Thị trường ngày 27/9: Fed nâng lãi suất kéo giá dầu, vàng, thép, cao su đồng loạt giảm, đường xuống thấp nhất 10 năm
Fed nâng lãi suất khiến vàng sụt giảm, trong bối cảnh nhiều thị trường khác vẫn đang lo ngại về hậu quả của cuộc chiến thuế nhập khẩu do Mỹ khởi xướng.
- 26-09-2018Đấu giá hạn ngạch nhập khẩu 94.000 tấn đường, Vinamilk trúng lớn với 20.000 tấn
- 26-09-2018Giá tiêu đen tăng nóng vượt qua mốc 50 triệu đồng/tấn do nhu cầu xuất khẩu
- 26-09-2018Thị trường ngày 26/9: Giá dầu cao nhất 4 năm, nhóm kim loại đồng loạt giảm
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 26/9 thông báo tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng lên khoảng 2 – 2,25%. Đây là các mức lãi suất được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại nước này.
Fed đồng thời nâng triển vọng tăng trưởng năm nay từ 2,8% lên 3,1%, dự báo tăng trưởng giảm còn 2,5% trong năm 2019 – cao hơn so với mức 2,4% đưa ra trước đó, do lo ngại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang, 2% trong năm 2020.
Lạm phát dự báo ở gần 2% trong 3 năm tới, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,5% trong năm 2019 và duy trì hết năm 2020 trước khi tăng nhẹ vào năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 3,9%.
Phần lớn các nhà lập chính sách tại Fed hiện ủng hộ tăng lãi suất vào tháng 12, lần tăng thứ 4 trong năm nay. Theo Reuters, Fed có thể tăng lãi suất 3 lần nữa trong năm 2019, 1 lần trong năm 2020.
Động thái của Fed đã có tác động tới các thị trường tài chính, trong đó hầu hết làm cho giá hàng hóa giảm vì đồng USD mạnh lên.
Dầu giảm nhưng vẫn trên 80 USD
Giá dầu đảo chiều giảm trong phiên vừa qua sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô trong nước bất ngờ tăng. Dầu Brent giảm 53 US cent xuống 81,34 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 71 US cent xuống 71,57 USD/thùng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tới 21/9/2018 tăng 1,9 triệu thùng lên 396 triệu thùng do nhiều nhà máy lọc dầu tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng.
Như vậy giá dầu Brent đã 5 liên tiếp duy trì trên 80 USD do lo ngại về vấn đề của Iran (đợt dài nhất kể từ đầu năm 2007 để bắt đầu cho cú vươn lên mức giá kỷ lục 147,50 USD/thùng sáu quý sau đó).
Commerzbank trong một thông báo có đoạn viết: "Giá dầu tăng gần đây chủ yếu do ông Trump… ông đã khiến cho thị trường lại chú ý vào vấn đề trừng phạt Iran, mặc dù thị trường đang đủ cung do OPEC và Nga tăng sản lương".
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc mới đây lại kêu gọi OPEC bơm thêm dầu vào thị trường, đồng thời cáo buộc Iran đã gây ra sự hỗn loạn (hiện nay) và dọa sẽ trừng phạt mạnh tay hơn nữa. Chính quyền Mỹ quyết định chưa vội xuất dầu dự trữ ra để bình ổn thị trường, mà tiếp tục để các nước sản xuất dầu lớn cân đối cung cầu cho thị trường thế giới.
Một lãnh đạo ngành dầu của Nigeria khẳng định OPEC sẽ hành động để cho thị trường cân đối sau khi giá lên mức cao kỷ lục 4 năm, nhưng các giải pháp của họ có thể bị giới hạn bởi công suất sản xuất.
Vàng giảm do Mỹ nâng lãi suất
Vàng giảm ngay từ đầu phiên giao dịch do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và dự báo tăng trưởng kinh tế trong 3 năm tới sẽ vẫn tích cực.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.197,21 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 12/2018 giảm 6 USD tương đương 0,5% xuống 1.199.1 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán toàn cầu nói riêng và chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm càng gây áp lực lên giá vàng. Commerzbank cho biết vàng đang mắc kẹt dưới ngưỡng kháng cự kỹ thuật (trung bình 55 ngày, là 1.208 USD).
Nhôm tăng tiếp do dự trữ sụt giảm
Giá nhôm trên sàn London đã tăng thêm 0,4% lên 2.080 USD/tấn do dự trữ tại các kho ngoại quan của sàn này giảm xuống dưới 1 triệu tấn lần đầu tiên kể từ tháng 3/2008 (còn 999.925 tấn).
Thép thấp nhất 2 tuần
Giá thép tại Trung Quốc giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất 2 tuần do giao dịch chậm lại trước kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới (Quốc khánh từ 1-5/10). Hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 0,6% xuống 4.064 CNY (591 USD)/tấn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định giá sẽ hồi phục trở lại sau kỳ nghỉ bởi Trung Quốc sắp áp lệnh hạn chế sản xuất trong mùa Đông ở miền Bắc để giảm ô nhiễm môi trường, trong đó riêng thành phố Đường Sơn – điểm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc – phải cắt giảm tới 70% sản lượng.
Quặng sắt tăng
Các nhà máy thép và các thương gia Trung Quốc đang tích cực ký những hợp đồng dài hạn mua quặng sắt chất lượng cao trước khi thực hiện cắt giảm sản lượng trong mùa đông. Đó là lý do khiến giá quặng sắt tăng giá, với hợp đồng giao tháng 1/2019 trêm sàn Đại Liên tăng 0,6% lên 500 CNY/tấn; quặng sắt giao ngay tại Tần Hoàng Đảo tăng 0,2% lên 69,24 USD/tấn.
Đường trở lại mức thấp nhất 10 năm
Sau khi giảm hơn 4% trong phiên vừa qua, giá đường thô kỳ hạn giao tháng 10/2018 trên sàn New York chỉ còn 9,9 US cent/lb (giảm 0,46 US cent tương đương 4,4%), mức thấp chưa từng có trong vòng một thập kỷ qua. Hợp đồng giao tháng 3 năm sau cũng giảm 0,24 US cent tương đương 2,2% xuống 10,91 US cent/lb. Giá đường giao ngay đã giảm hơn 15% chỉ trong 10 phiên vừa qua, phần lớn cũng do lo ngại về việc Ấn Độ trợ cấp cho ngành đường. Đường trắng kỳ hạn giao tháng 12/2018 trên sàn London cũng giảm 5,8 USD tương đương 1,8% xuống 311,70 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 1 tháng là 311 USD/tấn.
Các quỹ đầu cơ đã đồng loạt bán tháo sau thông tin Ấn Độ, nước sản xuất đường hàng đầu thế giới – đã thông qua việc tăng tiền thanh toán cho người trồng mía cũng như trợ cấp cho việc vận chuyển đường tới các nhà máy. Các nhà máy đường Ấn Độ sẽ được khuyến khích xuất khẩu ít nhất 5 triệu tấn đường ra thị trường quốc tế.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm do lo ngại gia tăng về khả năng Mỹ áp thuế lên ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản – có thể ảnh hưởng tới nhu cầu ô tô cũng như lốp xe. Cao su kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Tokyo giảm 0,9 JPY tương đương 0,5% xuống 169 JPY (1,5 USD)/kg. Nhà phân tích Toshitaka Tazawa của hãng môi giới Fujitomi Co. dự báo giá sẽ duy trì trong khoảng 165 – 170 JPY/kg thêm một thời gian nữa.
Nhật Bản đang cân nhắc một hiệp định song phương với Mỹ theo đó sẽ hạ thuế nhập khẩu nông sản Mỹ để đổi lại không bị Mỹ tăng thuế đối với ô thô Nhật.
Tại các thị trường khác, cao su tại Thượng Hải kỳ hạn giao tháng 1 năm sau tăng 10 CNY lên 12.505 CNY (1.818,57 USD)/tấn; tại Singapore kỳ hạn tháng 10 tới vững ở 133,1 US cent/kg.
Thịt lợn Brazil được vào Ấn Độ
Ấn Độ vừa quyết định nhập khẩu thịt lợn Brazil để giảm áp lực về giá trên thị trường trong nước giữa bối ảnh dịch cúm lợn châu Phi đang hoành hành tại nước láng giềng Trung Quốc gây rung chuyển thị trường thịt lợn toàn cầu.
Với 1,3 tỷ dân và thu nhập đang gia tăng đồng thời xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, người dân Ấn Độ đang thay đổi nhanh thói quen ăn uống, tăng sử dụng protein động vật trong các bữa ăn. Brazil là thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn thứ tư thế giới sau Châu Âu, Mỹ và Canada
Nguồn cung chè tiếp tục sụt giảm
Sri Lanka – nước sản xuất chè lớn thứ 4 thế giới - có thể phải hạ mục tiêu sản xuất chè năm nay sau khi sản lượng giảm 14% trong tháng 8/2018 so với cùng kỳ năm ngoái, do hạn hán kéo dài. Ủy ban Chè nước này cho biết, tháng 8 giảm khiến cho sản lượng 8 tháng đầu năm giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hạn hán hiện vẫn đang tiếp diễn.
Ngành chè nước này đã từng kỳ vọng sản lượng năm 2018 sẽ đạt 320 triệu kg. Năm 2017, sản lượng của Sri Lanka tăng 5% so với năm trước, lên 307,1 triệu kg, sau khi chỉ đạt 292,6 triệu kg năm 2016 do hạn hán.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng 27/9/2018