MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 31/7: Giá dầu tăng trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất, quặng sắt cao nhất 2 tuần

31-07-2019 - 08:25 AM | Thị trường

Giá dầu và vàng tiếp tục tăng trong phiên vừa qua bởi kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất, quặng sắt cũng tăng do yếu tố nguồn cung. Tuy nhiên, giá thép, cao su, lúa mì, ngô…đồng loạt đi xuống.

Dầu tăng do dự đoán Fed hạ lãi suất và dự trữ dầu thô Mỹ giảm

Giá dầu tăng khoảng 2% đạt mức cao nhất 2 tuần do lạc quan về khả năng tuần này Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm, giúp cho nhu cầu dầu ở thị trường tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này sẽ tăng lên.

Dầu Brent kỳ hạn tháng 9/2019 tăng 1,01 USD tương đương 0,6% lên 64,72 USD/thùng; dầu Tây Texax (Mỹ) giao cùng kỳ hạn tăng 1,18 USD tương đương 2,1% lên 58,05 USD/thùng.

Mỹ sắp công bố số liệu về dự trữ dầu thô hàng tuần, theo đó dự đoán dự trữ sẽ giảm 7 tuần liên tiếp, cũng hỗ trợ giá dầu tăng lên. Các nhà phân tích ước tính tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần vừa qua giảm 2,6 triệu thùng.

Tuy nhiên, đối với hợp đồng kỳ hạn xa hơn thì giá cả 2 loại dầu đều giảm do lo ngại về nhu cầu, trong đó dầu Brent giảm hơn 2%, còn WTI giảm hơn 1%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần yêu cầu Fed hạ mạnh lãi suất và từng nói rằng ông thất vọng với cơ quan này vì họ đã gây trở ngại cho nhiều hành động của ông. Ngân hàng trung ương Mỹ đang tiến hành kỳ họp 2 ngày, dự kiến sẽ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất vay lần đầu tiên kể từ sau đợt giảm lãi suất do khủng hoảng chính sách đây hơn một thập kỷ.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2/2019 không thấp như dự kiến, mang lại hy vọng tiêu thụ dầu ở thị trường này gia tăng, nhưng ở những nơi khác, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng gây lo ngại nhu cầu dầu sẽ tăng chậm lại.

Rủi ro về nguồn cung vẫn còn đó do căng thẳng ở khu vực eo biển Hormuz, nơi mà 1/5 lượng dầu thế giới phải đi qua. Hãng BP cho hay từ 10/7/2019 đến nay, họ không đưa bất cứ con tàu nào của mình qua khu vực này để tránh bị Iran bắt giữ. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã chính thức đề nghị Đức tham gia cùng Pháp và Anh trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các tàu khi qua eo biển Hormuz để tránh sự tấn công của Iran.

Quặng sắt cao nhất 2 tuần

Giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng hơn 3% trong phiên vừa qua, nối tiếp đà tăng 4 phiên liên tiếp, do dự báo nhập khẩu nguyên liệu thép này yếu trong tháng 7/2019, do đó nguồn cung tại nước sản xuất thép số 1 thế giới sẽ tiếp tục khan hiếm.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua có lúc tăng 3,5% lên 780 CNY (113,23 USD)/tấn; kết thúc phiên tăng 2,4% lên 771,5 CNY/tấn, cao nhất kể từ 16/7/2019. Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc có giá tăng 0,4% lên 117 USD/tấn.

Nhập khẩu quặng sắt trung bình hàng tuần từ Brazil và Australia vào Trung Quốc giảm trong suốt 3 tuần đầu tháng 7/2019 so với cùng kỳ tháng 6/2019, trong đó từ Brazil giảm 8% xuống 5,9 triệu tấn, còn từ Australia giảm 13% xuống 15 triệu tấn. Nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong tháng 6/2019 đã giảm xuống 75,18 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 2/2016.

Việc đóng cửa một số mỏ khai thác ở Brazil và sản lượng giảm ở Australia khiến thị trường nguyên liệu này rơi vào thiếu hụt. Tình hình sẽ được cải thiện dần từ nay đến 2020.

Thị trường ngày 31/7: Giá dầu tăng trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất, quặng sắt cao nhất 2 tuần - Ảnh 1.

Vàng tăng nhẹ

Giá vàng biến động nhẹ theo xu hướng đi lên trong phiên vừa qua giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi để biết thêm thông tin về khả năng Fed sẽ hạ lãi suất.

Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay chỉ nhích nhẹ 0,2% lên 1.429,38 USD/ounce, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 8/2019 tăng 0,7% lên 1.429,7 USD/ounce.

Đến ngày hôm qua, có tới 81% các thương gia cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm phần trăm.

Thép giảm

Giá thép trên thị trường Trung Quốc giảm trong phiên vừa qua. Cụ thể, thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.886 CNY/tấn, thấp nhất kể từ 21/6/2019, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,9% xuống 3.785 CNY/tấn, cũng thấp nhất 5 tuần.

Sản lượng thép thô toàn cầu tháng 6/2019 tăng 4,6% so với cùng tháng năm ngoái, lên 159 triệu tấn, trong đó riêng tại Trung Quốc tăng 10% lên 87,5 triệu tấn.

Chì giảm do tồn trữ nhiều

Giá chì giảm trong phiên giao dịch vừa qua do lượng lưu kho trên sàn London (LME) tăng làm giảm lo ngại thiếu cung giữa bối cảnh các số liệu kinh tế không khả quan cho thấy nhu cầu có thể yếu đi.

Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn LME, chì giao sau 3 tháng (hợp đồng tham chiếu) giá giảm 2,4% xuống 1.998 USD/tấn. Từ đầu tháng 5/2019 tới nay, giá chì đã tăng gần 20%, tuần qua đạt 2.177 USD/tấn, do sự cố ở một số nhà máy luyện chì Australia và Trung Quốc làm hạn chế sản lượng.

Dự báo nhu cầu ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – yếu đi đang gây áp lực giảm giá. Nhà phân tích Vivienne Lloyd thuộc hãng Macquarie dự báo giá chì sẽ còn giảm tiếp xuống khoảng 1.900 USD/tấn vào cuối năm nay, mặc dù nguồn cung vẫn thiếu hụt chút ít.

Lượng chì lưu kho trên sàn LME đã tăng 11.850 tấn lên 67.325 tấn, song vẫn gần thấp nhất trong vòng một thập kỷ.

Ngô thấp nhất 2 tuần, lúa mì và đậu tương cũng giảm

Giá ngô trên sàn Chicago chạm mức thấp nhất 2 tuần sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng ngô Mỹ sẽ cao hơn dự đoán của các nhà phân tích.

Kết thúc phiên vừa qua, giá ngô đã giảm 6 USD cent tương đương 1,5% xuống 4,21 USD/bushel. Lúa mì giảm 6-1/4 UScent tương đương 1,4% xuống 4,97-1/4 USD/bushel; đậu tương giảm 7-1/2 UScent tương đương 1,1% xuống 8,96-3/4 USD/bushel, thấp nhất 1 tháng.

USDA cho biết 58% diện tích ngô Mỹ vụ này đang phát triển trong điều kiện rất thuận lợi. Tỷ lệ này cao hơn 1 điểm phần trăm so với tuần trước.

Cà phê giảm

Giá cà phê quay đầu giảm bởi bớt lo ngại về khả năng sương gia gây thiệt hại cho mùa màng ở Brazil.

Kết thúc phiên gia dịch, cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 1,65 UScent tương đương 1,6% xuống 99,50 UScent/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 17 USD tương đương 1,2% xuống 1.354 USD/tấn.

Cao su giảm vì sắp kết thúc giai đoạn kiềm chế xuất khẩu

Giá cao su trên sàn Tokyo giảm trong phiên giao dịch vừa qua giữa bối cảnh lo ngại Malaysia và Indonesia có thể tăng xuất khẩu sau khi kết thúc giai đoạn kiềm chế xuất khẩu (ngày 31/7/2019).

Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn TOCOM, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 3,1 JPY tương đương 1,7% xuống 177,9 JPY (1,64 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 20 CNY xuống 10.636 CNY (1.545 USD)/tấn.

Theo thỏa thuận của Ủy bao Cao su Ba bên (ITRC), 2 nước sản xuất cao su Indonesia và Malaysia bắt đầu kiềm chế xuất khẩu cao su từ 1/4/2019 và kéo dài trong vòng 4 tháng. Riêng Thái Lan bắt đầu muộn hơn, từ 20/5/2019.

Số lợn nuôi của Trung Quốc có thể giảm 50%

Ngân hàng Hà Lan Rabobank dự báo số lợn nuôi ở Trung Quốc đến cuối năm 2019 có thể giảm một nửa so với một năm trước đó do dịch tả lợn Châu Phi.

Theo ngân hàng này, ở thời điểm hiện tại, số lợn đang có ở nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới này đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức đánh giá chính thức là 15% đến 26%.

Rabobank dự báo sản lượng thịt lợn Trung Quốc năm 2019 sẽ giảm 25% so với năm 2018. Sở dĩ mức độ giảm sản lượng thịt lợn cả năm nay thấp hơn mức giảm số lượng lợn bởi trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có rất nhiều lợn bị giết mổ. Ngân hàng này cho rằng sản lượng thịt lợn Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm tiếp 15%, và nước này cần 5 năm để khôi phục đàn lợn như trước khi bị dịch tả.

Đường tăng

Giá đường tăng theo xu hướng dầu thô. Đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 0,08 UScent tương đương 0,7% lên 12,15 UScent/lb, trong khi đường trắng tăng 0,9 USD tương đương 0,3% leen323 USD/tấn.

Giá dầu tăng thường khiến các nhà máy chế biến mía ở Brazil tăng tỷ lệ sản xuất ethanol và giảm sản xuất đường.

Dầu cọ chắc chắn sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2019

Nhà phân tích hạt có dầu hàng đầu thế giới thuộc Oil World, Thomas Mielke, khẳng định giá dầu cọ chắc chắn sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2019 do sản lượng tăng chậm lại trong khi nhu cầu nhiên liệu vẫn tăng nhanh. Sang năm 2020, giá dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Từ đầu năm tới nay, giá dầu cọ đã giảm gần 3%. Đầu tháng 7/2019 có lúc xuống mức thấp nhất gần 4 năm là 1.916 ringgit/tấn, sau đó giá hồi phục dần, phiên 30/7/2019 đạt 2.061 ringgit/tấn.

Tiêu thụ dầu cọ làm nhiên liệu sinh học ở Indonesia -nước tiêu thụ dầu nhiệt đới nhiều nhất thế giới - sẽ tăng hơn 3 triệu tấn trong năm 2019, đạt 14,8 triệu tấn. Jakarta kế hoạch sẽ tăng hàm lượng sinh học trong diesel sinh học lên 30% vào năm tới (gọi là B30), từ mức 20% hiện nay.

Ngoài ra, việc giảm ép dầu đậu tương ở Trung Quốc do cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng có thể khiến Bắc Kinh phải tăng nhập khẩu dầu cọ thêm 18,5% lên 6,4 triệu tấn trong năm 2018/19 (kết thúc vào 30/9/2019). Được biết, nhập khẩu đậu tương Mỹ vào Trung Quốc đã giảm rất nhiều kể từ sau khi Bắc Kinh đánh thuế 25% lên đậu tương nhập từ Mỹ.

Theo Mielke, sản lượng dầu cộ Malaysia năm nay sẽ đạt 20,3 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm trước, còn của Indonesia sẽ tăng 5,3% lên 43,7 triệu tấn.

Sản lượng đậu tương Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, có thể giảm 6,6% xuống 9,8 triệu tấn trong năm marketing 2019/20, bắt đầu từ 1/10/2019, do khu vực miền Trung nước này bị thiếu mưa.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng

Thị trường ngày 31/7: Giá dầu tăng trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất, quặng sắt cao nhất 2 tuần - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên