Thị trường tiếp đà hồi phục, nhiều nhóm cổ phiếu đứng ngoài cuộc vui
Cổ phiếu hàng hóa có tính chu kỳ cao như thép, phân bón, hóa chất chịu ảnh hưởng từ xu hướng giá không thuận lợi trong khi nhóm thủy sản tiếp tục bị chốt lời mạnh sau giai đoạn ngược dòng trước đó.
Sau khi lấy lại mốc 1200, thị trường chứng khoán tiếp tục cố một phiên tăng điểm khá tích cực với động lực chính đến từ nhóm ngân hàng và bất động sản. Chiều ngược lại, nhiều nhóm cổ phiếu như thép, thủy sản, phân bón, hóa chất... vẫn chịu áp lực bán mạnh và chìm trong sắc đỏ.
Điển hình là nhóm thép, dù có một vài cái tên vẫn giữ được sắc xanh nhưng bộ 3 "ông lớn" gồm HPG, HSG và NKG đều giảm khá sâu. Trước đó, các cổ phiếu thép đã có nhịp hồi ngắn từ vùng giá thấp nhất trong vòng nhiều tháng. Mức độ hồi phục đâu đó vào khoảng 10 - 15%, cá biệt có HSG tăng gần 20% trong 4 phiên trong đó có 2 phiên trần. Do đó, áp lực bán quay trở lại khi các yếu tố hỗ trợ tích cực chưa xuất hiện là điều không quá bất ngờ.
Thêm nữa, giá thép xây dựng trong nước còn tiếp tục giảm lần thứ 7 và ghi nhận mức giảm đến hơn 2,8 triệu đồng/tấn trong vòng hơn 6 tuần tùy từng thương hiệu và loại thép. Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát giảm lần thứ 4 trong tháng 6. Thép Hòa Phát tại miền Bắc được điều chỉnh giảm lần lượt 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 16,5 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.
2 nhóm cổ phiếu hàng hóa khác là phân bón và hóa chất cũng chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm nay với DPM, DCM, BFC, DGC, CSV đều chìm trong sắc đỏ. Tương tự như thép, các cổ phiếu này phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến giá cả loại hàng hóa trên thế giới. Cụ thể, giá ure thế giới đã giảm khoảng hơn 30% sau khi đạt đỉnh vào trung tuần tháng 4. Giá phốt pho vàng cũng đã hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào trung tuần tháng 5 vừa qua. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Nhóm thủy sản thậm chí còn chịu áp lực bán nặng nề hơn khi một loạt cổ phiếu chìm trong sắc đỏ như VHC, MPC, IDI, FMC, CMX, ACL, AAM,... thậm chí ANV còn giảm sàn. Khác với đà giảm miệt mài của nhóm thép, nhóm thủy sản thời gian qua đã không ít lần ngược dòng và phần lớn cổ phiếu vẫn đang neo giá gần đỉnh hoặc chỉ mới điều chỉnh gần 20%. Điều này khiến áp lực chốt lời thường xuyên hiện hữu trên nhóm cổ phiếu này khi dòng tiền có xu hướng tìm đến các nhóm ngành có tính thị trường cao hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại cũng phần nào ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thủy sản. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 5/2022 không còn tăng trưởng cao như tháng trước, dù vẫn tăng 27% so với cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản đạt kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu tôm không duy trì được tăng trưởng mạnh. Do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn nguyên liệu tôm trong không được khả quan như 4 tháng đầu năm. Dự báo trong vài tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. Ngoài ra, nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Xuất khẩu tôm quý 2 được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý đầu năm.
Nhịp sống kinh tế