MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tiền tệ: Nhiều thách thức đang chờ đợi

31-12-2023 - 08:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2023, chính sách tiền tệ khép lại với khá nhiều thăng trầm. Sức cầu vốn của nền kinh tế xuống thấp, sức khỏe của doanh nghiệp lao dốc, nhiều lĩnh vực ngành tê liệt, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất nhiều biến động, hệ thống ngân hàng gặp sức ép. Ngân hàng Nhà nước có những lúc rơi vào tình thế phải gánh nhiều áp lực.

Lãi suất: Dồn dập tăng rồi hạ

Năm 2023 qua đi với những sóng gió thăng trầm trên thị trường tiền tệ. Biến động lớn đầu tiên phải nhắc tới đến từ lãi suất. Cuộc đua huy động lãi suất ngân hàng vào cuối năm 2022 khiến đầu năm 2023 thị trường “lên đồng”. Lãi suất huy động tiền gửi VND tăng liên tục, cao nhất có lúc kéo lên tới 13,5% cho kỳ hạn 12 tháng; 12- 12,8% cho kỳ hạn 6 tháng. Trong lúc các ngân hàng lớn “ung dung” không lo nguồn thì các nhà băng nhỏ lại vô cùng chật vật. Lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay có lúc đã được kéo lên tới 16-17%/năm. Sau vài lần tuýt còi, dọa mạnh tay xử rắn, cuộc đua mới được âm thầm giải tán.

Thị trường tiền tệ: Nhiều thách thức đang chờ đợi - Ảnh 1.

Nghị quyết Trung ương yêu cầu chấm dứt sở hữu chéo ngân hàng thay vì hạn chế như lâu nay. Tuy khó xử lý hoàn toàn tình trạng sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.

Lãi suất lên cao vút là vậy xong lại tụt xuống rất nhanh. Thống kê trong năm 2023, thị trường tiền tệ đã đứng trước 3-4 đợt mạnh tay hạ lãi suất đi theo những lần hạ lãi suất điều hành của NHNN. Đến cuối năm, ít ai có thể ngờ lãi suất huy động và cho vay rơi vào trạng “đáy“ khi huy động VND chỉ còn ở mức từ 3-5,5%/năm cho kỳ hạn 3 - 6 tháng; 1,3% cho kỳ hạn tháng. Còn lãi suất cho vay được các nhà băng lớn cấp tập giải ngân với mức phổ biến từ 6,5-7%/ tháng cho 2 năm đầu. Thậm chí tháng cuối cùng của năm 2023, để thúc tăng trưởng tín dụng, có nhà băng ngoại không ngần ngại điều chỉnh lãi vay tiêu dùng xuống mức 7,3% cố định 3 năm; có ngân hàng Big4 còn hạ xuống mức 6,5% cho kỳ hạn 2 năm ổn định với khách hàng ưu tiên.

Cơn hạ lãi suất sốc này, ngoài tác động từ yếu tố điều hành, về bản chất còn đến từ sức khoẻ của nền kinh tế quá yếu; không hấp thụ được vốn. Chia sẻ với Tiền Phong, giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần nhỏ nói: “Thực sự chúng tôi phải cân não đau đầu khi ngân hàng phải mua đuổi, bán đuổi vốn thế này. Hôm nay vừa huy động mức cao, mai buộc phải hạ lãi suất vay trong khi nguồn cao vẫn chất đống, điều này khiến ngân hàng phải cân đong đo đếm từng không phẩy phần trăm chênh lệch”.

Tín dụng: DN đói vốn, nhà băng ứ tiền

Năm 2023 cũng là năm đi vào lịch sử tín dụng ngành ngân hàng bởi chưa bao giờ, khao khát trong tăng trưởng tín dụng với các nhà băng lại mãnh liệt đến vậy. Trái với tình cảnh cuối năm 2022, khi các ông chủ sếp ngân hàng phải chầu trực lên xin quota room tín dụng mà không được, thì năm 2023 tín dụng rơi vào tình cảnh ế ẩm chưa từng có.

Trái với diễn biến đầu năm, sang đến quý 2 và nửa sau của năm 2023, trước sức cầu nền kinh tế yếu, đơn hàng bị cắt giảm, doanh nghiệp không có năng lực trả nợ, nhiều khoản vay đến kỳ không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp yếu không có cơ hội tiếp cận vốn, và dòng tiền vào sản xuất kinh doanh nhỏ giọt. Tất cả đã đẩy thị trường ngân hàng rơi vào tình cảnh ế khách, thừa tiền, ứ thanh khoản.

Thị trường tiền tệ: Nhiều thách thức đang chờ đợi - Ảnh 2.

2023 là năm nhiều áp lực với ngành ngân hàng.

Tính đến 6 tháng đầu năm, toàn ngành chỉ tăng được hơn 4%, một mức tăng thấp kỷ lục. Tín dụng tăng chậm đến mức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không giấu được sự lo lắng và sốt ruột. Ngoài thành lập tổ nghiên cứu giải cứu thị trường bất động sản, lắng nghe kiến nghị các bộ ngành, doanh nghiệp các lĩnh vực kinh tế, trong suốt năm qua, Chính phủ đã không dưới vài lần triệu tập các cuộc họp khẩn có sự tham dự của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước như Thống đốc, Phó Thống đốc thường trực. Đặc biệt, nhiều nhà băng lớn được nêu tên đích danh gọi đến họp cùng.

“Quả bom” SCB và những hệ lụy…

Ngân hàng SCB với sự liên thông sang các hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã biến nhà băng này thành quả bom nổ chậm, gây ra những hệ lụy nặng nề trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Vụ việc SCB bị cổ đông lớn bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo rút ruột cho vay các doanh nghiệp sân sau tổng số tiền lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng trong khi mức huy động nguồn vốn SCB lên tới 642 ngàn tỷ (đứng thứ 5 toàn hệ thống chỉ sau nhóm Big4) đã khiến SCB rơi vào tình thế trầm trọng. Đặc biệt, khi người dân hoảng hốt rút tiền ồ ạt, đẩy thanh khoản ngân hàng vào thế “căng như dây đàn” và Ngân hàng Nhà nước buộc phải liên tục gấp rút họp, sử dụng các biện pháp kỹ thuật cũng như cả mệnh lệnh hành chính nhằm giữ ổn định an ninh tiền tệ, giữ được lòng tin của người dân, doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến SCB, chấn động với báo giới là việc một số quan chức Ngân hàng Nhà nước thuộc cơ quan Thanh tra dính vòng lao lý bởi những vi phạm liên quan đến pháp luật (cán bộ Thanh tra NHNN nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc Vạn Thịnh Phát và SCB). Trước đó, không ít người trong số họ từng thể hiện quan điểm “rắn” với các tổ chức tín dụng làm sai, làm bậy.

Ngoài SCB, hệ lụy từ những đầu việc khác khiến cơ quan quản lý phải đau đầu. Việc ngân hàng làm đại lý bán chéo cho các hãng bảo hiểm (vì chạy theo doanh số mà ép nhân viên phải bán bằng được cho khách vay tiền mua) đã khiến hệ thống mang tiếng xấu, Chính phủ phải vào cuộc yêu cầu NHNN, Bộ Tài chính chấn chỉnh mối liên kết này...

Tất cả những vấn đề “trầm kha” này đi kèm sức ép từ tăng trưởng tín dụng kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá đã khiến ngành ngân hàng có những lúc chịu sức ép nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, thậm chí đặt Ban lãnh đạo NHNN vào những thời khắc khó.

Điều gì đón đợi?

Chiều cuối năm, trong căn phòng làm việc một lãnh đạo NHNN, ngồi chia sẻ nhìn lại cả câu chuyện một năm, tôi hỏi ông thực sự cảm thấy đâu là sức ép trong năm qua và điều gì là thách thức khó nhất? - Trầm ngâm một lúc, vị Phó Thống đốc nói: “Năm qua tụi anh cứ hối hả bận và họp, đến mức giờ cũng chưa có thời gian ngồi ngẫm lại. Nhưng có lẽ vất vả nhất vẫn là phải điều hành thế nào để bám sát thị trường, bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô và xử lý linh hoạt. Ví như tín dụng cho nền kinh tế thì phải theo các mục tiêu tăng trưởng, dự trữ ngoại hối thì phải cân đối kiểm soát lạm phát, cân đối các mục đích trong sử dụng …”

Thị trường tiền tệ: Nhiều thách thức đang chờ đợi - Ảnh 3.

Điều gì đang đón đợi thị trường tiền tệ?

Cụ thể hơn là câu chuyện về tỷ giá. Trước sức ép biến động của tất cả nền kinh tế thế giới, Ngân hàng Trung ương các nước phải chấp nhận phá giá đồng nội tệ ở mức cao, nhưng VND vẫn giữ được thế là một trong những đồng tiền ổn định.

“Nếu chúng ta không cân đối tốt, chỉ cần nhà đầu tư ngoại mất niềm tin, họ sẽ rút vốn, khi đó quỹ dự trữ ngoại tệ sẽ buộc phải bán ra mạnh, hệ lụy liên quan đến tỷ giá sẽ lớn hơn. Hay như tín dụng, ngân hàng muốn “bơm vốn” lắm nhưng sức khoẻ doanh nghiệp yếu, tổng cầu vốn của nền kinh tế yếu, không hấp thụ được, cũng đặt Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh phải thận trọng. Nói chung, hệ thống ngân hàng thực sự đã trải qua một năm khó khăn, vất vả”, vị Phó Thống đốc chia sẻ.

Năm 2024 điều gì, thách thức nào sẽ đón đợi thị trường tiền tệ? Theo các chuyên gia, ngoài câu chuyện cần khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, xử lý việc có còn hay không quota room tăng trưởng, thì những vấn đề nóng buộc phải đối mặt đó là câu chuyện của thời gian kết thúc Thông tư 02 về giãn nợ, của xử lý khối nợ xấu ngân hàng đang ngày một “dềnh” lên từ những khoản vay của nhiều đại gia dính vòng lao lý, của doanh nghiệp nay đã không còn khả năng trả nợ. Một điểm nóng nữa, dù muốn hay không, Ngân hàng Nhà nước phải đối diện đó là tiếp tục siết chặt sở hữu chéo ngân hàng, thanh tra quản lý các ngân hàng đi đêm cho vay doanh nghiệp sân sau.


Theo Khánh Huyền

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên