Thị trường ngày 5/7: Giá dầu, vàng và thép tăng, đồng và cao su giảm
Triển vọng nguồn cung thắt chặt và dự đoán Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất đẩy giá dầu, vàng và sắt thép tăng trong phiên thứ Ba (4/7). Tuy nhiên, dữ liệu sản xuất yếu kém trên toàn cầu hạn chế đà tăng đối với những mặt hàng này, thậm chí gây áp lực giảm giá đối với một số mặt hàng khác.
- 04-07-2023Thị trường ngày 4/7: Giá dầu và quặng sắt giảm, vàng và cà phê tăng, cacao đạt đỉnh 46 năm
- 01-07-2023Thị trường ngày 1/7: Giá dầu, vàng, bạch kim, đồng và cao su đồng loạt tăng, khí tự nhiên cao nhất 17 tuần
- 30-06-2023Thị trường ngày 30/6: Giá dầu, khí tự nhiên và thép cây đồng loạt tăng, đồng thấp nhất 1 tháng
Dầu tăng 2%
Giá dầu tăng 2% vào thứ Ba khi thị trường cân nhắc tác động trái chiều từ việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung trong tháng 8 và triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém.
Saudi Arabia hôm thứ Hai cho biết họ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày đến tháng 8, trong khi Nga và Algeria tình nguyện giảm mức sản lượng và xuất khẩu trong tháng 8 lần lượt là 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.
Kết thúc phiên thứ Ba, giá dầu thô Brent tăng 1,60 USD lên 76,25 USD/thùng, dầu Trung cấp Tây Texas của Mỹ tăng 1,44 USD ở mức 71,23 USD.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy sự sụt giảm hoạt động của các nhà máy trên toàn cầu do nhu cầu chậm chạp ở Trung Quốc và Châu Âu, đồng thời hoạt động sản xuất của Mỹ cũng giảm hơn nữa trong tháng 6 xuống mức tương đương trong đợt đại dịch COVID-19 đầu tiên.
Vàng tăng khi các nhà giao dịch tìm kiếm tín hiệu từ Fed
Giá vàng tăng vào thứ Ba khi một số nhà giao dịch đặt cược rằng dữ liệu kinh tế yếu kém gần đây của Mỹ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang suy nghĩ lại về quỹ đạo tăng lãi suất của mình, đồng thời dự đoán biên bản cuộc họp gần đây nhất của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cung cấp thêm các dấu hiệu bổ sung cho dự đoán trên.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,3% lên 1.927,89 USD/ounce, khối lượng giao dịch thấp do kỳ nghỉ lễ của Mỹ. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 tăng 0,3% lên 1.935,60 USD.
Sắt thép tăng do thành phố Đường Sơn (Trung Quốc) kiềm chế sản xuất
Giá quặng sắt đảo chiều tăng trong khi giá thép kỳ hạn tương lai kéo dài đà tăng vào thứ Ba, được củng cố bởi các hạn chế sản xuất kéo dài tại trung tâm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc – thành phố Đường Sơn.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên sàn Singapore tăng 0,5% lên 108,95 USD/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên ít thay đổi, ở mức 821 nhân dân tệ (113,86 USD) một tấn.
Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá thép thanh vằn tăng 0,78%, thép cuộn cán nóng tăng 0,89% và thép cuộn tăng 0,45%, trong khi thép không gỉ ít thay đổi trong giao dịch ban ngày kết thúc lúc 07:00 GMT.
Hỗ trợ thị trường thép là dự đoán nguồn cung giảm sau khi một số nhà sản xuất thép Trung Quốc công bố kế hoạch bảo trì lò cao vào tháng Bảy.
Lúa mì tăng
Giá lúa mì trên thị trường châu Âu tăng vào thứ Ba do được hỗ trợ bởi đồn đoán mới rằng hành lang ngũ cốc Biển Đen sẽ không được mở rộng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch không nhiều do việc các thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Độc lập.
Lúa mì xay xát kỳ hạn tháng 9 trên sàn Euronext ở Paris kết thúc phiên ở mức 228,00 euro/tấn, tăng 1,75 euro so với phiên trước.
Một thương nhân người Đức cho biết: "Các thị trường vẫn còn bị sốc về dự báo của USDA hôm thứ Sáu về việc diện tích trồng ngô gia tăng.
Lúa mì Nga và Rumani chào bán có giá rẻ làm giảm triển vọng xuất khẩu đối với lúa mì Tây EU, ngay cả khi không chắc chắn về doanh số bán hàng của Ukraine.
Đồng giảm do triển vọng nhu cầu kém
Giá đồng giảm vào thứ Ba do dữ liệu sản xuất của các nhà máy trên toàn cầu yếu cho thấy triển vọng nhu cầu kém, bao gồm cả nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc, mặc dù hàng tồn kho đồng giảm cho thấy thị trường thắt chặt hơn.
Trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng kỳ hạn 3 tháng giảm 0,5% xuống 8.356,5 USD/tấn.
Dự trữ đồng trong các kho do LME đăng ký đã giảm 33% kể từ ngày 6 tháng 6 xuống còn 66.775 tấn, trong khi các lệnh bảo đảm bị hủy - kim loại được dành để giao hàng - chiếm 46% tổng số, cho thấy nhiều kim loại sắp rời khỏi hệ thống LME.
Cao su giảm
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản giảm nhẹ vào thứ Ba do dữ liệu sản lượng của nhà máy yếu tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, mặc dù giá dầu thô tăng và đồng yên yếu đã giúp hạn chế xu hướng giá cao su giảm.,
Hợp đồng cao su giao tháng 12 của Sở giao dịch Osaka kết thúc giảm 0,7 yên, tương đương 0,3%, xuống 205,3 yên (1,42 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 35 CNY xuống còn 12.065 CNY (1.672,65 USD)/tấn.
Tăng trưởng hoạt động nhà máy của Trung Quốc chậm lại trong tháng 6. Tuy nhiên, tâm lý kinh doanh của Nhật Bản đã được cải thiện trong quý 2.
Sữa giảm
Giá sữa quốc tế giảm trong khi khối lượng giao dịch tăng trong phiên đấu giá Thương mại Sữa Toàn cầu (GDT) đầu tiên của tháng Bảy, diễn ra vào thứ Ba (4/7).
Chỉ số giá GDT giảm 3,3%, với giá bán trung bình là 3.334 USD/tấn. GDT Events cho biết, trong phiên đấu giá trước đó được tổ chức vào ngày 20 tháng 6, chỉ số này không thay đổi, với giá bán trung bình là 3.479 USD.
Có tổng cộng 24.837 tấn sản phẩm sữa đã được bán trong phiên đấu giá mới nhất, tăng khoảng 21,9% so với lần bán trước đó.
Dầu cọ giảm hơn 2%, kết thúc 3 phiên tăng
Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia giảm vào thứ Ba, kết thúc ba phiên tăng trước đó, mặc dù mức giảm được hạn chế bởi lo ngại về nguồn cung dầu ăn trên toàn cầu và đồng ringgit yếu.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 9 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia kết thúc phiên giảm 101 ringgit, tương đương 2,53%, xuống 3.884 ringgit (835,45 USD)/tấn.
Giá dầu đậu tương trên Sàn giao dịch thương mại Chicago đã tăng 2% trong phiên thứ Hai, nhưng thị trường đã đóng cửa vào thứ Ba để nghỉ lễ. Hợp đồng dầu đậu tương hoạt động mạnh nhất trên sàn Đại Liên phiên thứ Ba cũng tăng 0,8%, trong khi hợp đồng dầu cọ trên sàn này giảm 0,3%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 5/7:
Nhịp sống thị trường