MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ô tô: “Cuộc chiến” giá bán

Chưa bao giờ thị trường ô tô phát triển mạnh như hai năm gần đây và chưa có dấu hiệu chững lại. Các DN ô tô cả lắp ráp và nhập khẩu đều đang rất vui – TGĐ một DN ô tô xếp vị trí thứ 3 về mức bán hàng trong 6 tháng của năm 2016 chia sẻ.

Nếu như cách đây vài năm, khách hàng khi có nhu cầu mua xe thì yếu tố quan trọng nhất với họ là xe đó thương hiệu gì? Mọi việc bây giờ đã có sự thay đổi lớn khi yếu tố thương hiệu dù vẫn được quan tâm, nhưng không còn mang tính quyết định. Tại sao ?

Hầu hết khách hàng hiện nay khi mua xe đều tập trung vào việc so sánh giá giữa các mẫu xe để lựa chọn xe nào rẻ hơn.

Tiếp tục tăng trưởng đột biến

Tính đến hết tháng 6/2016 người Việt đã mua gần 140.000 ô tô, tăng trưởng ở mức 32% so với cùng kỳ 2015. Con số này được tính bao gồm sản lượng bán hàng các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) và lượng ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước. Trong đó, tổng sản lượng bán hàng ôtô CKD 6 tháng đầu năm đạt 103.252 chiếc, tăng 35% so với cùng kỳ 2015; lượng xe CBU nhập khẩu đạt 32.611 chiếc, tăng 22%.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng sản lượng bán hàng ôtô trên toàn thị trường tháng 7/2016 đạt 28.004 chiếc, tăng 15% so với tháng liền trước và tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh của tháng 7 nhờ vào việc hầu hết các loại ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi đều bắt đầu chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mới kể từ ngày 1/7.

Theo đó, dối với nhóm xe trang bị động cơ có dung tích xi-lanh trên 2.500 cm3 chịu các mức tăng thuế suất từ 50 – 60% của thời điểm trước tháng 7/2016 lên 55-150%. Ngược lại, nhóm xe trang bị động cơ có dung tích xi-lanh từ 1.500 cm3 trở xuống được giảm mức thuế suất từ 45% xuống còn 40%; riêng nhóm xe trang bị động cơ có dung tích xi-lanh từ trên 1.500 cm3 đến 2.500 cm3 giữ nguyên các mức thuế suất 45% và 50%…

“Chia nhỏ” phân khúc

Một trong những chiến lược của các hãng ô tô lớn trên thế giới nói chung và VN hiện nay nói riêng là việc “chia nhỏ” phân khúc. Nếu như trước đây tại VN, ô tô chỉ có phân khúc xe sang, xe trung bình, xe nhỏ và mỗi phân khúc đó đều chỉ có một mẫu xe thì nay cùng một phân khúc, các hãng xe đã đưa ra hàng loạt mẫu xe khác nhau, tạo ra sự đa dạng, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn.

EcoSport của Ford Motor là một ví dụ về sự thành công khi mẫu xe này cũng được gọi là xe SUV, nhưng là SUV thành thị, nhỏ gọn hơn, thuận tiện hơn, dành cho những khách hàng yếu thích phân khúc này ở các đô thị. Đây cũng là mẫu xe nằm trong Top 10 mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường VN trong 7 tháng vừa qua với doanh số gần 2800 chiếc.

Một ví dụ thành công khác về việc “chia nhỏ” phân khúc, nhưng ở tầm quy mô hơn là Trường Hải (Thaco) – DN ô tô luôn đứng thứ 1, 2 về số lượng xe bán ra tại VN trong hai năm qua. Sự thành công đó của Trường Hải xuất phát từ việc có đủ các chủng loại, phân khúc xe từ xe tải, xe khách, xe buýt và xe du lịch. Riêng đối với dòng xe du lịch, Thaco hơn hẳn các DN còn lại đang hoạt động tại VN khi sản xuất, lắp ráp và phân phối sản phẩm cho ba hãng ô tô danh tiếng gồm Kia, Mazda và Peugeot. Tương ứng với từng hãng, Thaco lựa chọn những mẫu xe theo từng phân khúc mà hãng đó có lợi thế như với Kia là các dòng xe hạng nhỏ, hạng trung, với Mazda là những mẫu xe thuộc các dòng trung cao cấp và Peugeot là những mẫu xe tiệm cận các dòng xe sang hoặc thực sự là xe sang…

Sau thời kỳ tập trung vào yếu tố thương hiệu, hiện nay khách hàng lại quan tâm nhiều hơn về giá cả khi quyết định mua xe.

Giá bao nhiêu ?

Với việc “chia nhỏ” phân khúc, đa dạng các mẫu xe trong từng phân khúc đang tạo ra một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa chính các mẫu xe, dòng xe của riêng mỗi doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc. Và điểm đặc biệt là khách hàng hiện tại khi mua xe đều chủ yếu quan tâm đến giá cả. Mẫu xe nào có cùng phân khúc, nhưng giá rẻ hơn sẽ được lựa chọn, cho dù đó là Toyota, Ford hay Hyundai…

Nếu nói về công nghệ, tính năng trên một chiếc xe thì hiện nay dù chiếc xe đó của hãng nào thì đều được trang bị hầu như giống nhau – chuyên gia cao cấp về ô tô Lê Hoài Nam khẳng định. Có thể thấy được điều đó khi các hãng ô tô giới thiệu về một mẫu xe mới và nếu so sánh với các mẫu xe cùng phân khúc của các đối thủ khác thì hầu như đều được trang bị giống nhau về độ an toàn, khung gầm, hệ thống phanh, hệ thống treo, các tính năng, tiện ích, độ bền… không khác nhau nhiều. Câu chuyện còn lại chỉ phụ thuộc vào sở thích của khách hàng thiết thiết kế, về thương hiệu xe và quan trọng nhất là giá bao nhiêu?

Hyundai VN mới đây đưa ra thị trường mẫu Elantra mới và ngay lập tức đã bán được gần 400 xe chỉ trong chưa đầy một tháng. Đây là một trong những đối thủ đáng gờm của Vios – mẫu xe bán chạy nhất trong 6 tháng của năm 2016.

Lý do lớn nhất, theo như các chuyên gia thì Elantra có mức giá bán thấp hơn 100 – 200 triệu đồng (Tùy phiên bản) so với Vios, trong khi về trang bị không khác nhau nhiều. Tương tự là sự cạnh tranh quyết liệt giữa Morning của Kia và I10 của Hyundai. Có lẽ việc Kia Morning lọt vào Top 10 xe bán chạy nhất trong 6 tháng của năm 2016 là do có mức giá bán mềm hơn so I10 – một chuyên gia khẳng định.

Cuộc chiến hiện nay cũng như thời gian tới giữa các DN ô tô sẽ là cuộc chiến về giá và điều đó đang mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.

Theo Linh Nguyên

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên