MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường văn phòng cho thuê TP.HCM tiếp tục rơi vào trạng thái trì trệ

01-12-2020 - 15:25 PM | Bất động sản

Thị trường văn phòng cho thuê TP.HCM tiếp tục rơi vào trạng thái trì trệ

Theo CBRE, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM ghi nhận diện tích thực cho thuê giảm liên tiếp trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, 31% số giao dịch đến từ việc thu hẹp diện tích của khách thuê. Dự báo, tình hình này vẫn tiếp diễn đến hết năm.

Thị trường ế ẩm

Thị trường văn phòng tại TP.HCM vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi tình hình hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Theo CBRE, thị trường ghi nhận diện tích thực cho thuê giảm liên tiếp 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, 31% tổng số giao dịch thực hiện đến từ việc thu hẹp diện tích từ khách thuê. Những động thái này được dự báo sẽ tiếp diễn cho đến hết năm.

Thị trường văn phòng TP.HCM trong quý III/2020 không có thêm nguồn cung mới nào, vẫn duy trì tổng diện tích cho thuê ở mức 1.370.814 m2.

Thị trường văn phòng cho thuê TP.HCM tiếp tục rơi vào trạng thái trì trệ - Ảnh 1.
Thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM có xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm

(Ảnh: CBRE Việt Nam)

Trong quý 3/2020, tỷ lệ trống văn phòng cho thuê hạng A được ghi nhận ở mức 11,5%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,3% so với quý II. Nguyên nhân là do khách thuê giảm diện tích thuê hoặc chuyển nhượng từ những khách thuê hiện hữu thông qua việc mở rộng và gia hạn hợp đồng thuê. Tỷ lệ trống hạng B vẫn giữ ở mức ổn định so với II và tăng nhẹ 1,3% so với năm ngoái, nhờ những nguồn cung mới trong giai đoạn trước (khoảng 100.000 m2) dần được lấp đầy.

Giá thuê hạng A vẫn giữ như quý II nhưng giảm 5% so với cùng kì năm ngoái. Mặc dù giá thuê không đổi nhưng một số chủ thuê đưa ra mức giảm giá 3 - 4 USD/m2/tháng so với giá cho khách thuê mới.

Dù thị trường văn phòng cho thuê ảm đạm, thế nhưng các ngành bảo hiểm, công nghệ thông tin và bán lẻ, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử là 3 nhóm ngành sôi động nhất trong tất cả các giao dịch. Các công ty về lĩnh vực công nghệ thông tin, bán lẻ, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử đến từ Anh, Singapore và Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trên 500m2.

Về lĩnh vực bảo hiểm, các công ty thường đặt văn phòng tại khu vực trung tâm, trong khi đó các công ty về công nghệ, bán lẻ, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử có xu hướng dịch chuyển văn phòng ra ngoài khu trung tâm vì có nhiều lựa chọn, giá thấp cũng như thuận tiện khi di chuyển đến sân bay, nhà kho hoặc cảng. Việc thuê văn phòng ở khu vực cách trung tâm 3 - 7 km, khách thuê có thể tiết kiệm từ 10 USD - 20 USD/m2/tháng.

Nguồn cung có thêm 80.000m2

Cũng theo CBRE, nguồn cung văn phòng mới vẫn được xây dựng với diện tích khoảng 80.000m2, dự kiến khai trương vào cuối năm nay. Nguồn cung mới chủ yếu sẽ tập trung ở khu vực phía Đông (Bình Thạnh) và phía Nam (quận 7). Các tòa nhà mới ở TP.HCM điều chỉnh giảm giá thuê từ 1 - 3 USD/m2/tháng so với giá từ quý IV/2019 nhằm thu hút khách thuê.

Thị trường văn phòng cho thuê TP.HCM tiếp tục rơi vào trạng thái trì trệ - Ảnh 2.
Nguồn cung sẽ có thêm 80.000m2 vào dịp cuối năm (Ảnh: CBRE Việt Nam)

Dự kiến vào cuối năm 2020, giá thuê của cả hai phân khúc văn phòng sẽ thấp hơn từ 8 - 10% so với năm 2019 (mức giảm của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ 8 - 15%) và tỷ lệ trống tăng 7 - 9% do nguồn cung mới vào thị trường và ảnh hưởng của dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, dự kiến giá thuê trong năm 2021 được sẽ ổn định. Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn diễn biến phức tạp, và không có vắc-xin phòng, chữa bệnh thì giá thuê có thể sẽ tiếp tục giảm thêm 5% so với năm 2020.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã định hình lại các xu hướng thị trường khi mà sức mạnh đàm phán giờ đây đang dịch chuyển sang khách thuê. Thị trường sẽ có nhiều nguồn cung mới ở khu vực ngoài trung tâm với mức giá cạnh tranh hơn. Chiều ngược lại, các chủ thuê cũng phải có những điều chỉnh về giá cả. Thêm vào đó, các chủ thuê được tư vấn những công cụ giải pháp tối ưu hóa văn phòng để đánh giá điểm yếu, mạnh của tòa nhà nhằm chỉnh trang và nâng cấp".

Có thể thấy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường bất động sản nói chung và thị trường văn phòng cho thuê nói riêng. Để định hình, tìm hướng đi phù hợp trong thời gian tới, các khách thuê có xu hướng dịch chuyển ra ngoài khu trung tâm, thu hẹp diện tích.

Đối với loại hình đầu tư bất động sản, cụ thể ở đây là văn phòng thì thời gian xoay vòng từ 5 - 10 năm. Xét khía cạnh trong quãng thời gian ảnh hưởng từ đại dịch, việc thời gian tới có thêm 80.000m2 cho thuê sẽ là dư thừa cho thị thị trường văn phòng. Nhưng, nhìn nhận lại theo kế hoạch trung và dài hạn, đây là điều thuận lợi cho các nhà đầu tư bởi tình hình dịch bệnh đã được kiếm soát tốt, nhu cầu về thị trường sẽ còn tăng hơn nữa.

Trao đổi với Nhadautu.vn về vấn đề này, Ts Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết: "Việc có thêm khoảng 80.000m2 trong thời gian tới là khá nhiều và sẽ gặp khó khăn nhất thời. Xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm và thu hẹp diện tích là điều đương nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách khách quan bởi đây là loại hình đầu tư trung và dài hạn, dòng vốn xoay vòng từ 5 – 10 năm, nên việc có thêm văn phòng vẫn sẽ đáp ứng nhu cầu của khách thuê trong tương lai."

Theo Nguyên Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên