Thị trường ngày 6/8: Giá dầu lao dốc hơn 3%, vàng tăng vượt 1.464 USD/ounce
Chốt phiên giao dịch đêm qua 5/8, vàng bị đẩy lên mức cao nhất hơn 6 năm trong khi giá dầu bị ép giảm hơn 3%, đồng rơi xuống thấp nhất 2 năm, khí tự nhiên thấp nhất 3 năm, quặng sắt thấp nhất 1 tháng, thép thấp nhất 1,5 tháng, giá nông sản đồng loạt giảm.
- 02-08-2019Thị trường ngày 2/8: Giá dầu "bốc hơi" hơn 7% sau 1 đêm
- 01-08-2019Thị trường ngày 1/8: Dầu, vàng, sắt thép, cà phê…đồng loạt tăng giá trong tháng 7
- 31-07-2019Thị trường ngày 31/7: Giá dầu tăng trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất, quặng sắt cao nhất 2 tuần
Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung một lần nữa lại nóng lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột áp thuế quan thêm 10% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc có trị giá 300 tỉ USD vào tuần trước, khiến Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ xuống dưới ngưỡng 7 CNY/USD, mức thấp nhất hơn 1 thập kỷ qua để hỗ trợ các nhà xuất khẩu là các yếu tố chính hiện đang tác động tới thị trường hàng hóa thế giới.
Dầu giảm mạnh 3%
Giá dầu Brent giảm hơn 3% do lo ngại tăng trưởng toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, điều này có thể hạn chế nhu cầu dầu thô từ nước mua lớn nhất thế giới.
Chốt phiên giao dịch đêm qua 5/8, dầu thô Brent giảm 2,08 USD tương đương 3,36% xuống 59,81 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 97 US cent tương đương 1,74% xuống 54,69 USD/thùng, song mức giảm được hạn chế do dự trữ tại Cushing và Oklahoma - trung tâm lưu trữ và phân phối dầu WTI – suy giảm. Khoảng cách giữa giá dầu WTI và Brent được thu hẹp còn 5,15 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018.
Dấu hiệu xuất khẩu dầu từ Mỹ gia tăng cũng gây áp lực tới giá. Xuất khẩu dầu của Mỹ trong tháng 6/2019 tăng 260.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 3,16 triệu thùng/ngày.
Khí tự nhiên thấp nhất 3 năm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp mới 38 tháng sau khi sản lượng cuối tuần qua tăng lên mức cao kỷ lục và nguồn cung xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này suy giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn New York giảm 5,1 US cent tương đương 2,4% xuống 2,070 USD/mBTU, thấp nhất kể từ ngày 26/5/2016 trong ngày thứ 2 liên tiếp.
Vàng cao nhất hơn 6 năm
Vàng tăng 2% lên mức cao nhất trong hơn 6 năm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, cùng với đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ giá vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,7% lên 1.464,72 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.469,6 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 5/2013. Vàng kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn New York tăng 1,3% lên 1.476,5 USD/ounce.
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tuần so với các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ tiền tệ khác, song tăng so với đồng CNY.
Đồng thấp nhất 2 năm, nickel tăng
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, cũng do tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, trong khi giá nickel tăng do lo ngại nguồn cung từ Indonesia.
Giá đồng kỳ hạn trên sàn London giảm 0,8% xuống 5.685 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 5.640 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 6/2017.
Trong khi đó, giá nickel giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 3% lên 14.880 USD/tấn.
Quặng sắt thấp nhất 1 tháng, thép thấp nhất 1,5 tháng
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm xuống dưới ngưỡng 100 USD/tấn do dự trữ tăng, trong khi nhu cầu tại Trung Quốc – nước tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép lớn nhất và là nước sản xuất hơn 1/2 nguồn cung thép thế giới – có thể giảm hơn nữa.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 6% xuống 689,5 CNY (98,09 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 5/7/2019.
Dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc tăng tuần thứ 3 liên tiếp lên 121,05 triệu tấn, cao nhất kể từ ngày 6/6/2019 do các nhà cung cấp từ Brazil và Australia thúc đẩy xuất khẩu.
Giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 1,4% xuống 3.753 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/6/2019. Giá thép cán nóng giảm 1,4% xuống 3.688 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 20/6/2019.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn TOCOM giảm 2,3 JPY (0,0217 USD) xuống 166,2 JPY/kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn TOCOM giảm 3,6 JPY xuống 144,4 JPY/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 135 CNY (19,21 USD) xuống 10.280 CNY/tấn.
Cà phê thấp nhất 1,5 tháng, đường giảm
Giá cà phê chạm mức thấp nhất 1,5 tháng do đồng real Brazil giảm so với đồng USD và các nhà đầu tư tập trung vào dư cung, trong khi giá đường giảm.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn ICE giảm 3,4 US cent tương đương 3,4% xuống 94,75 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm mức thấp 94,3 US cent/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 18 USD tương đương 1,4% xuống 1.294 USD/tấn.
Đồng thời, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn ICE giảm 0,3 US cent tương đương 2,7% xuống 11,7 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm 11,69 US cent/lb, thấp nhất gần 2 tuần. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn ICE giảm 5,8 USD tương đương 1,8% xuống 317,9 USD/tấn.
Đậu tương giảm mạnh do căng thẳng Mỹ- Trung
Giá đậu tương kỳ hạn trên sàn Chicago chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12/6/2019, sau khi giảm hơn 3% trong tuần trước đó do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ngô và lúa mì tăng do yếu tố thời tiết
Giá ngô tại Mỹ tăng do sự không chắc chắn trong dự báo thời tiết tại nước này đã hỗ trợ giá ngô. Giá ngô kỳ hạn trên sàn Chicago tăng 5-1/4 US cent lên 4,14-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago tăng 3-3/4 US cent lên 4,94-1/2 USD/bushel.
Dầu cọ cao nhất 2 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 1% lên mức cao nhất 2 tháng do giá các loại dầu thực vật liên quan tăng mạnh trở lại và đồng ringgit suy yếu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,1% lên 2.085 ringgit (499,58 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch tăng 1,3% lên 2.088 ringgit/tấn, cao nhất kể từ ngày 31/5/2019.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 6/8