Thị trường ngày 8/8: Dầu "bốc hơi" gần 5%, vàng vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce
Chốt phiên giao dịch đêm qua 7/8, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và nền kinh tế toàn cầu chậm lại đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce lần đầu tiên trong hơn 6 năm, đồng thời ép giá dầu rơi xuống mức thấp nhất 7 tháng, khí tự nhiên thấp nhất 3 năm, nhôm thấp nhất 2 tháng, thiếc thấp nhất hơn 3 năm, quặng sắt và thép đều thấp nhất 1,5 tháng.
- 06-08-2019Thị trường ngày 6/8: Giá dầu lao dốc hơn 3%, vàng tăng vượt 1.464 USD/ounce
- 03-08-2019Thị trường ngày 3/8: Giá dầu thô tăng 3%, xu hướng giảm bao trùm
- 02-08-2019Thị trường ngày 2/8: Giá dầu "bốc hơi" hơn 7% sau 1 đêm
Dầu " bốc hơi" thêm gần 5% xuống mức thấp nhất 7 tháng
Giá dầu tiếp tục giảm thêm gần 5% sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng và nhu cầu chậm lại, song mức giảm được hạn chế bởi Saudi Arabia cùng với các nhà sản xuất khác đang cân nhắc các lựa chọn nhằm ngăn chặn giá dầu thô lao dốc.
Chốt phiên giao dịch đêm qua 7/8, dầu thô Brent giảm 2,71 USD tương đương 4,6% xuống 56,23 USD/thùng, thấp nhất kể từ đầu tháng 1/2019. Tính đến nay, giá dầu Brent giảm hơn 24,5% từ mức cao đỉnh điểm trong tháng 4/2019. Dầu thô Tây Texas WTI giảm 2,54 USD tương đương 4,7% xuống 51,09 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong đầu phiên giao dịch do lo ngại về chiến tranh thương mại, và dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước không giảm mạnh như dự kiến, chỉ giảm 2,4 triệu thùng so với dự kiến là 2,8 triệu thùng. Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 7 tuần liên tiếp song vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm (2%) cùng thời điểm trong năm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Đồng thời, dự trữ xăng của Mỹ tăng 4,4 triệu thùng và các sản phẩm chưng cất tăng 1,5 triệu thùng, cả 2 nhiên liệu này tại khu vực Vịnh đều đạt mức cao nhất thời điểm này trong năm.
Tuy nhiên, giá dầu giảm được hạn chế bởi các quan chức của Saudi Arabia đang xem xét tất cả các lựa chọn nhằm ngăn chặn sự suy giảm giá dầu và họ cho rằng giá dầu giảm do lo ngại suy giảm kinh tế, chứ không phải do dư cung dầu thô.
Khí tự nhiên giảm trở lại xuống thấp nhất 3 năm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm trở lại xuống mức thấp nhất 38 tháng, theo xu hướng giá dầu thô giảm mạnh 5% và dự báo nhu cầu trong tuần tới ít hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn New York giảm 2,8 US cent tương đương 1,3% xuống 2,083 USD/mmBTU.
Vàng vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce, bạc cao nhất hơn 1 năm
Vàng tăng hơn 2% và vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce – lần đầu tiên – trong hơn 6 năm do các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, bởi một loạt các bất ổn bao gồm thương mại Mỹ - Trung và nền kinh tế toàn cầu chậm lại.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 2% lên 1.503,56 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.510 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 4/2013. Tính đến nay, giá vàng giao ngay tăng hơn 19% kể từ mức thấp nhất trong năm nay (1.265,85 USD/ounce) trong tháng 5/2019. Vàng kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn New York tăng 2,4% lên 1.519,6 USD/ounce.
Đồng thời, bạc theo xu hướng giá vàng tăng vượt ngưỡng 17 USD/ounce – lần đầu tiên – trong hơn 1 năm. Giá bạc tăng hơn 4% lên 17,18 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 6/2018.
Đồng tăng trở lại
Giá đồng tăng trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ lo ngại chiến tranh thương mại kéo dài với Trung Quốc, song 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không đạt được thỏa thuận thương mại khiến giá đồng vẫn ở gần mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,4% lên 5.703 USD/tấn, song vẫn gần mức thấp nhất 2 năm (5.640 USD/ounce).
Tuy nhiên, giá đồng tăng bị hạn chế do dự trữ đồng tại London tăng hơn gấp đôi trong năm nay lên 277.975 tấn và tại Thượng Hải tăng 40% lên 155.971 tấn.
Nhôm thấp nhất 2 tháng, thiếc thấp nhất hơn 3 năm
Giá nhôm tại London giảm 0,8% xuống 1.745 USD/tấn xuống thấp nhất 2 tháng. Giá thiếc tại London giảm 1,4% xuống 16.755 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 6/2016.
Quặng sắt và thép đều thấp nhất 1,5 tháng
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm phiên thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất 6 tuần, trong bối cảnh nguồn cung gia tăng và nhu cầu suy yếu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 5,4% xuống 660,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc giảm 5,7% xuống 658 CNY (93,46 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 26/6/2019. Tính từ đầu tháng 8/2019 đến nay giá quặng sắt giảm hơn 12%.
Giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 0,9% xuống 3.711 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/6/2019. Giá thép cán nóng giảm 0,7% xuống 3.657 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 19/6/2019.
Cao su tăng trở lại
Giá cao su tại Tokyo tăng theo xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải.
Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 1,1 JPY (0,0104 USD) lên 167 JPY/kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 2 JPY lên 144 JPY/kg. Đồng thời giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 90 CNY (12,79 USD) lên 11.495 CNY/tấn.
Cà phê và đường đều giảm
Giá cà phê giảm do Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo tăng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn ICE giảm 0,3 US cent tương đương 0,3% xuống 96,75 US cent/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 6 USD tương đương 0,5% xuống 1.301 USD/tấn.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nâng dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 lên 168,77 triệu bao (60kg/bao) từ mức 167,75 triệu bao dự báo trước đó.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn ICE giảm 0,11 US cent tương đương 0,9% xuống 11,62 US cent/lb, thấp nhất 2 tuần (11/66 US cent/lb). Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn ICE giảm 2,5 USD tương đương 0,8% xuống 313,7 USD/tấn.
Ngô và đậu tương đều tăng
Giá ngô và đậu tương tại Mỹ tăng do dự báo thời tiết xấu khu vực Trung Tây Mỹ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Giá ngô kỳ hạn trên sàn Chicago tăng 1-1/2 US cent tương đương 0,6% lên 4,14 USD/bushel.
Giá đậu tương kỳ hạn trên sàn Chicago tăng 1 US cent tương đương 0,2% lên 8,66-3/4 USD/bushel.
Dầu cọ giảm trở lại
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm và xuống dưới mức cao nhất 10 tuần trong phiên trước đó, theo xu hướng giá dầu đậu tương tại Chicago suy giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,05% xuống 2.101 ringgit (500,95 USD)/tấn. Trong phiên trước đó, giá dầu cọ tăng lên 2.108 ringgit/tấn, cao nhất kể từ ngày 29/5/2019.
Ngoài ra, giá dầu cọ chịu áp lực giảm do dự trữ dầu cọ tại Malaysia tăng lần đầu tiên trong 5 tháng, lên cao nhất 3 tháng do sản lượng tăng vượt xuất khẩu. Dự trữ trong tháng 8/2019 được dự báo sẽ tăng 1,8% so với tháng 7/2019 lên 2,47 triệu tấn, trong khi sản lượng sẽ tăng 11,4% lên 1,69 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 1/2019 và thiết lập tháng tăng mạnh nhất trong 10 tháng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 8/8