Thị trường ngày 27/3: Vàng bật tăng mạnh do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cao kỷ lục, dầu đảo chiều giảm
Chốt phiên đêm qua lo lắng về sự lây lan của virus corona làm lu mờ gói kích kích khổng lồ trị giá 2 nghìn tỷ USD của Mỹ khiến nhiều mặt hàng quay đầu giảm. Trong khi đó vàng tăng mạnh sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục.
- 25-03-2020Thị trường ngày 25/3: Giá vàng tăng tiếp gần 6%, bạc và các kim loại quý khác đồng loạt tăng vọt
- 24-03-2020Thị trường ngày 24/3: Giá vàng tăng vọt hơn 60 USD, xăng tại Mỹ giảm kỷ lục hơn 30% chỉ sau 1 đêm
- 21-03-2020Thị trường ngày 21/3: Giá dầu thô quay đầu giảm hơn 10%, vàng bật tăng
Dầu giảm hơn 1 USD
Giá dầu giảm hơn một USD trong phiên vừa qua, sau 3 phiên tăng liên tiếp, do nhu cầu giảm bởi việc hạn chế di chuyển trên thế giới nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus corona.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nhu cầu dầu thế giới có thể giảm 20 triệu thùng/ngày hay 20% tổng nhu cầu, khi 3 tỷ người hiện nay ở nhà do sự bùng phát của virus corona.
Chốt phiên 26/3, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,05 USD hay 3,8% xuống 26,34 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas giảm 1,89 USD hay 7,7% xuống 22,6 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã giảm khoảng 60% trong năm nay.
Các thị trường dầu mỏ đã nhận được hỗ trợ từ gói kích thích kinh tế của Mỹ, nhưng hầu hết các hoạt động vẫn không thay đổi, thị trường tràn ngập dầu. Nhu cầu đang giảm dần và sản lượng tăng, triền vọng cho thị trường dầu mỏ là ảm đạm.
Giá dầu Mỹ thấp hơn đáng kể so với dầu thô Brent. Bộ Năng lượng Mỹ đã loại bỏ kế hoạch mua dầu thô cho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược sau khi tiền tài trợ không được bao gồm trong gói kích thích kinh tế.
Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu toàn cầu (ở khoảng 100 triệu thùng/ngày trong năm 2019) sẽ giảm 10,5 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2020 và 18,7 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020. Theo ngân hàng Wall Street trong cả năm nay, tiêu thụ dầu dự kiến giảm khoảng 4,25 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu đang suy yếu dẫn tới các nhà máy lọc dầu từ Texas tới Thái Lan giảm mức độ hoạt động. Điều đó, quay trở lại sẽ làm tăng áp lực cho giá dầu, Goldman dự kiến giá dầu sẽ vẫn gần 20 USD/thùng trong quý 2/2020.
Các công ty dầu và khí trên thế giới đã phản ứng nhanh chóng với giá dầu sụt giảm, bằng cách giảm chi tiêu khoảng 20%.
Đồng thời, sự sụp đổ của hiệp ước cắt giảm nguồn cung giữa OPEC và các nhà sản xuất khác dẫn đầu là Nga, có thể thúc đẩy nguồn cung, Saudi Arabia dự định xuất khẩu hơn 10 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2020.
Vàng tăng do tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cao kỷ lục
Giá vàng tăng trong phiên qua, sau khi số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục và thúc đẩy kỳ vọng kích thích kinh tế hơn nữa để giảm tổn thất toàn cầu từ đại dịch virus corona.
Số liệu thất nghiệp gây thêm áp lực giảm với USD giảm xuống thấp nhất một tuần so với các đồng tiền đối thủ, tăng sức hấp dẫn của vàng, được xem như nơi trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay tăng 1,1% lên 1.631,05 USD/ounce. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 chốt phiên tăng 1,1% lên 1.651,2 USD/ounce, cao hơn vàng giao ngày London.
Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên mức cao nhất lịch sử hơn 3 triệu vào tuần trước vì các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch virus corona đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, các nhà đầu tư trên thị trường vàng vẫn lo ngại về nguồn cung thắt chặt trên thị trường, sau khi có sự khác nhau mạnh trong giá tại London và New York khi virus corona làm đóng cửa các nhà máy luyện kim loại quý.
Đồng giảm giá
Giá đồng giảm do các thị trường không ổn định và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nhu cầu kim loại làm lu mờ gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) chốt phiên giảm 1% xuống 4.805 USD/tấn. Kim loại này được sử dụng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế, đã tăng khoảng 5% trong 2 phiên trước.
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 2 nghìn tỷ USD nhằm giúp đỡ những người lao động thất nghiệp và các ngành bị tổn thương bởi dịch virus corona, nhưng không thể khuấy động giá đồng trong thời gian dài.
Theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Tổng cục Hải quan nhập khẩu đồng đã tinh luyện của Trung Quốc tăng 7,9% trong hai tháng đầu năm 2020 so với một năm trước lên 585.001 tấn.
Công ty khai thác đồng hàng đầu thế giới Codelco cho biết họ sẽ dừng xây dựng một số dự án gồm mỏ Chuquicamata trong một nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.
Các cảng xuất khẩu của Nam Phi sẽ đóng cửa xuất khẩu khoáng sản từ nửa đêm, khi lệnh phong tỏa kéo dài 21 ngày trên toàn quốc, làm gián đoạn nguồn cung cấp đồng và coban từ Congo và Zambia.
Quặng sắt Trung Quốc tiếp tục tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng do lo ngại nguồn cung do các biện pháp kiềm chế virus corona trên khắp thế giới, nhưng triển vọng nhu cầu không chắc chắn đối với nguyên liệu thô sản xuất thép và sản phẩm thép đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 0,7% lên 662 CNY (93,4 USD)/tấn.
Các nhà xuất khẩu quặng sắt Australia, Ấn Độ, Canada và Nam Phi tất cả đã áp đặt các biện pháp để kiềm chế đại dịch, trong khi công ty khai thác quặng sắt Vale SA của Brazil đã dừng hoạt động tại một cơ sở phân phối ở Malaysia.
Tuy nhiên, giá quặng sắt giao tháng 4 tại Singapore giảm 1,4% trong giao dịch buổi chiều, do nghi ngờ về hiệu quả của gói kích thích khổng lồ của Mỹ.
Thép cây tại Thượng Hải tăng 0,1%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,9%. Thép không gỉ tăng 0,3%.
Cao su TOCOM giảm
Cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm, do gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ không bù được cho lo lắng về nhu cầu nguyên liệu này đang chậm lại trong bối cảnh thế giới phong tỏa.
Giá cao su TOCOM kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm nhẹ 0,1 JPY xuống 151,6 JPY (1,38 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải tăng 10 CNY lên 9.855 CNY (1.391 USD)/tấn.
Cà phê arabia giảm mạnh, giá tại Việt Nam tăng
Cà phê arabia đóng cửa giảm 5,3 US cent hay hơn 4% xuống 1,2465 USD/lb. Trong phiên giá đã chạm 1,3065 USD/lb mức cao nhất trong 2,5 tháng, nhưng đã đảo chiều đóng cửa giảm lần đầu tiên kể từ ngày 17/3.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 18 USD hay 1,6% xuống 1.241 USD/tấn.
Tại Việt Nam giá cà phê tăng trong tuần này do các thương nhân dự trữ sau khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung bởi dịch bệnh Covid-19 tại Brazil, nhà sản xuất robusta đối thủ.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở giá 31.200 - 31.500 đồng (1,32 - 1,33 USD)/kg, tăng từ 30.500 đồng một tuần trước.
Thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 (5% hạt đen và vỡ) ở mức cộng 120 - 150 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 5 tại London, một tuần trước mức cộng là 155 USD.
Tại Indonesia, một thương nhân lại Lampung cho biết cà phê robusta được chào bán ở mức cộng 300 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5, giá tương đương một tuần trước. Giao dịch vẫn trầm lắng do các nhà xuất khẩu đợi vụ thu hoạch mới.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,8 US cent hay 0,7% xuống 11,33 US cent/lb.
Các nhà máy đường Brazil nhanh chóng sản xuất trong vụ mới, chế biến 3 triệu tấn trong nửa đầu tháng 3, tăng 88% so với cùng kỳ một năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 11,5 USD hay 3,4% lên 350,4 USD/tấn.
Việc phong tỏa tại Ấn Độ có thể gây thiệt hại cho xuất khẩu đường trắng từ quốc gia này.
Giá gạo Ấn Độ thấp nhất 3 tháng, gạo Thái Lan rời mức đỉnh 6,5 năm
Phong tỏa trên toàn quốc tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ để kiềm chế sự lây lan của virus corona đã đẩy giá gạo xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, trong khi giá gạo Thái Lan rời khỏi mức cao nhất trong nhiều năm do sự biến động của đồng nội tệ.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống 361 – 365 USD/tấn trong tuần này – thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2019 – do các nhà xuất khẩu gạo đang vật lộn bởi phong tỏa. Giá đã giảm từ 363 – 367 USD/tấn một tuần trước. Toàn bộ chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn bởi lệnh phong tỏa 21 ngày của Ấn Độ.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã giảm xuống 468 - 495 USD/tấn trong ngày 26/3 so với mức đỉnh 6,5 năm tại 480 – 505 USD một tuần trước.
Giá gạo giảm là do sự biến động trong đồng nội tệ, trong khi tình trạng cung cầu vẫn không đổi.
Thị trường Thái Lan vẫn thận trọng về những vấn đề nguồn cung, gây ra bởi một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi các thương nhân cho biết dịch bệnh cũng làm tăng nhẹ nhu cầu trong nước với một số loại gạo.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm không có sẵn sau khi chính phủ thông báo dừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới cho tới ngày 28/3 để xem xét đảm bảo nguồn cung trong nước đầy đủ trong đại dịch.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/3