chất lượng cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ mà giá chè tăng mạnh như vậy. Lý do bởi dịch bệnh khiến cho các nhà máy chế biến chè phải đóng cửa vào đúng vụ thu hoạch chè tươi, gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trong phiên đấu giá tháng 5/2020, giá chè tại Guwahati tăng trên 52% đạt 217,12 Rupee/kg; trong khi tại Siliguri, giá tăng khoảng 39% lên 204,25 Rupee/kg. Đến giữa tháng 5, giá tại Guwahati đã tăng 61% lên mức 217,12 Rupee trong khi Siliguri duy trì mức tăng 39%. Đặc biệt, các loại chè chất lượng tốt giá còn tăng nhiều hơn nữa.

Hiệp hội Chè Ấn Độ tính toán rằng nguồn cung ở nước này thiếu khoảng 120 – 140 triệu kg, và tình trạng thiếu hụt có thể sẽ kéo dài sang năm 2021 nếu thời tiết bình thường, còn nếu thời tiết xấu có thể còn kéo dài hơn nữa.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 25/6

Thị trường ngày 25/6: Giá dầu giảm hơn 5%, vàng rời đỉnh 7,5 năm - Ảnh 2.


Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên