Thị trường vàng hỗn loạn, tân lang tân nương rỉ tai nhau: "Đừng dại mà bán hết vàng cưới ở thời điểm này nếu không muốn hối hận về sau!"
Nên dùng vàng cưới thế nào để sinh lời hiệu quả nhất?
- 27-05-2024Đám cưới nhận quà là vàng: Cô dâu chú rể thấp thỏm không biết nên mừng hay lo
- 27-05-2024"Dung Bán Vàng" - mỹ nhân ngành kim hoàn xứ Bến Tre: Đẹp làm gì cũng dễ, nhưng showbiz đâu phải cứ muốn là vào!
- 27-05-2024Lương 10 triệu, tháng nào cũng để dành được 3 triệu mua vàng dù sống ở thành phố lớn
Trong hôn lễ, người thân và bạn bè tặng cô dâu, chú rể vàng cưới không chỉ với niềm mong đợi chúc phúc mà còn là dành cho cặp đôi trẻ chút "vốn liếng" để bắt đầu cuộc sống mới. Sở dĩ tặng vàng được ưa chuộng bởi chúng có tính thanh khoản cao, sinh lời tốt nếu biết mua bán đúng cách.
Tuỳ thuộc vào tình hình tài chính, có những cặp vợ chồng bán vàng cưới để chi trả cho nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tận dụng số vàng cưới đúng cách. Có những cặp đôi còn gặp không ít day dứt vì lỡ bán hết vàng cưới rồi nhưng tiền lời thu về chỉ... bằng 0.
Ngậm ngùi nhìn giá tăng phi mã ngay khi vừa bán vàng
Ngọc Ly (27 tuổi, Hà Nội), đã kết hôn vào đầu năm 2022. Thời gian sau đó, do công việc làm ăn của gia đình đi xuống, cộng với thiếu hiểu biết về quản lý tài chính nên vợ chồng cô đã bán một nửa số vàng cưới để trang trải chi phí cuộc sống. Cho đến giữa năm 2023, khi chứng kiến giá vàng tăng phi mã theo từng ngày, cặp đôi không khỏi hối hận.
Ảnh minh hoạ
Ngọc Ly chia sẻ: "Đợt vàng tăng giá, nếu mình còn giữ vàng cưới và đem đi bán thì cũng chốt lời được ít nhất hơn chục triệu đồng. Ai mất tiền thì chẳng tiếc chứ? Sau đó, vợ chồng mình động viên nhau cố gắng làm ăn thì mỗi năm mua tích trữ thêm một ít.
Mình cũng hơi chút tiếc nuối vì nếu biết quản lý tài chính tốt hơn thì đã không cần bán hết vàng cưới để lo làm ăn và đóng tiền sinh hoạt. Giờ mình coi nó là bài học để chi tiêu tiết kiệm hơn, thay vì tốn tiền vào các khoản chi không cần thiết nhưng không mang lại giá trị cho tương lai như ăn chơi, hưởng thụ,... như hồi mới cưới".
Bán vàng đem tiền đi đầu tư nhưng mất trắng
Vũ (30 tuổi, Hà Nội) cho biết anh tổ chức đám cưới vào năm 2021. Sau đó đến giữa năm 2022, Vũ bán gần hết vàng cưới để đi đầu tư cổ phiếu và đất, chỉ trừ lại bộ nữ trang mà người thân tặng.
Vũ cho hay: "Thời điểm đó, mình cho rằng đây là quyết định đúng đắn. Vì mình nghĩ vàng chỉ là cần một kênh giữ tiền, nên nếu tìm thấy cơ hội tiềm năng trên thị trường thì mình sẽ không ngần ngại bán đi để luân chuyển dòng tiền. Thêm nữa, giá vàng năm đó tăng khá cao, vượt kỳ vọng chốt lời nên mình đã bàn bạc cùng vợ bán đi nhanh chóng".
Tuy nhiên, sau đó Vũ nhận thấy đây là lựa chọn tồi tệ. Vũ chia sẻ: "Thị trường chứng khoán lao dốc, còn bất động sản đứng im. Đến hiện tại, mình vẫn chưa thu được một đồng lời nào từ hai khoản đầu tư này. Đáng lẽ ra mình nên nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng hơn trước khi tất tay hết tiền vào các tài sản rủi ro.
Sau đợt đầu tư này mình cũng quan tâm đến vàng hơn. Và xét trong ngắn vàng không thể tăng nhanh và có lợi nhuận cao. Nhưng nếu tính theo dài hạn, chỉ khoảng 1-2 năm thì mức sinh lời đã khá ổn rồi".
Ảnh minh hoạ
Dùng vàng cưới thế nào cho hợp lý?
Vàng gần như là món quà cưới mà tất cả cặp đôi sẽ nhận được trong ngày kết hôn. Song không phải ai cũng biết tận dụng món quà này để sinh lời hiệu quả nhất.
Với Vũ, anh cho rằng từ trải nghiệm cá nhân, việc bán vàng rồi để hết vào bất động sản và cổ phiếu là quyết định sai lầm khi không nghiên cứu thị trường. Ngoài ra, cứ cách vài tháng, Vũ lại cùng vợ mua vàng để cho thêm vào danh mục đầu tư. Đây là một thói quen tài chính tốt mà anh nghĩ các cặp đôi trẻ nên tham khảo.
"Với mình, vàng là loại tài sản giúp tạo cảm giác an toàn. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, vàng đang tăng giá và có mức lợi nhuận ổn, cao hơn lạm phát nên nếu có một chút tiền nhàn rỗi thì bạn cứ mua vàng tích trữ thôi. Kể cả có giàu hay nghèo thì mua vàng rồi trữ lâu dài cũng không lo thiệt", Vũ giải thích thêm.
Còn về phía Ngọc Ly, cô nhận định trừ trường hợp khẩn cấp thì nên giữ lại vàng cưới. Bạn không nên bán vàng cưới cho những khoản chi tiêu không cần thiết như ăn chơi hưởng thụ, tiêu xài cá nhân,...
Tuỳ vào từng thời điểm trên thị trường, Ngọc Ly sẽ mua nhiều hay ít vàng. Nếu giá vàng đi xuống, cô có thể mua vài ba chỉ, còn nếu giá tăng cao thì cô chỉ mua 1 chỉ vàng phòng thủ.
"Với mình, khi nền kinh tế bất ổn thì càng nên cố gắng mua vàng vì chúng là hàng rào bảo vệ trước sự biến động của thị trường. Tuy nhiên, để mua vàng dạng lướt sóng thì khá khó khăn vì giá mua vào khi đó khá cao và rủi ro lớn. Do đó, mình mới chỉ mua vàng tích luỹ và mua bằng tiền nhàn rỗi, như thế sẽ an toàn và không lo thua lỗ hơn", Ngọc Ly bày tỏ.
Nhịp sống thị trường