Thị trường ngày 4/1: Dầu tăng vọt 3%, vàng cao nhất 4 tháng do căng thẳng ở Trung Đông
Căng thẳng ở Trung Đông khiến giá dầu và vàng tăng vọt, đồng thời tác động tới nhiều thị trường hàng hóa nguyên liệu khác.
- 02-01-2020Thị trường năm 2019 (tiếp): Giá thịt lợn tăng sốc; thép và hạt tiêu giảm
- 01-01-2020Thị trường năm 2019: Vàng tăng mạnh nhất gần 1 thập kỷ, nhiều mặt hàng tăng cao kỳ lục
- 31-12-2019Thị trường ngày 31/12: Giá vàng tăng tiếp, dầu lên đỉnh cao nhất 3 tháng
Dầu tăng gần 3% sau khi Mỹ không kích cảng Baghdad
Giá dầu đã vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng trong phiên vừa qua sau khi cuộc không kích của Mỹ gây thiệt mạng tướng Qassem Soleimani ở Iraq - một vị tướng quyền lực ở Iran, là chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds và là kiến trúc sư bộ máy an ninh vùng. Vị tướng này giữ vai trò chủ chốt trong các cuộc giao tranh ở Syria và Iraq và thường được tung hô ở cả trong lẫn ngoài Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày hôm qua nói rằng ông Soleimni đang lên kế hoạch giết chóc những người Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 3,6% (2,35 USD) lên 68,6 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 69,5 USD, cao nhất kể từ giữa tháng 9 – khi cơ sở lọc dầu hàng đầu Iran bị tấn công. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,87 USD (3,1%) lên 63,05 USD/thùng; mức ’đỉnh’của phiên này là 64,09 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 4/2019. Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều tăng trên 2%.
Giới đầu tư dầu mỏ đang cố gắng nhận định xem thị trường cung cấp dầu thô liệu có bị gián đoạn nguồn cung hay không.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã bùng phát từ năm ngoái sau khi Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran và sau vụ cơ sở lọc dầu Aramco của Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái mà phía Mỹ cho rằng thủ phạm chính là Iran.
Sau vụ tướng Iran thiệt mạng, bên cạnh việc cử thêm 3.000 binh sĩ tới Trung Đông, Mỹ đã kêu gọi toàn bộ công dân của mình rời khỏi Iraq ngay lập tức, trong đó có hàng chục công dân Mỹ làm việc cho các công ty dầu khí nước ngoài đóng tại thành phố dầu mỏ Barsa của Iraq.
Vàng cao nhất 4 tháng do căng thẳng ở Trung Đông
Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng, vượt ngưỡng 1.550 USD/ounce, sau khi Mỹ không kích vào Iraq làm cho tướng chỉ huy lực lượng Quds của Iran bị thiệt mạng, khiến nhà đầu tư lại đổ xô vào các tài sản an toàn.
Giá vàng giao ngay cuối phiên tăng 1,3% lên 1.548, 94 USD/ounce, đầu phiên có lúc đạt 1.553,2 USD, cao nhất kể từ 5/9/2019. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 1,5% lên 1.552,4 USD/ounce. Kim loại quý này vừa có một tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 8/2019, tăng hơn 2,5%.
Khi tình hình địa chính trị bất ổn thì những tài sản an toàn như vàng lại ‘lên ngôi’. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ phiên vừa qua giảm mạnh, trong khi yen Nhật tăng lên mức cao kỷ lục 2 tháng so với USD.
Gần đây, việc Mỹ và Trung Quốc thông báo sắp ký được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 đã tác động tích cực lên nhiều thị trường theo hướng kỳ vọng quan hệ thương mại giữa 2 nước sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vàng vẫn nghi ngờ về sự kiện này một khi chưa nhìn thấy ‘bút ký’ của Washington và Bắc Kinh.
Quặng sắt cao nhất 5 tháng do lo ngại về nguồn cung
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua, là phiên tăng thứ 5 liên tiếp, sau khi số liệu cho thấy xuất khẩu từ Brazil tháng 12/2019 bị chậm lại.
Kết thúc phiên giao dịch, quặng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,6% lên 666 CNY (95,53 USD)/tấn, sau khi có lúc đạt 670,5 USD/tấn lúc đầu phiên- cao nhất kể từ 6/8/20109. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,5% lên 92,3
Xuất khẩu quặng từ Brazil đã giảm xuống 24,67 triệu tấn trong tháng 12/2019, so với 27,25 triệu tấn của tháng trước đó và 33,2 triệu tấn cùng tháng năm trước.
Khí gas tương đối ổn định
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tuần này ít thay đổi so với tuần trước trong không khí giao dịch thưa thớt vì nhu cầu thấp trong kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm Mới. Giá trung bình LNG giao tới Đông Bắc Á vào khoảng 5,1 – 5,2 USD/triệu đơn vị nhiệt lượng Anh (mmBtu).
Tháng trước, Nga và Ukraina đã đạt được thỏa thuận mới về trung chuyển khí gas, theo đó đảm bảo cho Nga cung cấp khí đốt cho Châu Âu thêm ít nhất 5 năm nữa. Điều này giúp làm giảm lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung khí đốt. Giá khí gas Châu Á đã bị ảnh hưởng bởi giá khí gas Châu Âu vào cuối tháng 12 vừa qua, một phần bởi thỏa thuận Nga – Ukraina này.
Tại Châu Âu, hợp đồng kỳ hạn 1 tháng của Hà Lan (hợp đồng tham chiếu LNG cho toàn Châu Âu) hiện vào khoảng 4,02 USD/mmBtu, giảm nhẹ so với cách đây một tuần.
Thời tiết ở Châu Á ấm hơn bình thường và dự báo hiện tượng này ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ còn tiếp diễn trong 10 ngày tới, cộng với việc nhiệt độ ở Trung Quốc cao hơn cùng kỳ mọi năm có thể sẽ tiếp tục hạn chế nhu cầu khí gas của khu vực.
Xuất khẩu LNG của Mỹ năm 2019 đạt kỷ lục (tăng hơn 60% so với năm trước). Các nhà phân tích dự báo giá khí gas sẽ duy trì thấp trong năm 2020 bởi thời tiết mùa Đông năm nay ở Châu Á không lạnh nhiều.
Đồng giảm do vụ tướng Iran bị không kích
Giá đồng và các kim loại cơ bản khác đồng loạt giảm trong phiên giao dịch vừa qua do vụ tướng Iran bị thiệt mạng bởi cuộc không kích của Mỹ. Trung Đông căng thẳng khiến các nhà đầu tư rời bỏ những tài sản có độ rủi ro cao như kim loại công nghiệp để chuyển sang những tài sản an toàn.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1% xuống 6.129,5 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 6.088,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ 11/12/2019. Tính chung cả tuần, giá giảm khoảng 1,5%, kết thúc chuỗi 6 tuần tăng.
Đường tăng theo dầu
Giá đường thô tăng trong phiên vừa qua do giá dầu tăng. Khi năng lượng được giá, các nhà chế biến mía có thể giảm lượng mía dùng ép lấy đường để tăng cường sản xuất ethanol.
Kết thúc phiên cuối tuần, đường kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,18 US cent (1,37%) lên 13,31 US cent/lb. Đường trắng cũng tăng thêm 4,5 USD (1,28%) lên 357,2 USD/tấn.
Thị trường đường đã khởi sắc trong mấy tuần qua, ngày 13/12/2019 có lúc đạt mức cao nhất hơn 1 năm, là 13,67 US cent/lb.
Xuất khẩu đường thô Brazil tháng 12/2019 chỉ đạt 1,29 triệu tấn, giảm so với 1,43 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Cà phê đi xuống
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 0,75 US cent (0,59%) xuống 1,2635 USD/lb; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 8 USD (0,58%) xuống 1.372 USD/tấn.
Brazil đã xuất khẩu 3,16 triệu bao cà phê trong tháng 12, giảm từ mức 4,1 triệu bao cùng kỳ năm ngoái.
Gừng tăng do sản lượng thấp
Sản lượng gừng Trung Quốc năm nay giảm so với năm ngoái dẫn tới giá tăng do thời tiết thất thường ở các khu vực trồng gừng. Giá gừng tại ruộng hiện khoảng 2,8 CNY/0,5%, giá xuất khẩu là 9.500 CNY/tấn (FOB), cao hơn 15% so với 8.100 CNY/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Tại Quảng Tây, năng suất năm nay không đạt 2.000 kg/mu, tức là chỉ bằng gần một nửa của năng suất năm ngoái. Khác với mọi năm là mùa gừng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6, năm nay mùa gừng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 vì lý do thời tiết.
Trung Quốc xuất khẩu gừng sang nhiều thị trường, trong đó lớn nhất là sang Canada. Giá gừng năm nay tăng khiến nhiều khách hàng Châu Âu và Mỹ chuyển hướng sang mua gừng Nam Mỹ.
Hai vùng trồng gừng lớn của Trung Quốc là Sơn Đông và Quảng Tây. Trong khi gừng Sơn Đông có năng suất trung bình 7.500 kg/mu thì của Quảng Tây chỉ khoảng 4.000 kg. Diện tích trồng gừng của Quảng Tây mấy năm gần đây tăng nhanh với tốc độ +30%/năm. Gừng Sơn Đông củ to, có khóm nặng 1,5 – 2kg, nhiều nước, thích hợp cho việc ép lấy nước. Trong khi đó gừng Quảng Tây củ nhỏ hơn, màu hơi xám, ít nước hơn, nhiều xơ hơn nhưng cay hơn, thích hợp cho việc chế biến các sản phẩm gừng khô. Đất trồng gừng ở Quảng Tây chủ yếu là đất đồi, sử dụng ít hóa chất. Được biết, 80% sản lượng gừng hữu cơ của Trung Quốc đến từ Quảng Tây.
Nhu cầu găng tay cao su dự báo tăng
Ngành kinh doanh găng tay Malaysia đã có lợi nhuận cao trong quý 3/2019, theo đó hai hãng găng tay lớn là Top Glove và Hartalaga đạt mức tăng trưởng lần lượt 6% và 14%. Hãng nghiên cứu Kenanga dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, với tốc độ tăng trong năm 2020 sẽ khoảng 30%. Malaysia đóng góp 63% tổng cung găng tay trên toàn cầu.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 4/1