MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây của Việt Nam đang thu hút đầu tư lớn

23-11-2023 - 17:30 PM | Kinh tế số

Theo báo cáo Điện toán đám mây & Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC Report 2023), các nhà cung cấp trong nước đạt mức tăng trưởng đột phá, tạo nấc thang mới của thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2023, ngày 22/11, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Điện toán Đám mây và Trung tâm Dữ liệu Việt Nam (Vietnam Cloud Computing and Data Center Club viết tắt là VNCDC) thuộc Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức hội thảo bàn tròn về điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam với chủ đề "Cơ hội lớn cho Data Center & Cloud Việt Nam" và công bố Báo cáo Điện toán đám mây & Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC Report 2023).

Thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây của Việt Nam đang thu hút đầu tư lớn - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo công bố báo cáo Điện toán đám mây & Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC Report 2023).

Hạ tầng điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hạ tầng số ở Việt Nam, kết hợp với hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; trong đó chiến lược "dịch chuyển lên mây" được coi là quan trọng để giúp doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong nền kinh tế số. Đây cũng là cơ hội lớn cho "ngành" trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây Việt Nam tăng tốc và bứt phá.

Thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu ở Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại ASEAN, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cả trong nước và nước ngoài.

Đại diện Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu (VNCDC) khẳng định: "Doanh nghiệp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam đã làm chủ công nghệ, tốc độ tăng trưởng tốt, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các Big Tech quốc tế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu "lên mây" của doanh nghiệp trên lộ trình Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật số quan trọng của ASEAN".

Thị trường luôn biến động, đặc biệt là khi công nghệ có những tiến bộ không ngừng. Để đánh giá kịp thời và chính xác về thị trường, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và VNCDC đã thực hiện khảo sát thị trường trong nước, tập trung vào tốc độ phát triển về doanh thu và cơ cấu của từng loại hình dịch vụ. Điều này cung cấp thông tin hữu ích cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về lĩnh vực này và hướng dẫn những bước đi thích hợp để thúc đẩy doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Theo VNCDC Report 2023, Trung tâm dữ liệu hay Data Center (DC) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang thu hút sự đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như VNPT, Viettel, CMC, FPT… thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới.

Theo báo cáo của Research and Markets, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,68% trong giai đoạn 2022- 2028, dự kiến tăng từ 561 triệu USD năm 2022 (12.900 tỷ đồng) lên 1.037 tỷ USD vào năm 2028. Theo tốc độ tăng trưởng này, năm 2023 giá trị toàn thị trường trong nước ước đạt 620 triệu USD (khoảng 14.270 tỷ đồng).

Mặc dù quy mô toàn thị trường DC của Việt Nam đang mở rộng rất nhanh nhưng thị phần các nhà cung cấp trong nước chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn. Cộng tổng doanh thu của 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ DC hàng đầu Việt Nam cũng chỉ chiếm 17% và 17,6% quy mô toàn thị trường lần lượt các năm 2022 và 2023. Các doanh nghiệp DC trong nước cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm và không ngừng mở rộng hạ tầng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ DC trong nước hiện nay có nguồn doanh thu chủ yếu (86%) đến từ dịch vụ colocation (cho thuê chỗ). 14% doanh thu còn lại là dịch vụ hosting và các dịch vụ DC khác.

Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam đã tăng đột biến, đặc biệt là trong năm 2022, khi quy mô thị trường tăng lên 9.700 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021.

Đại dịch COVID-19 đã đóng góp vào sự chuyển đổi số nhanh chóng của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch và thương mại điện tử. Năm 2022, sau khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các tổ chức và doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây trong nước.

Tuy nhiên, vào năm 2023, tăng trưởng của thị trường điện toán đám mây đã chậm lại, phần lớn đến từ suy thoái kinh tế dẫn tới áp lực cắt giảm, tối ưu chi phí. Sự tăng trưởng chậm lại được thấy rõ trong việc đo lường hiệu quả tiêu dùng dịch vụ đám mây và sự điều chỉnh của người tiêu dùng về lợi ích của đám mây. Mặc dù tăng trưởng giảm, thị trường điện toán đám mây Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 24,2% trong năm 2023.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nội địa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng, làm tăng doanh thu từ 900 tỷ đồng vào năm 2021 lên 2.362 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,4%. Mặc dù có sự tiến bộ rõ ràng tại các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, CMC và FPT, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây quốc tế vẫn giữ ưu thế trên thị trường do cần thời gian để các doanh nghiệp trong nước xây dựng nền tảng mạnh mẽ và đa dạng. Thị phần của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước vẫn xung quanh mức 20%.

Theo XC

Báo Tin tức

Trở lên trên